GS Phan Huy Lê: Không nên khai ấn 'Sắc mệnh chi bảo'

Minh Quân (ghi) 29/02/2016 05:36

Đó là ý kiến của GS Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, xung quanh ấn gỗ “Sắc mệnh chi bảo” (Đại Đoàn Kết đã thông tin trên số báo ra ngày 27/2).  Ấn “Sắc mệnh chi bảo” là ấn thật, nhưng “tuyệt đối không tổ chức khai ấn rồi đóng ấn và phát ấn rộng rãi”. 

GS Phan Huy Lê: Không nên khai ấn 'Sắc mệnh chi bảo'

GS Phan Huy Lê.

Chiếc ấn xứng đáng là bảo vật quốc gia

Theo GS Phan Huy Lê ấn “Sắc mệnh chi bảo” được phát hiện tại tầng văn hóa thời Trần không bị xáo trộn. Tầng văn hóa đó nằm sau thời Lý và trước thời Lê Sơ, cùng với các di vật của thời nhà Trần. Có thể kết luận hai điều dựa trên cơ sở khoa học.

Một là, đây là ấn thật đào được trong quá trình khảo cổ học, không thể có sự ngụy tạo.

Hai là, không thể nói là hiện vật gỗ không bị mục mà có thể tồn tại, bởi trước đời Trần, còn rất nhiều hiện vật gỗ cũng đã được tìm thấy ngay trong Hoàng thành Thăng Long suốt từ thời Lý, Đại La... Cần phải bảo quản ấn thật tốt. Đặc biệt, cần tổ chức nghiên cứu, giám định, xác minh niên đại, đồng thời khảo cứu kỹ hơn nữa về ấn “Sắc mệnh chi bảo” trên cơ sở nghiên cứu, so sánh, đối chiếu nguồn sử liệu. Kết hợp liên ngành để giải đáp chính xác gốc tích chiếc ấn.

Cụ thể, đề nghị giám định chất liệu gỗ, vết sơn hoặc vết son dính trên dấu, những thứ này hoàn toàn có thể làm được nhờ phương pháp khoa học hiện đại. Nếu trong nước chưa làm được thì đưa ra nước ngoài. Việc bảo quản thế nào cũng phải hỏi chuyên gia.

GS Phan Huy Lê đánh giá rất cao ấn gỗ này, “gỗ mà quý hơn vàng”. Ấn “Sắc mệnh chi bảo” quá độc đáo, trong lịch sử quân chủ Việt Nam duy nhất có trong chính sử ghi chép về việc một vương triều cho khắc ấn gỗ. Ấn này ra đời trong thời kỳ chống Mông Nguyên lần thứ nhất, phản ánh tình hình thời đó khẩn trương, ác liệt. Xem xét sử liệu có thể thấy có chép về ấn gỗ thời Trần. Một là tư liệu cho thợ khắc ấn gỗ khi vua đi đánh giặc.

Hai là có văn bản dùng ấn này, khẳng định là ấn thật. Điều đó có nghĩa là chiếc ấn này không chỉ được làm ra để dùng khi đánh giặc, trong quân mà còn dùng trong thời bình sau này, vào việc dân sự. Chắc chắn, đây là ấn để đóng vào sắc dụ phong thần, phong thưởng quan lại.

Đừng ai cho rằng, năm 1400 Trung Quốc mới có ấn “Sắc mệnh chi bảo” thì trước đó Việt Nam không thể có loại ấn này được. Đây là ấn hoàng đế nhưng lại bằng gỗ.

Hiện không có dấu nối giữa ấn gỗ này và chiếc ấn của vua chép trong sử. Nhưng phương pháp nghiên cứu suy đoán có thể áp dụng và hoàn toàn có cơ sở để liên kết điều đó qua nghiên cứu liên ngành. Sau nghiên cứu giám định chắc chắn 100%, ấn này xứng đáng bảo vật quốc gia.

GS Phan Huy Lê: Không nên khai ấn 'Sắc mệnh chi bảo' - 1

Ấn gỗ “Sắc mệnh chi bảo”.

Giữ gìn hình ảnh một hiện vật khảo cổ học

Cũng theo phân tích của GS Phan Huy Lê: Tuy chưa đi đến kết luận cuối cùng về ấn “Sắc mệnh chi bảo”, nhưng với những gì chúng ta đã nhận thức được, thì đây là một di vật rất quý, cần phải phát huy giá trị. Có thể theo hai xu hướng, thứ nhất là tổ chức khai ấn, phát ấn; thứ hai là coi ấn như một cổ vật cần gìn giữ.

Tuy nhiên, “Sắc mệnh chi bảo” phù hợp với giá trị của ấn, mang tính chất văn hóa, lịch sử. Phát huy như thế nào cần cân nhắc thêm nhưng có lẽ cách phát huy được mọi người ủng hộ nhất là có thể in ra trên các tấm lụa quý rồi làm viền đẹp thành những tặng phẩm để tặng cho khách du lịch và bạn bè quốc tế. Và tuyệt đối không tổ chức khai ấn rồi đóng ấn và phát ấn rộng rãi như ở đền Trần (Nam Định).

Ấn Đền Trần không phải “Sắc mệnh chi bảo” mà là ấn thờ. Còn “Sắc mệnh chi bảo” là ấn của vương triều, lại ở Cấm thành thì không phải như ấn đền thờ được.

Thời Nguyễn đã chép rất rõ về lễ khai ấn và phong ấn. Đó là một nghi thức chứ không phải lễ hội, và chỉ được thực hiện trong phạm vi nhất định. Tổ chức phát ấn để cầu may, cầu quan, cầu tước... Nên rút kinh nghiệm từ Đền Trần, theo tôi không nên phát ấn “Sắc mệnh chi bảo”. Nếu làm phải nghiên cứu rất cẩn thận. Trước hết phải nhìn nhận “Sắc mệnh chi bảo” như hiện vật khảo cổ học.

Minh Quân (ghi)