Quảng Nam: Thượng nguồn thiếu nước, hạ nguồn nhiễm mặn
Miền Trung nói chung và Quảng Nam nói riêng đang đối diện với thời tiết khắc nghiệt. Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Quảng Nam, hiện các hồ thủy lợi trên địa bàn tỉnh đang thiếu hụt nước nghiêm trọng. Trong khi đó ở hạ du tình trạng nhiễm mặn cũng đang báo động.
Đắp đập ngăn mặn cứu lúa ở Quảng Nam.
Lượng nước thiếu 60%
Năm 2015 lưu vực hồ thủy điện A Vương hầu như không mưa, lãnh đạo công ty này cho biết, lượng nước về hồ chỉ bằng 40% so với trung bình nhiều năm. Cuối năm 2015, hồ chứa thủy điện A Vương mới tích được hơn một nửa dung tích hữu ích. Do đó hồ thủy điện A Vương không thể vận hành theo quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn mà phải vận hành theo yêu cầu của địa phương để đảm bảo giữ nước cho mùa khô sắp tới. Bởi thực tế đến hết tháng 1, mực nước về hồ vẫn thiếu đến 19m nước, thời điểm hiện nay, hồ chứa A Vương cũng chỉ tích được 65% dung tích hồ.
Trong khi đó, tại thủy điện Sông Tranh 2 là một trong số ít hồ chứa tích đủ nước đến mực nước dâng bình thường nhưng vẫn phải xả cầm chừng để giữ nước cho mùa khô. Sở Công thương Quảng Nam cũng cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh có 47 dự án thủy điện đang hoạt động. Các nhà máy thủy điện lớn như A Vương, Sông Bung 4, Sông Tranh 2,… ngoài việc các tổ máy hoạt động để đảm bảo sản lượng điện theo hợp đồng với các đối tác còn phải đảm bảo phân bổ nguồn nước hợp lý cho phía hạ du. Riêng vụ Đông Xuân 2015 - 2016, nông dân Quảng Nam gieo sạ 42.500ha lúa.
Trước tình trạng trên, UBND tỉnh Quảng Nam đã đề nghị một số công trình thủy điện phải ngừng phát điện để giữ nước phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất trong thời gian tới.
Độ mặn cao gấp 13 lần
Không chỉ thượng nguồn thiếu nước mà hiện nay ở hạ nguồn hiện tượng nhiễm mặn tại nhiều con sông lớn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam như sông Trường Giang, Thu Bồn, Cổ Cò,… Việc mặn xâm nhập sớm này đã gây lo ngại cho việc tưới tiêu hàng ngàn ha lúa đông xuân và cấp nước sinh hoạt cho người dân. Ông Nguyễn Trường Ảnh - Giám đốc Công ty TNHH Cấp nước Đà Nẵng cho rằng, hiện các sông ở Quảng Nam, Đà Nẵng liên tục bị nhiễm mặn, độ mặn có lúc lến đến hơn 3.211 mg/l, cao gấp 13 lần so với mức tiêu chuẩn (250 mg/l).
Để đối phó với tình trạng thiếu nước và nhiễm mặn, ngành nông nghiệp tỉnh đã đưa ra những phương án cụ thể như tiếp tục yêu cầu các nhà máy thủy điện giảm phát điện để tập trung dự trữ nước cho mùa hạn, nhất là thời kỳ sử dụng nước gia tăng như vụ Hè - Thu 2016. Yêu cầu các đơn vị liên quan thường xuyên theo dõi lượng nước về các hồ thủy điện bậc thang ở Vu Gia - Thu Bồn để có những chỉ đạo phù hợp. Trước mắt, các địa phương trong tỉnh căn cứ lượng nước về thực tế và mực nước đạt được so với quy trình để điều chỉnh thời gian và lưu lượng xả nhằm cân đối nguồn nước cho cả mùa cạn. Còn tại thị xã Điện Bàn đã triển khai làm đập bổi ngăn mặn, giữ nước ngọt phục vụ sản xuất và nước sinh hoạt cho bà con nhân dân. Theo đó đã cho đắp một đập bổi dài gần 100 mét, chiều sâu gần 7 mét, chiều rộng khoảng 4 mét ngăn toàn bộ mặt cắt sông Vĩnh Điện, do cho mặn dâng cao. Tổng công trình này có mức đầu tư hơn 1,3 tỷ đồng.
Cùng với đó các địa phương khẩn trương thực hiện các công trình chống hạn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Ngành thủy lợi tập trung đẩy mạnh khâu tuyên truyền, hướng dẫn nông dân thực hiện chế độ tưới nước tiết kiệm. Tỉnh đã triển khai phương án phòng chống hạn và xâm nhập mặn cùng với việc dự trù vật tư, kinh phí phòng chống hạn và xâm nhập mặn cho cây trồng; cung cấp nước sinh hoạt cho người, vật nuôi, điều tiết chuyển nước từ nơi khác về khi xảy ra hạn hán.