'Vẽ rắn thêm chân'

Hải Phong 02/03/2016 06:36

Nghị định 123/2015/NĐ-CP hướng dẫn thực hiện Luật Hộ tịch mới đã phát sinh thêm quy định bất hợp lý về việc xác nhận tình trạng hôn nhân, gây không ít phiền toái không chỉ cho người dân, mà cho cả UBND xã, phường, thị trấn (cấp phường).

'Vẽ rắn thêm chân'

Ảnh minh họa.

Theo quy định của Khoản 4, Điều 22, Nghị định 123, quy định về việc cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho công dân nêu: Trường hợp người yêu cầu xác nhận tình trạng hôn nhân đã từng đăng ký thường trú tại nhiều nơi khác nhau, người đó có trách nhiệm chứng minh về tình trạng hôn nhân của mình.

Trường hợp người đó không chứng minh được thì công chức tư pháp - hộ tịch báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó đã từng đăng ký thường trú tiến hành kiểm tra, xác minh về tình trạng hôn nhân của người đó.

Nghe ra có vẻ đơn giản, song chính quy định mới này đã khiến không ít người dân và nhiều UBND cấp phường “méo mặt”. Theo quy định cũ, một người có đăng ký thường trú tại một địa phương nào đó sẽ được cấp sổ hộ khẩu, còn nếu người đó ở một địa phương khác thì chỉ được gọi là tạm trú (cư trú có thời hạn). Và đã là tạm trú thì sẽ không chịu sự điều chỉnh của Khoản 4, Điều 22, Nghị định 123.

Song, do cách hiểu về thường trú chưa thống nhất nên có người mặc dù có sổ hộ khẩu ở một chỗ, nhưng cư trú ở nhiều nơi đã phải “long tong” đi xin xác nhận cho bằng đủ những nơi anh ta cư trú.

Chẳng hạn cô A có hộ khẩu thường trú tại phường B, nhưng do ở phường C, nên khi cô này muốn tới phường B xin xác nhận tình trạng độc thân thì cán bộ tư pháp phường này yêu cầu phải tới phường C để xin xác nhận. Thực chất, cô A chỉ có nhà ở phường C và khi cô ở đó là tạm trú chứ không thể gọi là thường trú. Vậy nhưng nhiều cán bộ tư pháp cấp phường lại không hiểu như vậy, vì họ cho rằng cô A ở phường C là chính nên không thể biết chắc tình trạng hôn nhân của cô này.

Theo quan điểm nhiều luật sư thì việc phát sinh thêm quy định mới này là không cần thiết. Bởi lẽ, khi cô A có hộ khẩu thường trú tại phường B thì cô này có “chạy đằng trời”, làm sao có thể đăng ký kết hôn ở nơi khác nếu không có xác nhận tình trạng độc thân của cán bộ tư pháp phường B? Theo quy định, khi muốn đăng ký kết hôn (dù ở nơi thường trú của vợ, hay của chồng đều được), thì người có hộ khẩu thường trú tại nơi đó không phải trình giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, nhưng người còn lại sẽ phải trình giấy xác nhận tình trạng hôn nhân của nơi họ đăng ký thường trú thì mới được cấp giấy kết hôn.

Vậy thì làm gì có kẽ hở để một người có thể kết hôn “chui”? Ví dụ cô A ở trên chỉ là ở 2 phường trên cùng lãnh thổ Việt Nam, vậy nếu trong trường hợp đi du học, hay làm việc có thời hạn ở nước ngoài thì sự phiền toái khi xin giấy xác nhận sẽ không nhỏ.

Tóm lại là theo quy định cũ thì cũng đã chặt chẽ, không còn kẽ hở để “lách luật” rồi, cần gì phải “đẻ” thêm quy định mới gây phiền hà không chỉ cho người dân mà còn khiến UBND cấp phường lúng túng khi triển khai. Các cơ quan có thẩm quyền cần xem xét lại quy định trên sao cho hợp lý.

Hải Phong