Trạm thu phí không dừng: Minh bạch tài chính, tiết giảm thời gian

Tuấn Việt 03/03/2016 09:25

Tình trạng ùn tắc tại các trạm thu phí, đặc biệt trong các ngày lễ Tết vừa qua đòi hỏi có thêm những trạm thu phí không dừng, một xu thế của thời đại công nghệ. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp có trạm thu phí nào cũng “hài lòng” khi công nghệ được áp dụng. Đây cũng là nội dung chính trong cuộc họp triển khai công tác lắp đặt các trạm thu phí không dừng, được Bộ GTVT tổ chức ngày 2/3, tại Hà Nội.

Trạm thu phí không dừng: Minh bạch tài chính, tiết giảm thời gian

Trạm thu phí không dừng Km604+700 Quốc lộ 1 tỉnh Quảng Bình.

Không lắp trạm không dừng sẽ bị dừng thu phí

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, hiện nay việc thu phí một dừng được thực hiện chậm chạp. Mỗi xe đi qua ít nhất mất 30 giây và với lượng xe lớn ngày một gia tăng, sự ùn tắc luôn xuất hiện. Có thể ví dụ như trạm Đại Xuyên, với lượng xe trung bình vào ngày thứ 7, Chủ nhật trên dưới 60.000 xe, sự ách tắc luôn khiến người dân bức xúc. Hay như trạm thu phí Pháp Vân - Cầu Giẽ, 16 cửa, gấp 4 lần số làn nhưng vẫn ùn tắc. Có lẽ từ nguyên nhân ấy, việc lắp đặt hệ thống thu phí tự động không dừng là rất cần thiết và là yêu cầu bắt buộc với tất cả các nhà đầu tư BOT.

Hiện nay Bộ GTVT đã nghiên cứu và áp dụng triển khai công nghệ thu phí tự động theo công nghệ của Hoa Kỳ. Đây là công nghệ được đánh giá hiện đại nhất thế giới và Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho áp dụng thí điểm công nghệ thu phí không dừng RFID trên QL1 và QL14. Đồng thời, Bộ GTVT đã yêu cầu thí điểm ở 30 trạm thu phí ở Nghệ An, Quảng Bình, Tây Nguyên và chuyển giao nguyên công nghệ, cho đến nay đã có gần 2.000 khách hàng sử dụng.

“Mỗi năm trạm thu phí không dừng tiết kiệm hơn 3.000 tỷ đồng cho người dân và doanh nghiệp vận hành. Điều quan trọng hơn cả là giao thông được thông suốt trên các tuyến quốc lộ. Do vậy, từ nay đến 30-6, tất cả trạm thu phí QL1 và QL14 phải hoàn thành việc lắp đặt. Lộ trình hết năm nay cơ bản tất cả các trạm thu phí trên cả nước ít nhất có 1 trạm không dừng và đến cuối năm 2018 lắp đặt toàn bộ xong cho toàn quốc. Đến năm 2020 chuyển toàn bộ sang tự động không dừng”, thứ trưởng Hồng Trường cho biết.

Có thể hiểu, mỗi xe ô tô khi đăng kiểm sẽ được gắn miễn phí thẻ RFID. Người điều khiển phương tiện chỉ cần nạp tiền vào thẻ và khi đi qua trạm thu phí, các thẻ sẽ bị trừ tiền tương với quãng đường đã sử dụng. Việc trừ tiền hay nạp tiền cũng sẽ giúp cho người sử dụng minh bạch với chủ đầu tư tuyến đường. Ngược lại, chủ đầu tư minh bạch với ngân hàng và các khoản đầu tư của mình.

Hiện nay, công nghệ thu phí không dừng (ETC) đã được thí điểm áp tại 3 trạm thu phí. Sau khi khai thác, rất nhiều ưu điểm đã nhận được như chi phí đầu tư thấp, thao tác đơn giản, tốc độ nhận diện phương tiện nhanh, kết quả thu phí chính xác lên tới 99,99%, dễ được chủ phương tiện giao thông chấp thuận…

Thực tế cho thấy người điều khiển phương tiện thấy thoải mái khi sử dụng trạm thu phí không dừng. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp thu phí lại “không cảm thấy thoải mái” với công nghệ tân tiến này.

Về vấn đề này, thứ Trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết, 18 doanh nghiệp phải dứt điểm ký phụ lục hợp đồng để có cơ sở pháp lý để thực hiện trạm thu phí không dừng. Đơn vị nào không ký tuần sau Bộ GTVT sẽ có quyết định dừng thu phí. Không thể chấp nhận lý do nào khác. Chỉ lý giải nếu không lắp trạm thu phí không dừng, tức là không minh bạch.

2 tuyến cao tốc cửa ngõ sẽ thu phí liên thông?

Hiện tại, theo hướng dẫn tại Thông tư 45 của Bộ Tài chính về việc thu phí sử dụng đường bộ tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ, tại Trạm thu phí (Km 212+200) sẽ dùng chung với Dự án đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, trong đó, tuyến Pháp Vân – Cầu Giẽ hiện thuộc quyền quản lý của Công ty cổ phần BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ, tuyến Cầu Giẽ - Ninh Bình hiện thuộc quyền quản lý khai thác của Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC).

Chính từ sự quản lý của 2 doanh nghiệp khác nhau nên cũng gây nhiều phiền hà cho người tham gia giao thông. Trước sự bất cập này, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho rằng hai tuyến đường phải nhanh chóng lắp đặt hệ thống thu phí không dừng để giúp các phương tiện lưu thông nhanh nhất, đảm bảo tiến độ hoàn thành đến ngày 30/6.

Tại cuộc họp, Đại diện Công ty BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ cho biết, đã lắp đặt và vận hành thử nghiệm thành công 17 cửa thu phí có gắn hệ thống thiết bị thu phí không dừng, công nghệ RFID tại các trạm. Dự kiến trong tháng 3-2016 sẽ bắt đầu áp dụng thử cho các xe mua vé tháng, vé quý và áp dụng đại trà cho các loại phương tiện từ tháng 4/2016.

Tuấn Việt