EU ra kế hoạch hành động khẩn để cứu Schengen

Khánh Duy 03/03/2016 07:30

Các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã được thúc giục gỡ bỏ các lệnh kiểm soát biên giới trước thời điểm cuối năm nay, nhằm cứu vãn khu vực tự do đi lại thuộc Hiệp ước Schengen khỏi bị sụp đổ hoàn toàn, một dự thảo báo cáo của Ủy ban châu Âu hôm 2/3 cho hay.

EU ra kế hoạch hành động khẩn để cứu Schengen

Những hàng rào dây thép gai như thế này
đang mọc lên khắp châu Âu. (Nguồn: Guardian).

Các bức tường, hàng rào dây thép gai, cùng các trạm kiểm tra biên giới ngày nay đã xuất hiện ở khắp chây Âu trong bối cảnh EU đang vật lộn với cuộc khủng hoảng di cư tồi tệ nhất kể từ sau Thế chiến II. Từ tháng 9/2015, đã có 8 trong tổng số 26 quốc gia thành viên thuộc Hiệp ước Schengen tái khởi động các trạm kiểm soát biên giới.

Các biện pháp kiểm soát này “đã làm dấy lên câu hỏi về chức năng của khu vực tự do đi lại Schengen”, báo cáo của EC, dự kiến công bố vào cuối tuần này, cho hay. “Giờ là lúc để các nước thành viên cùng phải đảm bảo sự tồn tại của một trong những thành tựu hàng đầu của khối”, dự thảo báo cáo nói thêm.

Cùng ngày, Cao ủy châu Âu về vấn đề hỗ trợ nhân đạo cũng công bố về khoản ngân sách 700 triệu euro trong vòng 3 năm tới để hỗ trợ người di cư ở khu vực các nước Balkan. Phần lớn số tiền này sẽ được chuyển đến Hy Lạp, khi giới lãnh đạo EU đang muốn giúp Athens đương đầu với cuộc khủng hoảng này.

Hiện nay ở Hy Lạp, có khoảng 24.000 người di cư đang cần hỗ trợ cấp thiết về nơi ở, trong khi hàng ngày lại có thêm khoảng 2.000 người đổ đến các bờ biển của nước này. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk đã mô tả kế hoạch giúp đỡ Hy Lạp như “một phép thử của châu Âu”.

Khu vực tự do đi lại, kéo dài từ Iceland cho tới Hy Lạp nhưng lại không bao gồm Anh và Ireland, hiện đang chịu áp lực lớn chưa từng có. Sự sụp đổ của Hiệp ước Schengen có thể làm quá trình hội nhập của châu Âu thụt lùi hàng thập kỷ. Vậy nên EC muốn các nước thành viên nhanh chóng gỡ bỏ các biện pháp kiểm soát biên giới và đặt mục tiêu hạn chót là vào tháng 11 tới đây.

Tuy nhiên, Brussels cũng muốn thắt chặt kiểm soát các đường biên giới ngoại vi của EU và sẽ nhắc lại các cảnh báo của họ rằng Hy Lạp có thể bị “đá” khỏi khu vực Schengen nếu không cải thiện quản lý biên giới của mình từ nay cho đến tháng 5 tới đây. Kế hoạch hành động này được vạch ra ngay trước thềm một cuộc họp khẩn cấp giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 7/3 tới, khi mà EU dự kiến sẽ kêu gọi Ankara có nhiều biện pháp hơn để ngăn chặn dòng người di cư tới cửa ngõ châu Âu, một phần trong thỏa thuận trị giá 3 tỷ euro mà hai bên ký kết hồi năm ngoái.

Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia hiện đang là điểm dừng chân của 2,5 triệu người di cư, đã bác bỏ các cáo buộc cho rằng họ chưa làm đủ theo thỏa thuận trên. Thế nhưng bất chấp thực tế phũ phàng, Brussels đến giờ vẫn cứ bám lấy hy vọng rằng chung tay cùng Thổ Nhĩ Kỳ có thể làm giảm nhẹ gánh nặng từ khủng hoảng di cư.

Theo ước tính của EU, khi thời tiết dần ấm hơn khi bước sang mùa hè, số lượng 2.000 người di cư hàng ngày đổ đến Hy Lạp sẽ còn tăng cao.

Sẽ là hợp lý nếu nói rằng Hy Lạp hiện đang chịu sức ép nhiều nhất, vừa phải lo cải thiện kiểm soát biên giới, vừa phải lo giảm số lượng người di cư cập bến vào các bờ biển của họ mỗi ngày. Và theo kế hoạch hành động mới này, EU sẽ sớm cử đoàn thanh tra tới kiểm tra các khu vực biên giới của Hy Lạp trong tháng 4 tới đây để quyết định xem Athens có nghiêm túc thực hiện yêu cầu của họ hay không. Cuối cùng, quyết định về việc Hy Lạp ra đi hay ở lại khu vực Schengen sẽ được đưa ra trong tháng 5.

Vào khoảng giữa tháng này, EC dự kiến sẽ đưa ra một danh sách các lựa chọn cho việc cải tổ lại chính sách đối với người tị nạn của họ. Ý tưởng hiện nhận được sự ủng hộ nhiều nhất là thành lập một hệ thống tái phân bổ, trong đó người di cư được phân bố cho các nước trong khối, tùy thuộc vào khả năng tài chính và kích cỡ của một quốc gia.

Khánh Duy