Rừng bị xẻo thịt, ai chịu trách nhiệm?
Sở hữu những cánh rừng nghiến, từ lâu rừng nguyên sinh ở xã Triệu Nguyên (huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng) được coi là “lá phổi xanh” điều hòa khí hậu trong vùng. Nhưng suốt nhiều năm qua, “kho báu xanh” này bị lâm tặc xẻ thịt không thương tiếc.
Hệ thống cáp treo để vận chuyển gỗ nghiến ra khỏi rừng.
Rừng xanh chảy máu
Chúng tôi đến Triệu Nguyên vào một ngày cuối tháng 2/2016, đúng lúc trời rét đậm. Để tiếp cận những cánh rừng nghiến đang bị xẻo thịt, chúng tôi phải nhờ anh B., một người dân bản địa dẫn vào điểm nóng mà lâm tặc đang tàn phá rừng.
Xuất phát từ UBND xã Triệu Nguyên, sau nhiều giờ xuyên rừng, chúng tôi đến cánh rừng Nghiến ở thôn Căm Ngọa- một điểm nóng về nạn phá rừng ở Triệu Nguyên. Mặc dù địa hình núi non hiểm trở nhưng lâm tặc vẫn đua nhau tàn phá khiến núi rừng trở nên tan hoang. Tại đây nhiều cây gỗ quý như nghiến, kháo, sồi... bị cưa đổ và bị xẻ ngổn ngang. Nhiều thân cây có đường kính vài mét bị cưa đổ đã lâu nay mục nát.
Đi dọc theo khe suối về bên Lũng Thàn, rất nhiều cây gỗ nghiến vừa bị cưa đổ, nhựa và lá cây còn tươi nguyên. Gỗ thì bị lâm tặc cắt khúc chuẩn bị đưa ra khỏi rừng. Càng vào sâu trong rừng càng thấy nhiều cây cổ thụ bị đốn hạ. Khi nghe tiếng cưa máy gầm rít đến chói tai cũng là lúc chúng tôi nhìn thấy xa xa nhiều bóng người lô nhô, với tiếng cây gỗ bị cắt đổ ào ào.
Anh B. cho rằng, ngoài đội ngũ lâm tặc “chuyên nghiệp” tổ chức tinh vi, còn có một bộ phận nông dân bản địa và các xã vùng ven cũng tham gia chặt gỗ phá rừng.
Trong rừng, gỗ được cưa xẻ thành những tấm gỗ thành phẩm, và trực tiếp các lâm tặc vận chuyển ra các điểm tập kết ngoài bìa rừng. Tiếp đó, gỗ lậu sẽ tiếp tục được vận chuyển về tập kết rải rác ở các nhà dân trong các bản. Sau đó, các đầu nậu gỗ sẽ vào đây vận chuyển đi tiêu thụ khắp nơi. Hàng ngày ở các khu vực xung quanh rừng nghiến nhất là buổi chiều tối dễ dàng chứng kiến cảnh người vận chuyển gỗ lậu ngang nhiên trên các con đường.
Trò chuyện với chúng tôi, Hào, một cửu vạn chuyên vận chuyển gỗ tiết lộ: “Gặp kiểm lâm thì chi vài trăm lót tay là xong, lại đi vô tư. Có ai chê tiền đâu bao giờ”. Theo Hào, mỗi chuyến vận chuyển trót lọt anh ta bỏ túi cả trăm nghìn. Ngày tranh thủ 5 đến 6 chuyến là có kha khá. Chính vì kiếm được khá như vậy nên nhiều người dân địa phương đã tham gia phá rừng và vận chuyển gỗ lậu và hậu quả rừng nghiến càng bị thu hẹp.
Để qua mặt cơ quan chức năng, dân cửu vạn giấu những tấm gỗ nghiến vào bao tải để vận chuyển. Khi bị phát hiện, truy đuổi thì tháo chạy bạt mạng.
Ngành chức năng bất lực?
Được biết, suốt gần chục năm qua những rừng nghiến nguyên sinh ở xã Triệu Nguyên liên tục bị lâm tặc xẻo thịt. Các cánh rừng nghiến tại đây cứ bị thu hẹp dần và có nguy cơ bị xóa sổ trong sự bất lực của lực lượng chức năng địa phương. Kỳ lạ hơn, lượng gỗ tang vật mà lực lượng chức năng thu giữ trong các đợt truy quét lại được tổ chức bán đấu giá rẻ hơn rất nhiều so với giá thị trường.
Lợi dụng điều này, giới lâm tặc vẫn đua nhau phá rừng, chẳng may bị bắt, thì khi ngành chức năng tổ chức bán đấu giá thì lại có người tổ chức thu mua với giá rẻ.
Theo quan sát, cách điểm rừng nghiến bị chặt phá khoảng 3km, ngay gần UBND xã Triệu Nguyên là một điểm thu mua gỗ đấu giá của doanh nghiệp tư nhân Phương Đạt. Đây là doanh nghiệp giành được quyền trong cuộc đấu giá hơn 30m3 gỗ nghiến quý hiếm do ngành chức năng tỉnh Cao Bằng tổ chức, với giá thấp hơn nhiều so với giá thị trường.
Để vận chuyển gỗ ra khỏi rừng, doanh nghiệp này lắp đặt hẳn hệ thống cáp treo dài đến cả km. Gỗ được buộc thành khối rồi vận chuyển ra ngoài bằng hệ thống cáp treo. Để kịp tiến độ, họ còn dựng lán trại, nấu nướng làm việc cả ngày lẫn đêm.
Một cây gỗ quý trong rừng nguyên sinh Triệu Nguyên vừa bị lâm tặc đốn hạ.
Theo người dân địa phương, bên cạnh việc lợi dụng việc doanh nghiệp khai thác gỗ, một số người dân trong và ngoài xã cũng vào rừng lấy gỗ đem bán theo hình thức nhỏ lẻ tận thu, việc này khiến cho những cánh rừng già ở Triệu Nguyên càng trở nên tiêu điều.
Trao đổi về nạn phá rừng nghiến ở Triệu Nguyên, ông Nguyễn Văn Minh- Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cao Bằng cho rằng, phá rừng là do người dân bên huyện Thông Nông lên xẻ làm thớt. Ông Minh cũng cho biết, trước đây việc khai thác trái phép có nhiều, rồi một thời gian giảm, năm ngoái lại xuất hiện.
Năm ngoái lực lượng chức năng đã phát hiện khoảng 30 mét khối gỗ. Sau đó, ngành chức năng tổ chức bán đấu giá và đơn vị trúng thầu là Công ty Phương Đạt. Về việc ai giám sát đơn vị khai thác tận thu, ông Minh cho hay: Chính quyền địa phương và cơ quan chức năng kiểm tra, có định vị hết, gỗ đấu giá chỉ còn một ít, họ đã mang đi, kiểm lâm vào kiểm tra thì chưa đi họ đã phát hiện.
Nếu họ đứng canh hai con đường vào xã thì kiểm lâm vào họ biết hết, song họ điện thoại cho nhau, họ có thể tẩu tán tang vật hết, chỉ sau và giây trên tay họ không cầm gì nữa là họ thành người dân bình thường.
Khi chúng tôi đề cập đến vấn đề tại sao gỗ nghiến là nhóm gỗ quý, mà ngành chức năng không làm tốt ngay từ đầu mà cứ để người dân phá, rồi bán đấu giá, như vậy không khác nào hợp thức hóa gỗ lậu không? ông Minh lại trình bày: Năm 2014 cũng đấu giá, công ty làm xong họ rút máy về hết, sau đó dân vào khai thác, rồi tịch thu và bán đấu giá. Đơn vị trúng thầu họ đầu tư nhiều máy móc vào đó thì họ làm luôn. Việc người dân lợi dụng vào rừng khai thác gỗ trái phép hoặc doanh nghiệp thực hiện không đúng quy định, chúng tôi sẽ cho người kiểm tra và xử lý.
Lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cao Bằng còn cho biết, khó khăn lớn nhất của kiểm lâm hiện nay là lực lượng ít. Xã Triệu Nguyên chỉ có 2 cán bộ kiểm lâm địa bàn.
Nhưng, lạ lùng thay khi chúng tôi trao đổi về việc khai thác gỗ nghiến trái phép tại khu vực Lũng Thàn, xã Triệu Nguyên thì ông Đặng Hùng Chương- Phó giám đốc Sở NN&PT-NT tỉnh Cao Bằng lại tỏ ra rất thờ ơ: “Chúng tôi chưa nắm được thông tin như phóng viên phản ánh. Về mặt quản lý nhà nước chúng tôi sẽ cho người kiểm tra ngay, nếu phát hiện vi phạm sẽ xử lý theo quy định của pháp luật”.
Nhưng, rừng nghiến nguyên sinh ở xã Triệu Nguyên vẫn từng ngày kêu cứu thảm thiết. Đó mới là điều đáng nói.