Hạn mặn bủa vây đất Chín Rồng
Đến thời điểm này, 13 tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long đã có 4 tỉnh công bố thiên tai xâm nhập mặn trên diện rộng là Long An, Bến Tre, Kiên Giang và Sóc Trăng. Hạn mặn đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp cũng như đời sống của người dân nơi đây, lấy đi hàng chục ngàn tỷ đồng…
Đe dọa sản xuất
Vùng đất Phú Hữu của Hậu Giang, nhiều năm qua luôn là vùng đất ngọt, nổi tiếng với nhiều loại trái cây đặc sản như bưởi năm roi, cam sành... nơi này cách bờ biển khoảng 80km, nên chính quyền địa phương cũng như người nông dân vùng này không ngờ tới một ngày nào đó nước mặn lại xâm nhập tới đây. Nhưng mấy ngày qua, lão nông Đặng Văn Kiệt (ngụ ấp Phú Lợi A, xã Phú Hữu, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) cảm thấy bàng hoàng ngẩn ngơ khi buổi chiều nhảy xuống sông tắm, ông giật mình khi thấy dòng nước ngọt hiền hòa lâu nay bỗng mặn lạ thường, điều mà mấy chục năm qua gắn bó với con sông ông chưa bao giờ thấy.
Còn ở vùng nóng của hạn, mặn ở Hậu Giang là vùng Long Mỹ, nhiều người dân lo lắng khi trận nước mặn tràn mé đê khiến cho diện tích lúa của xã Vĩnh Viễn A bị thiệt hại khoảng 30-50%, có nơi lên đến 70%, người dân đứng ngồi không yên khi tình trạng hạn và mặn không có chiều hướng thuyên giảm. Bà Trần Út Rớt ở ấp 9 xã Vĩnh Viễn A nằm cạnh sông nước Đục nhìn về phía 3 công lúa đang bị héo và chuyển sang màu đỏ cháy bần thần nói: Phải cắt bán lúa non thôi, chứ gắng để nữa cũng không ăn thua gì, bán đại may ra còn vớt vát được…
Trong khi một số tỉnh ở xa biển còn lo lắng vậy thì ở Cà Mau giáp với biển Tây phải lo lắng thiệt hại “kép”, khi lúa bị nhiễm mặn, rừng lo cháy vì khô hạn. Rừng tràm U Minh Hạ những ngày qua đón nhận cái nắng gay gắt, nguy cơ cháy rừng luôn rình rập. Sở NN & PTNT Cà Mau thống kê tới thời điểm này, có khoảng trên dưới 30 ngàn ha lúa bị thiệt hại do nắng hạn, trong đó có trên 18 ngàn ha lúa trên đất nuôi tôm và 10 ngàn ha lúa Đông Xuân. Đến nay đã có gần 6.000 ha lúa gần như mất trắng và mức độ thiệt hại không dừng lại khi nắng hạn ngày càng gay gắt kéo dài.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải, ngoài việc lo phòng chống hạn, mặn xâm nhập, tỉnh còn đang đối phó với nguy cơ cháy rừng mùa khô. Hiện nay, mực nước ở vùng rừng U Minh Hạ dù đã chủ động trữ nước từ tháng 10-2015, nhưng hiện nay đang thấp hơn cùng kỳ năm ngoái 0,6m nên hơn 40.000 ha rừng tràm U Minh Hạ đang đứng trước nguy cơ cháy rừng cao. Việc vận chuyển phương tiện và đi lại trong rừng tràm đang hết sức khó khăn.
Còn ở Kiên Giang, mới đây đã phải công bố thiên tai và đây là thiên tai đầu tiên của tỉnh này được ngành chức năng công bố. Đã có hơn 34.000 ha lúa của dân tại vùng U Minh Thượng đã chết, thiệt hại hàng trăm tỷ đồng và không dừng lại ở đó, khô hạn được dự báo là khốc liệt nhất trong vòng 100 năm qua. Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang đã đề xuất khoản kinh phí trên 150 tỷ đồng để hỗ trợ thiệt hại cho người dân tái sản xuất…
Ông Liêng Văn Phước xót xa nhìn đồng lúa đang chết khát.
Người dân “khát”
Nhiều tỉnh thành ở biển Tây như Cà Mau, Kiên Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng những ngày này thiếu nước ngọt trầm trọng. Khảo sát tại Cà Mau, thời điểm này nhiều nơi mực nước ngọt bị sụt giảm mạnh, những nơi còn thì bị nhiễm mặn. Gần 8.000 hộ dân tại huyện An Minh đang thiếu nước sạch để sử dụng sinh hoạt. Để có được 1m3 nước ngọt người dân phải bỏ ra số tiền 30 ngàn đồng. Còn xã Biển Bạch của huyện Thới Bình, những ngày qua nước ngọt cũng khan hiếm, trong khi mạch nước ngầm bị sụt giảm mạnh, địa phương đã đề xuất gấp phương án đầu tư trạm nước sạch cho người dân sử dụng trước tình trạng hạn hán những ngày qua. Ông Đoàn Xuân Nguyện, Chủ tịch UBND xã cho biết, tuy đã đề xuất xây dựng trạm cấp nước sạch nhưng vẫn phải tự cứu mình chứ không ngồi chờ mưa được…
Vùng đất ở đầu biển Tây, người dân các xã giáp biển của Bến Tre vẫn cái cảnh gồng gánh nhau đi xin nước, mua nước như 2 năm trở lại đây. Có điều năm nay người dân phải mua nước ngọt về xài trước vài tháng và nguy cơ phải mua lâu hơn vài tháng so với những năm trước. Điều đó cho thấy mức độ khô hạn ngày càng khốc liệt hơn.
Ông Nguyễn Văn Chiến ở ngay phường 7, của TP. Bến Tre, tỉnh Bến Tre cũng như nhiều người dân ở đây phải mua nước ngọt để xài vì hơn 1 tháng nay nguồn nước máy cũng bị nhiễm mặn, người dân chỉ còn cách mua nước bình còn tồn lại, hay từ các tỉnh Miền Đông Nam Bộ chở xuống để bán cho người dân Bến Tre. Theo đó giá nước bình cũng tăng lên vì ai cũng phải sử dụng để nấu ăn thay vì chỉ để uống như trước đây- ông Chiến chia sẻ.
Do nước ngọt khan hiếm, nhiều nơi, người dân phải mua nước bình loại 20 lít với giá đắt đỏ từ 30.000-100.000 đồng/m3 để sử dụng. Công ty cổ phần cấp nước tỉnh Bến Tre cũng hết cách vì từ đầu tháng 1 đến nay nguồn nước mặt trên các sông chính đã bị nhiễm mặn nên người dân TP. Bến Tre phải sử dụng nguồn nước nhiễm mặn. Cty cấp nước của tỉnh này cũng tìm cách để giảm thiểu tối đa độ mặn trong nước bằng cách khai thác nguồn nước mặt trên rạch Cái Cỏ, xã Quới Thành của huyện Châu Thành, Bến Tre, rồi chuyển về nhà máy nước Sơn Đông và Hữu Định hòa với nguồn nước nhiễm mặn để giảm độ mặn cấp cho bà con sử dụng…
Hiện tượng hạn mặn ngày càng gay gắt và khốc liệt, nhưng được dự báo sẽ còn kéo dài vài tháng nữa. Trong hội nghị mới đây về tình hình hạn mặn ở ĐBSCL, GS.TS Tăng Đức Thắng đã “điểm mặt” nguyên nhân khiến cho mặn đầu mùa sớm, lấn sâu, khác hẳn hoàn toàn trước đây chính là do từ năm 2010 đến nay, các đập thủy điện lớn của các nước phía trên của dòng Mekong đi vào vận hành. Theo ông Thắng, các đập thủy điện ở thượng nguồn tạo nên những diễn biến rất khó lường. Ước tính sơ bộ đến thời điểm này hạn, mặn đã làm thiệt hại về sản xuất nông nghiệp và ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân vùng ĐBSCL lấy đi hàng ngàn tỷ đồng, trong khi đó nguy cơ thiệt hại còn tiếp tục xảy ra…