Gian nan nghề săn kho báu dưới đáy đại dương

Linh Chi 28/02/2016 11:16

Nghề săn kho báu trên đại dương tưởng chừng như chỉ xuất hiện trong phim ảnh, nhưng hóa ra ngày nay nó lại là một ngành công nghiệp khổng lồ, có khả năng mang lại lợi nhuận lên đến hàng trăm triệu USD cho những ai dám đầu tư và có đủ may mắn…

Gian nan nghề săn kho báu dưới đáy đại dương

Eldred đứng cùng một thiết bị trục vớt có giá lên tới cả triệu USD
trên tàu Manisee của ông (Nguồn: BBC).

Khi những ngọn gió ấm áp thổi qua Gloucester, bang Massachusetts của nước Mỹ, thị trấn này tràn ngập màu sắc lễ hội với nhiều hoạt động phong phú. Nhiều người đổ ra biển câu cá thư giãn, nhiều người đi tắm biển, hưởng không khí trong lành của vùng biển Bắc Đại Tây dương… Nhưng với Micah Eldred thì đây lại là mùa lý tưởng để đi săn kho báu.

Hơn 100 năm trước, vùng biển này đã từng xảy ra một thảm kịch. Vào năm 1860, cách bờ biển 160 km, một trong những con tàu hơi nước lớn nhất thế giới lúc bấy giờ đã bị đắm. May mắn thay, các hành khách trên tàu SS Connaught đều sống sót, nhưng con tàu này chứa nhiều đồng vàng có trị giá lên tới hàng triệu USD đã chìm dưới đáy đại dương.

Đó cũng là lý do mà Micah Eldred đến Gloucester cùng với đội săn kho báu của mình để tìm kiếm vận may. Eldred là một trong số ít những người biết được vị trí chính xác của con tàu đắm SS Connaught, và ông tin rằng ông có thể lấy được kho báu khổng lồ này.

Người ta thường biết đến nghề săn kho báu như một nghề cổ xưa, chủ yếu qua các bộ phim…nhưng thực tế các nhóm săn kho báu hiện đại lại rất khác so với tưởng tượng của họ.

Trên boong chiếc tàu săn kho báu của Eldred - tàu Manisee chất đầy trang thiết bị hiện đại: cáp nối, máy kéo và thậm chí cả robot thăm dò đáy biển…Gần như mọi thứ “đồ chơi” hiện đại đều sẵn có trên chiếc tàu này để có thể kéo số tiền vàng lên từ bóng tối sâu thẳm của đại dương. Nếu may mắn trục vớt được nó, đội của Eldred sẽ trở nên nổi tiếng trong số hàng loạt các đội truy tìm kho báu khác trên thế giới- những người được trang bị thiết bị siêu âm hiện đại, hệ thống hàng hải và robot công nghệ cao…

Trong bối cảnh các công cụ trên đang giảm giá trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều các nhà thám hiểm trỗi dậy, họ có thể là các nhà tỷ phú hay chỉ là những người yêu thích khám phá…

Eldred lớn lên tại khu vực bờ biển của Clearwater, bang Florida. Ông thường đi câu cá với cha mình xung quanh Vịnh Mexico, và đặc biệt yêu thích môn lặn. Sau này, ông rất thích thú khi nghĩ rằng một ngày nào đó ông sẽ lặn bên trong các xác tàu đắm kể từ khi xem một chương trình TV kể về Mel Fisher- một thợ săn kho báu chuyên nghiệp. Năm 1985, Fisher đã nổi tiếng khắp thế giới nhờ việc phát hiện xác tàu đắm Atocha của Tây Ban Nha ở ngoài khơi Florida, con tàu mang theo lượng hàng hóa có trị giá lên tới 450 triệu USD.

Vào thời điểm đó, Eldred không hề nghĩ tới việc trục vớt tài sản nằm sâu dưới đáy biển, mà thay vào đó, ông hứng thú hơn với thị trường cổ phiếu. Sau khi rời trường đại học với một công việc kiếm được hơn 100.000 USD/năm trong ngành tài chính, Eldred bắt đầu có đủ điều kiện để biến giấc mơ của mình trở thành sự thực.

Eldred đã dùng số tài sản tích lũy của mình để lập nên Công ty khám phá Endurance, và chính nó đã đồng hành cùng ông trên hành trình truy tìm kho báu dưới đáy biển.

Một nghề đắt đỏ đến khó tin

Theo Eldred, để tổ chức một nhóm đi săn kho báu không hề đơn giản mà nó yêu cầu người ta phải có rất nhiều vốn đầu tư. Con tàu săn kho báu Manisee của Eldred ban đầu cần phải được trang bị hệ thống liên lạc không dây thuộc loại tiên tiến nhất, các thiết bị trên tàu cần phải gửi và nhận dữ liệu thông qua đường dây cáp quang, điều này đặc biệt cần thiết để giữ liên lạc với robot thăm dò đáy biển khi nó vận hành.

Gian nan nghề săn kho báu dưới đáy đại dương - 1

Chi phí vận hành cho một con tàu thăm dò các kho báu dưới đáy đại dương cũng đắt đỏ đến khó tin. Chi phí vận hành cho một con tàu như của Eldred là khoảng 35.000 USD/ngày, bao gồm cả tiền chi trả cho các thành viên thủy thủ đoàn. Một con tàu như vậy có thể ngốn từ 5-10 tấn nhiên liệu mỗi ngày, với giá nhiên liệu vào khoảng 1.000 USD/tấn.

“Thêm vào đó, các bạn sẽ phải ở ngoài khơi trong khoảng thời gian từ 6 tháng đến 1 năm mới có thể làm được một cuộc thăm dò đúng cách”- Eldred nói - “Thế nên chi phí có thể đội lên hàng triệu USD một cách nhanh chóng”.

Eldred cho hay, tính đến nay, dự án khám phá và trục vớt kho báu từ đáy đại dương đắt đỏ nhất được ghi nhận có chi phí tổng thể lên tới 30 triệu USD. Tuy nhiên, theo luật lệ của mỗi nơi, giá trị tài sản mà các thợ săn kho báu trục vớt được sẽ được chia theo tỷ lệ cho chính quyền và họ. Ví dụ như ở bang Florida, 20% giá trị tài sản trục vớt sẽ thuộc về phía chính quyền.

Bởi vậy mà thú chơi này không dành cho những tay thợ lặn mà chủ yếu là cho các tỷ phú sẵn tiền và các công ty lớn muốn lấn sân sang ngành nghề này. Được biết trong bối cảnh công nghệ phát triển nhanh chóng, có rất nhiều công ty ở nước Mỹ cũng chuyển hướng đầu tư vào trục vớt các tài sản giá trị từ xác tàu đắm; mà theo ông Eldred mô tả là “cơn sốt vàng”.

Ngành công nghiệp khổng lồ

Nghề săn kho báu trên đại dương tưởng chừng như chỉ xuất hiện trong phim ảnh, nhưng hóa ra ngày nay nó lại là một ngành công nghiệp khổng lồ. Ngành nghề này bắt đầu phát triển mạnh mẽ kể từ năm 2011, sau khi công ty Odyssey Marine Exploration có trụ sở tại Florida thông báo tìm thấy tại vùng biển phía bắc Đại Tây Dương một xác tàu cùng 18 tấn bạc, trị giá khoảng 14 triệu Euro.

Đó là tàu SS Mantola của Anh bị tàu ngầm Đức bắn chìm năm 1917. Khoảng 2 tuần sau đó, công ty này lại xác định được vị trí của một tàu Anh khác là SS Gairsoppa, đắm năm 1941 ngoài khơi Ireland, trên khoang có chứa 240 tấn bạc nén có giá lên đến 150 triệu Euro.

Theo UNESCO, có khoảng 3 triệu xác tàu đang nằm ngủ yên trong lòng đại dương, nhưng theo nhận định của Eldred, chỉ trên dưới 3.000 xác tàu thật sự đáng giá để đầu tư tìm kiếm, trục vớt. Trên thực tế, việc săn lùng kho báu từ các xác tàu vẫn là mò kim đáy bể; và để dò tìm và xác định vị trí tàu ở độ sâu hàng trăm, thậm chí hàng ngàn mét, các công ty phải đầu tư rất lớn.

Linh Chi