Thương học trò thì không thể cho roi...
Vừa qua, ngày 25/2, điều tra viên Công an huyện Yên Định (Thanh Hóa) đã làm việc với Phòng Giáo dục, Ban giám hiệu Trường THCS xã Định Hòa và những người có liên quan để làm rõ việc thầy Đoàn Văn Học dùng gậy đánh nam sinh Đỗ Lân Anh trong giờ học khiến rạn và vỡ mỏm xương khuỷu tay, phải bó bột cố định.
Cháu Đỗ Lân Anh bị thầy giáo đánh gãy tay.
Được biết, trước đó trong giờ học sáng thứ hai (ngày 22/2), em học sinh này đã nói chuyện trong giờ học, dù được thầy Học nhiều lần nhắc nhở, nhưng em không trật tự. Thầy Học đã phạt em đứng ở bục giảng, tuy nhiên Lân Anh vẫn đùa nghịch nên bị đưa xuống phòng hiệu trưởng xử lý. Lúc này, thầy hiệu trưởng không có ở phòng, thầy Học dùng gậy đánh vào mông Lân Anh. Nam sinh đưa tay ra đỡ dẫn đến việc bị chấn thương, phải bó bột tại bệnh viện.
Thời gian vừa qua, liên tiếp xảy ra sự việc thầy cô giáo đánh học sinh dẫn đến chấn thương thân thể và tâm lý các em. Dư luận đau lòng, phẫn nộ và mạnh mẽ lên án. Nhiều giáo viên đã phải nhận những hình thức kỷ luật nặng nhưng tại sao những sự việc tương tự vẫn liên tiếp xảy ra với xu hướng ngày càng nghiêm trọng hơn?
Thực tế, tình trạng giáo viên tự ý đuổi học học sinh theo tiết học, buổi học, bắt học sinh quỳ khi không thuộc bài hay trả lời sai; bảo mẫu đánh, mắng, đe dọa khi trẻ ở mẫu giáo không nghe lời,… vẫn thường xuyên xảy ra. Đã có những trường hợp hết sức nghiêm trọng, gây hệ lụy đối với học sinh như trường hợp cô giáo bắt học sinh liếm ghế khi mất trật tự, bắt học sinh xúc miệng bằng xà phòng khi nói bậy hay dùng gậy đánh gãy tay học sinh như trường hợp này…
Quyền trẻ em đã được định chế thành luật. Song có thể nói cả hai môi trường cơ bản hình thành nên năng lực thể chất và tinh thần của trẻ em là nhà trường và gia đình, vấn nạn bạo hành trẻ em đều đã và đang diễn ra ở mức độ báo động. Phương thức bạo hành có liên quan đến môi trường nhà trường khá đa dạng nên việc phát hiện, ngăn chặn là một điều rất khó.
Khi vụ việc xảy ra, việc giải quyết không tránh được yếu tố cảm tính, bao che, e dè hoặc qua loa. Thông thường, biện hộ cho các vụ thầy cô giáo, bảo mẫu, nhân viên nhà trường có hành vi bạo hành với trẻ em trong trường học đã xảy ra, cả chủ thể bạo hành lẫn đơn vị quản lý đều bắt đầu từ lý do “không ý thức được mức độ nghiêm trọng, hiểu biết luật còn hạn chế”… Hầu hết các hình thức kỷ luật đều không bù đắp hết được những tổn thất (chủ yếu về tinh thần) cho các học sinh bị bạo hành, vốn ít có khả năng tự vệ.
Cụ thể vụ việc tại Trường THCS xã Định Hòa, theo lãnh đạo nhà trường thầy Đoàn Văn Học có hoàn cảnh rất khó khăn. Gia đình có 3 chị em, bố mất đã nhiều năm do ung thư. Mẹ thầy Học đi làm thuê ở miền Nam để kiếm tiền lo ăn học cho mấy chị em. Cách đây ít ngày, ông ngoại thầy Học qua đời.
“Có thể do hoàn cảnh gia đình và tinh thần mấy ngày qua của thầy Học sa sút nên không kiềm chế được bản thân”- thầy Lê Thanh Xuân, Hiệu trưởng Trường THCS Định Hòa nói.
Đánh rạn xương học sinh phải bó bột thì không thể lý luận kiểu“ thương cho roi cho vọt”.