Không lo 'Đảng cử dân bầu'
Để cuộc bầu cử QH và HĐND các cấp sắp tới được tiến hành dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, bà Võ Thị Dung, Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy TP Hồ Chí Minh cho rằng: Quá trình tiếp xúc cử tri giữa ứng cử viên với cử tri hết sức dân chủ cho nên không lo chuyện “Đảng cử dân bầu”.
Bà Võ Thị Dung.
PV: Bà nghĩ sao khi sau các lần bầu cử trước đây, dư luận đặt ra vấn đề còn tình trạng “Đảng cử dân bầu”. Vậy trong lần bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, theo bà làm sao khắc phục được tình trạng này?
Bà Võ Thị Dung: Trong bầu cử thì dù tổ chức Đảng, đoàn thể giới thiệu nhưng vẫn phải qua hiệp thương của Mặt trận. Như vậy đã có sự lựa chọn rồi. Mặt trận đại diện cho các tổ chức, cá nhân tiêu biểu, các thành phần của địa phương, của cả nước cho nên đó là một tổ chức đại diện rộng rãi. Dân chủ chính là ở đó, đây chính là một bước để lựa chọn người ra ứng cử.
Thứ hai, hiện nay việc giới thiệu người ra ứng cử cũng phải trên cơ sở tiêu chuẩn của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, và đại biểu HĐND chứ không phải người được giới thiệu thì tiêu chuẩn “nhẹ” hơn so với người tự ứng cử. Tiêu chuẩn là như nhau, dù là người do tổ chức Đảng, chính quyền hay đoàn thể giới thiệu thì đều phải trên cơ sở đủ tiêu chuẩn theo luật định. Sau đó Mặt trận mới lựa chọn. Mặt trận chính là cơ quan lựa chọn để chính thức giới thiệu người đó ra ứng cử.
Thứ ba là khi giới thiệu người ra ứng cử thì mỗi đơn vị bầu cử đều có số dư. Số dư là 50-50. Nếu bầu 3 thì phải 5 ứng cử, còn bầu 2 phải là 4 ứng cử. Đó chính là điều kiện để người dân phát huy quyền làm chủ của mình trong việc lựa chọn người xứng đáng để bầu. Thứ tư, nhằm phát huy dân chủ, người ra ứng cử còn phải qua cử tri nơi cư trú. Như vậy một người ra ứng cử phải qua nhiều khâu chọn lựa, và những tổ chức chọn lựa đó đều là cử tri, nhân dân - đó chính là dân chủ.
Hiện nay chúng ta cũng mở rộng việc tự ứng cử. Trong lãnh đạo của tổ chức Đảng thì đều đưa ra tỷ lệ người ngoài Đảng trong cơ quan dân cử. Điều đó cho thấy rằng dân chủ của ta ngày càng mở rộng. Đặc biệt quá trình tiếp xúc cử tri giữa ứng cử viên với cử tri hiện nay hết sức dân chủ, cho nên không lo chuyện “Đảng cử dân bầu” nữa. Bởi Đảng cử trên cơ sở đủ tiêu chuẩn theo quy định, luật định. Để ứng cử được thì phải qua các bước phát huy dân chủ bằng cách cử tri nơi đó phải chọn lựa để đồng thuận có giới thiệu người đó hay không.
Nếu Đảng đồng ý nhưng cử tri không đồng ý thì cũng không giới thiệu được người đó ra ứng cử. Theo tôi trong công tác bầu cử, tổ chức bầu cử hiện nay quyền làm chủ của người dân được phát huy rất cao.
Thưa bà, để cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 đạt kết quả cao, Bộ Chính trị có yêu cầu các cấp ủy, các tổ chức Đảng lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác nhân sự, bảo đảm phát huy dân chủ và sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Đảng trong công tác cán bộ. Vậy bà nhận định như thế nào về chỉ đạo này?
- Tôi cho rằng đây là một chủ trương hết sức sâu sát, chặt chẽ và mang tính chiến lược. Bởi Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định quyền dân chủ của người dân. Cho nên trong chỉ đạo của Bộ Chính trị, của Đảng đối với các cấp ủy điều số một là công tác bầu cử phải đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, nhưng phải phát huy quyền làm chủ của người dân. Theo tôi đây là tinh thần hết sức xuyên suốt.
Vậy theo bà, vai trò của Mặt trận đối với công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 cần phải được thể hiện như thế nào để phát huy quyền làm chủ của người dân?
- Mặt trận là cơ quan lựa chọn người ra ứng cử cho nên Mặt trận phải lắng nghe, tổ chức thật tốt khâu lấy ý kiến cử tri nơi làm việc và nơi cư trú của người đó. Thứ hai, quá trình chọn lựa cần công khai rộng rãi danh sách lựa chọn. Vì sau hiệp thương lần thứ hai đã có danh sách sơ bộ người ra ứng cử. Đến hiệp thương lần thứ ba mới “gút” lại danh sách.
Trong khoảng thời gian đó làm sao phối hợp tốt cơ quan truyền thông thông tin rộng rãi danh sách những người ra ứng cử để cho cử tri giám sát. Nếu họ phát hiện người đó không đảm bảo tiêu chuẩn thì Mặt trận phải lắng nghe để quá trình chọn lựa người ra ứng cử không phải là sự quyết định của các thành viên Mặt trận mà là ý kiến của các tầng lớp nhân dân.
Nếu có khiếu nại tố cáo liên quan đến người ứng cử thì Mặt trận phải làm tốt công tác xác minh, làm rõ trước khi giới thiệu người đó để ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.
Trân trọng cảm ơn bà!