Thành phố của những người nhập cư
Không biết đã có bao nhiêu người di cư và rồi ngụ cư hẳn lại thành phố này. Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh hối hả những vòng quay của cuộc sống nhưng cũng vô cùng sâu lắng tình người. Đã có hàng ngàn người cùng hàng trăm các khu phố, hẻm, xóm nhập cư khắp nơi đã được hình thành, vừa là tổ ấm của nhiều gia đình, vừa để bồi đắp vùng đất này ngày một rộng hơn, như những hình tròn đồng tâm lan ra, mãi mãi.
Bến Bạch Đằng, quần 1.
Sức hút lạ kỳ
Lần đầu tiên đặt chân tới vùng đất này, tôi ở nhà anh Tân, một người đồng hương Hà Tây (cũ) vào Sài Gòn lập nghiệp. Lúc đó, anh mới lập gia đình, các con đều nhỏ nên phải bươn trải nhiều thứ nghề. Anh Tân bảo, đồng hương quê mình trong này nhiều, có khi cả vài chục người cùng xã. Nếu tính là huyện, có khi vài trăm người.
Bình thường mọi người đều làm ăn, lo sinh kế nhưng ngày lễ tết, đám cưới hỏi hay việc làng đều gặp mặt nhau, như khi ở làng vậy. Chính vì thế, cái tình làng nghĩa xóm giữa người với người vẫn còn chút khăng khít, dù là ở thành phố.
Ngay như khu phố nơi tôi đang sinh sống, hầu hết đều là người nhập cư. Nhiều thì khoảng mười năm, ít thì ba bốn năm, ai cũng bắt đầu sinh sống ở thành phố này bằng những căn nhà trọ, rồi những cơ duyên, những sợi dây việc làm, gia đình, bè bạn, thân hữu… kết nối họ lại, để mọi người coi đây như một quê hương thứ 2 của mình.
Nhà thơ Thanh Tùng, tác giả lời bài hát nổi tiếng “Thời hoa đỏ” bảo, khi mình bắt đầu vào Sài Gòn lúc đó đầu đã hai thứ tóc. Cứ tưởng là không sống nổi, vì những thói quen, những tập quán sinh hoạt của người sinh ra và lớn lên ở dải đất ven sông Hồng đã ăn vào máu mình rồi. Thế nhưng thật lạ, đến nay đã hơn 20 năm sinh sống ở Sài Gòn, mình lại thấy may mắn vì đã cư ngụ ở mảnh đất này. Nó cho mình bè bạn, cho niềm vui, cho những rung cảm để có thể viết được thơ khi sự đời ngày một cằn cỗi đi.
Ông Nguyễn Thành Tài, nguyên phó Chủ tịch thành phố cho rằng, Sài Gòn là một trong những mảnh đất kỳ lạ và khó hiểu. Nó dường như có thể bao dung tất cả, từ những người buôn bán lề đường, công nhân cho tới cả những trí thức, nghệ sỹ hay nhà khoa học. Bất cứ ai, nếu đến đây đều tìm thấy cho mình một cơ hội, một việc làm, một không gian văn hóa, một mảnh đất để sống hay thậm chí là cả một quê hương.
Chính quyền địa phương cũng luôn tạo mọi điều kiện để người dân mới đến được hòa nhập, được thuận lợi sinh sống ở mảnh đất này. Những thủ tục hành chính ngày càng đơn giản hơn, tạo điều kiện hơn cho người nhập cư. Đó chính là điều mà không phải mảnh đất nào cũng có được.
Nhập cư, thổ cư và định cư
Sài Gòn-TP Hồ Chí Minh vẫn đang không ngừng phát triển, cả về mặt địa lý lẫn số dân. Có thể nói, đây chính là mảnh đất lành đã chở che, cưu mang và dần trở thành quê hương của hàng ngàn người ở khắp mọi miền đất nước. Bản đồ người nhập cư ở TP Hồ Chí Minh như những vòng tròn đồng tâm với điểm xuất phát là khu cảng Bến Thành (quận 1), không ngừng dãn nở ra khắp các hướng.
Những người nhập cư trước sẽ ở vùng lân cận rồi cứ thế tiến ra xa hơn. Và, suốt trong hàng trăm năm qua, thành phố này đã không ngừng được mở rộng cả về địa lý lẫn nét văn hóa với những cao ốc, chung cư và những căn hộ hay đơn giản chỉ là các xóm tạm trú cùng những gia đình nhỏ bé quây quần. Sài Gòn luôn rộng mở cho bất cứ ai. Vì thế, không khó hiểu khi nhiều người từ các miền Nam - Bắc - Trung không hẹn mà tìm đến nơi đây.
Người dân mưu sinh ở bên bờ kênh Tẻ.
Trước, người nhập cư ở thành phố tập trung ở các vùng quanh quận 1 như Bến Nghé, Bà Chiểu, Hòa Hưng, Hàng Xanh…rồi dần dần người nhập cư dãn ra xa hơn một chút, thường là ở khu vực Phú Nhuận, Gò Vấp, Bàu Cát, Bảy Hiền, Gia Định… Rồi, cách đây chừng hơn chục năm, những người muốn an cư ở mảnh đất này phải định cư ở những khu vực như Bình Tân, Tân Phú, An Lạc, Phú Mỹ, Bến Bình Đông, Thủ Đức…
Với những ai đã sống đủ lâu hoặc đủ thời gian để yêu mảnh đất này sẽ dễ dàng nhận ra rằng, thành phố có rất nhiều nét văn hóa khác biệt nhau. Từ những nét văn hóa người Chăm theo đạo Hồi Islam của những cư dân nhập cư ở vùng Cô Giang (quận 1) cho tới cả những nét văn hóa người Ấn Độ, người Nga, người Campuchia bên cạnh những dấu vết không phai mờ của người Pháp nằm rải rác nơi đây, trên nhiều tuyến phố trung tâm.
Tất cả cùng hòa trộn, hiển hiện rõ nét nhất ở kiến trúc các tòa nhà làm cho người ta có cảm giác mảnh đất này có thể hài hòa với mọi thứ. Nó nhiều khi không đơn giản chỉ là những gì ta nhìn thấy hôm nay mà còn ẩn chứa vô vàn những thông điệp. Thông điệp của những thăng trầm lịch sử, những dấu ấn khó phai mờ của vùng đất từng được coi là viên ngọc vùng Viễn Đông.
Nhập cư rồi định cư và thành thổ cư, theo thời gian, đất cưu mang người và người làm giàu cho đất đã trở thành đặc điểm chung của hàng trăm, ngàn khu phố nơi đây. Có thể nói chính người nhập cư đã và đang tạo nên diện mạo sống động cho thành phố này. Họ đến từ mọi miền và cùng chung sống hòa bình trên mảnh đất có lịch sử hơn ba trăm năm tuổi này như một ưu ái của cuộc đời.