Siết quản lý du lịch mạo hiểm
Bộ VHTT&DL vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc chấn chỉnh công tác quản lý, khai thác du lịch mạo hiểm trên địa bàn. Theo Bộ VHTT&DL, hiện công tác quản lý du lịch mạo hiểm ở các địa phương còn lỏng lẻo và sơ hở.
Leo núi mạo hiểm trên vịnh Hạ Long.
Vào cuộc muộn…
Công văn của BVHTT&DL nêu rõ: cuối tháng 2-2016, tại các thác nước thuộc tỉnh Lâm Đồng đã xảy ra 2 vụ tai nạn nghiêm trọng làm 4 khách du lịch nước ngoài thiệt mạng. Dù UBND tỉnh Lâm Đồng đã khẩn trương giải quyết hậu quả và tăng cường công tác quản lý tại các điểm du lịch trên địa bàn, dẫu vậy sự việc xảy ra cho thấy công tác quản lý điểm thăm quan còn bộc lộ nhiều sơ hở, nếu không có các giải pháp chấn chỉnh kịp thời thì khả năng xảy ra tai nạn vẫn còn tiếp diễn, nhất là đối với các loại hình du lịch mạo hiểm, du lịch khám phá thác nước.
Trước thực trạng trên, Bộ VHTT&DL đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở quản lý du lịch và các ngành chức năng, các địa phương liên quan tăng cường công tác quản lý các khu, điểm, hoạt động du lịch mạo hiểm trên địa bàn.
Các địa phương chỉ đạo doanh nghiệp du lịch trên địa bàn khi tổ chức đưa khách du lịch đến tham quan, sử dụng dịch vụ tại các điểm du lịch mạo hiểm phải tuân thủ đúng qui định, qui trình của Ban quản lý hoặc đơn vị tổ chức hoạt động du lịch, tuyên truyền, hướng dẫn du khách thực hiện đúng các quy định về an toàn khi sử dụng dịch vụ.
Trước thực trạng buông lỏng quản lý dịch vụ du lịch mạo hiểm bấy lâu, nhiều người cho rằng ở thời điểm này Bộ VHTT&DL mới “tuýt còi” dù muộn - nhưng hi vọng sẽ là cú hích để các địa phương chấn chỉnh lại cũng như quản lý chặt chẽ hơn loại hình du lịch giàu tiềm năng này.
Leo núi mạo hiểm trên vịnh Hạ Long.
Thiếu chuyên nghiệp
Du lịch mạo hiểm bắt đầu manh nha tại Việt Nam khoảng những năm 2002. Thời điểm ấy, lần đầu tiên tour du lịch mạo hiểm kết hợp tranh giải Action Asia được tổ chức tại Việt Nam. Và cũng ở thời điểm ấy, những tour du lịch mạo hiểm được một số công ty lữ hành khai thác chủ yếu chỉ là leo vách núi, vượt thác, lặn biển…nhưng đó vẫn chưa là một tour độc lập mà thường phải kết hợp với nhiều hoạt động tham quan du lịch khác.
Hơn 10 năm trước Công ty Hồng Bàng đã là đơn vị thường xuyên tổ chức tour du lịch mạo hiểm “Chinh phục vực tử thần Datanla”. Giá cả cho một tour du lịch này cũng không hề rẻ nên đa phần du lịch mạo hiểm dành cho du khách nước ngoài.
Điều đáng nói là tour du lịch chinh phục thác tử thần Dalanta đã ra đời và tồn tại từ rất lâu, hẳn cũng mang về cho doanh nghiệp và địa phương nguồn lợi không nhỏ, nhưng bấy lâu đã bị buông lỏng quản lý.
Trở lại với câu chuyện du lịch mạo hiểm ở Lâm Đồng, lãnh đạo địa phương đã xác định 2 vụ việc khiến 4 du khách nước ngoài tử nạn tại thác Datanla là bài học không chỉ đối với ngành du lịch, với du khách, mà còn cả với các cơ quan quản lý nhà nước.
Hiện địa phương đang cho rà soát lại tất cả các quy trình từ chào bán tour, bán vé, mua bảo hiểm cho khách, đồng thời quán triệt các đơn vị du lịch thực hiện nghiêm những qui định của nhà nước đối với hoạt động du lịch mạo hiểm và những qui định đối với doanh nghiệp lữ hành. Công ty CP Du lịch Lâm Đồng (Dalattourist), đơn vị trực tiếp quản lý, khai thác thác Datanla tạm ngưng các hoạt động du lịch mạo hiểm ở đây và kiểm tra lại toàn bộ các thiết bị an toàn.
Trong qui hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2010, Viện Nghiên cứu và phát triển du lịch cũng đã xác định: du lịch mạo hiểm là lĩnh vực đặc thù, cần được chú trọng. Khách du lịch mạo hiểm thường có khả năng chi trả cao, đi du lịch dài ngày, vì vậy, nhiều nước có chiến dịch quảng bá loại hình này để thu hút khách.
Theo đánh giá của các chuyên gia du lịch mạo hiểm ở Việt Nam dù đã được định hướng phát triển và có tiềm năng lớn nhưng vẫn còn thiếu chuyên nghiệp, thiếu kinh nghiệm, chưa tạo được sức bật.
Ở góc độ kinh doanh, du lịch mạo hiểm mang lại lợi nhuận cao nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đáng tiếc là từ trước tới nay công tác quản lý kinh doanh dịch vụ này chưa được quan tâm và quản lý đúng mức và đúng tầm.