Giá cá tra lao dốc
Giá cá tra nguyên liệu lao dốc thấp nhất trong vòng 6 năm trở lại đây vì nhiều lý do như: sức mua trên thị trường giảm do các nước phá giá đồng tiền, rào cản của thuế chống bán phá giá, hàng rào kỹ thuật, “chiêu trò” ép giá của doanh nghiệp trong nước… đẩy nông dân vào tình cảnh mất phương hướng nuôi trồng, “treo ao”, chuyển đổi vật nuôi...
Diện tích nuôi cá tra đang bị thu hẹp dần.
Cùng nhau “treo ao”
Ông Cao Lương Tri, chủ trại cá tra phường Mỹ Thạnh, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang than thở: Do chờ giá cá tra tăng trở lại nên lượng cá tra trong ao nuôi nhà tui đã quá size. Hiện trung bình một con cá tra trong ao của đang ở mức từ 1,5 – 1,7kg, trong khi chuẩn xuất ao chỉ 1kg trở lại. Ông Cao Lương Tri cho biết thêm, giá cá tra nguyên liệu xuống thấp dân nuôi cá ở phường Mỹ Thạnh bỏ ao hết rồi. Do không thuận buồm xuôi gió nên bản thân ông Tri cũng bỏ 4/10 ao nuôi nhằm hạn chế những rủi ro. Hiện tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long – địa phương có diện tích nuôi cá tra lớn nhất đang giảm mật độ nuôi trồng từ 40 – 60%.
Thực tế cho thấy, từ năm 2015 đến nay giá cá tra nguyên liệu luôn trong tình trạng sụt giảm đáng kể, thậm chí thấp dưới mức giá thành. Tức là giá thành ở khoảng 22.000 đồng/kg nhưng giá cá tra nguyên liệu chỉ dao động ở mức từ 18.000 – 19.000 đồng/kg. Thậm chí có những khi giá cá tra nguyên liệu “lao dốc” còn 16.000 – 17.000 đồng/kg. Như vậy, với mức giá các tra nguyên liệu như hiện nay người nuôi đang lỗ khoảng từ 3.000 – 6.000 đồng/kg. Thất vọng về giá cả của mặt hàng cá tra nguyên liệu, ông Tri cho biết, 20 năm nuôi cá nhưng chưa năm nào ông cảm thấy mất phương hướng như năm nay.
Giá cá tra nguyên liệu xuống thấp, không chỉ người nuôi cá tra nguyên liệu bỏ ao nuôi mà bản thân các hộ nuôi trồng cá tra giống cũng “treo ao”. Đa phần các hộ dân cho rằng, người nuôi các nguyên liệu lỗ liên tục buộc phải nghỉ xả hơi thì ai sẽ mua cá tra giống. Kết quả, nông dân phường Mỹ Hòa Hưng, Thị xã Long Xuyên – địa phương nuôi cá giống khá lớn cũng đóng cửa nghỉ ngơi hoặc chuyển sang nuôi cá lóc, cá trê, cá nàng hai.
Doanh nghiệp “chiêu trò”, nông dân bị ép giá
Nhìn vào thị trường giá cá tra hiện nay, người nông dân đang thắc mắc về nguyên nhân sụt giảm giá trong thời gian qua. Theo đa số nông dân, có thể nguyên nhân đang nằm ở khâu xuất khẩu. Xuất khẩu – chế biến – nuôi trồng đi liền với nhau, nếu xuất khẩu ổn định thì nuôi trồng cá tra hoàn toàn suôn sẻ và ngược lại. Lý giải nguyên nhân giá cá tra sụt giảm, ông Nguyễn Ngọc Hải, Chủ nhiệm Hợp tác xã Thới An, quận Ô Môn, TP.Cần Thơ cho rằng, nguyên nhân cá tra chịu tác động bởi thuế chống bán phá giá của Mỹ, tâm lý của đạo luật Farm Bill của Mỹ có thể tạo ra hàng rào kỹ thuật mới với cá tra Việt Nam, do phá giá đồng tiền khiến thị trường hạn chế tiêu dùng…
Ngoài ra, theo đại diện một số hiệp hội cá tra các tỉnh, ngoài yếu tố khách quan làm giá cá tra nguyên liệu sụt giảm còn một nguyên nhân khác. Đó là hình thức “chơi chiêu” của doanh nghiệp xuất khẩu.
Doanh nghiệp tung “hỏa mù” như: thiếu cá tra nguyên liệu, giá cá sẽ tăng… nông dân thấy thời cơ thì đầu tư nhưng khi đến mùa vụ lại rớt giá. Ngoài ra, doanh nghiệp đầu tư mạnh, với nhà máy công suất lớn nhưng lại thiếu tiền mua nguyên liệu, vì vậy doanh nghiệp quay ra ép giá nông dân.
“Doanh nghiệp cứ kêu không có cá tra nguyên liệu là không đúng. Doanh nghiệp nào cần tôi cũng có thể mua cho họ!”, ông Hải bức xúc. Ông Nguyễn Ngọc Hải cho rằng, giá cá tra tiếp tục ở mức thấp song nguyên liệu hoàn toàn không thiếu thốn. Mặc dù diện tích ao nuôi có giảm nhưng cá tra nguyên liệu trong dân còn rất nhiều. Đại diện hợp tác xã Thới An khẳng định, doanh nghiệp xuất khẩu đang “chơi chiêu” với nông dân.
Kết nối nông dân - doanh nghiệp không dễ
Dự báo về thị trường giá cả của mặt hàng cá tra, nhiều ý kiến nhận định, năm 2016 cá tra tiếp tục gặp nhiều khó khăn.Theo các chuyên gia kinh tế, tại thị trường các nước, cá tra Việt Nam ngày càng phải cạnh tranh khốc liệt với các sản phẩm cùng loại của nhiều nước và vùng lãnh thổ. Nếu như những năm trước cá tra Việt Nam “một mình một chợ” thì nay thị trường xuất khẩu mặt hàng này đang chứng kiến sự có mặt của cá tra Philippines, Indonesia, Bangladesh…
Bên cạnh đó, nhu cầu ở thị trường tiêu thụ đang sụt giảm, rào cản thương mại xuất khẩu ngày càng tăng tại các thị trường làm ảnh hưởng đến đường “bơi” của cá tra khi ra “biển lớn”…
Trong khi mức độ cạnh tranh mặt hàng cá tra xuất khẩu sang các nước ngày càng khắc nghiệt hơn thì trong nước việc cạnh tranh không lành mạnh của doanh nghiệp và người nuôi theo hình thức tranh mua, tranh bán làm ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm cá tra xuất khẩu. Hơn nữa, bài toán giải quyết đầu ra cho cá tra nguyên liệu được đề cập sớm, bàn bạc lâu song đến thời điểm hiện nay nông dân vẫn “tự bơi” một đường - doanh nghiệp chế biến theo một nẻo, điều này vô hình trung hạn chế sự thống nhất về chất lượng theo một chuẩn nhất định.
Chưa hết, tình trạng doanh nghiệp thiếu nguyên liệu áp giá thu mua cao, và ngược lại đang tạo sự bấp bênh không đáng có cho thị trường.
“Nông dân chỉ biết nuôi nấng và chăm sóc sản phẩm cá tra đạt chất lượng, tiêu chuẩn. Về phần giá cả sản phẩm đều do doanh nghiệp, thị trường định đoạt. Thiết nghĩ, doanh nghiệp nên liên kết để cùng nông dân phát triển mạnh hơn nữa nguồn tài nguyên vàng của ngành thủy sản”, đại diện nông dân nuôi cá tra mong muốn.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Chí Bình – (Phó Chủ tịch Hiệp hội Nghề nuôi và Chế biến thủy sản An Giang), câu chuyện liên kết nông dân và doanh nghiệp hoàn toàn không đơn giản. Hiệp hội đã cố gắng gắn kết họ lại với nhau nhưng doanh nghiệp không muốn như thế. Doanh nghiệp đang muốn một mình phát triển chuỗi giá trị thông qua các vùng nguyên liệu...