Người tự ứng cử ‘phải hết sức nghiêm túc’

Vũ Mạnh Ảnh: Hoàng Long 03/03/2016 17:15

“Những người có ý định tự ứng cử phải hết sức nghiêm túc nếu cảm thấy mình đủ tiêu chuẩn và đủ điều kiện làm nhiệm vụ đại biểu hãy ra ứng cử chứ đừng coi bầu cử đại biểu ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp như một phép thử để khỏi mất thời gian cả hai phía” - Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Văn Pha đã nói như thế trong cuộc trao đổi thẳng thắn với báo chí ngày 3/3. 

Người tự ứng cử ‘phải hết sức nghiêm túc’

Phó Chủ tịch MTTQ Việt Nam Nguyễn Văn Pha trả lời phỏng vấn báo chí.

Người tự ứng cử nộp hồ sơ tại Ủy ban bầu cử các cấp

Phó Chủ tịch MTTQ Việt Nam Nguyễn Văn Pha cho biết, thời điểm này là lúc người tự ứng cử nộp hồ sơ ứng cử. Và việc có được một bộ hồ sơ ứng cử là hết sức đơn giản, bình thường. Người tự ứng cử có thể tìm hồ sơ trên website của Hội đồng bầu cử Quốc gia hoặc đến Sở Nội vụ - cơ quan thường trực của Ủy ban bầu cử các cấp tại tỉnh, thành phố.

“Quan trọng bây giờ chính là, người có ý định tự ứng cử nên cân nhắc đối chiếu với những tiêu chuẩn được Luật bầu cử đại biểu QH, đại biểu HĐND quy định để xem xét xem mình có đủ tiêu chuẩn, điều kiện để ra ứng cử hay không” - ông Nguyễn Văn Pha nhấn mạnh.

Giải thích thêm về quy trình đối với người tự ứng cử, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Pha cho biết: Đối với những người tự ứng cử, hiện mới là thời điểm hoàn tất và nộp hồ sơ ứng cử và người tự ứng cử không phải qua ba bước sàng lọc của cơ quan, tổ chức hay nơi cư trú; dù bây giờ đã chuẩn bị đi đến vòng hiệp thương thứ 2.

Khi Ủy ban bầu cử cấp tỉnh, thành phố tiếp nhận, nghiên cứu hồ sơ và nhận thấy, hồ sơ của người tự ứng cử đã hoàn chỉnh, không có khúc mắc gì, Ủy ban bầu cử sẽ chuyển hồ sơ của những người tự ứng cử tới Ủy ban MTTQ cùng cấp để đưa vào hiệp thương vòng 2.

Nhấn mạnh yếu tố “đủ điều kiện” của những người tự ứng cử, ông Nguyễn Văn Pha nêu quan điểm: Theo tôi, như thế người tự ứng cử còn có điểm thuận lợi hơn so với người được cơ quan, tổ chức giới thiệu.

Và, ông nói thêm: “Người tự ứng cử khi ấy đương nhiên bình đẳng cùng những người được cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu để Mặt trận hiệp thương lựa chọn”.

Vậy, khi nào người tự ứng cử được trình bày chương trình hành động của mình trước cử tri? Trả lời cho câu hỏi này, Phó Chủ tịch MTTQ Việt Nam Nguyễn Văn Pha cho biết: Chỉ khi nào người ứng cử (bao gồm người được giới thiệu ứng cử và người tự ứng cử) được lập danh sách chính thức khi ấy mới đến quá trình vận động bầu cử và sẽ trình bày chương trình hành động trước cử tri.

Sau vòng hiệp thương thứ 2 lập danh sách sơ bộ những người ứng cử, lúc đó sẽ tổ chức hội nghị cử tri nơi cư trú để lấy ý kiến về người ứng cử (cả người tự ứng cử và người được giới thiệu ứng cử).

Cơ cấu không ảnh hưởng đến người tự ứng cử

Nói về cơ cấu cứng đã được nhất trí kể từ sau vòng hiệp thương thứ nhất, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Pha cho rằng, kể cả ĐBQH, ĐBHĐND thì trong dự kiến của UBTVQH cũng như dự kiến của thường trực UBND các cấp cũng không có cơ cấu người tự ứng cử.

Nhưng, ông Nguyễn Văn Pha lưu ý, trong quá trình bầu cử luôn luôn xuất hiện việc tự ứng cử và việc tự ứng cử này dù không có trong cơ cấu dự kiến cũng không ảnh hưởng gì đến người tự ứng cử.

Ông nói: “Tôi cho rằng nếu luật quy định thì là điều tốt nhưng hiện nay luật chưa quy định và người ta chỉ dự kiến những cơ quan tổ chức đơn vị được giới thiệu nhưng quá trình bầu cử người tự ứng cử sau khi đã đầy đủ điều kiện rồi thì cũng bình đẳng như những người được giới thiệu ứng cử”.

Giải thích rõ hơn về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam nói: Đương nhiên là phải bình đẳng, không có sự phân biệt giữa người được giới thiệu ứng cử và người tự ứng cử.

Luật đã định, Ủy ban MTTQ các địa phương phải xem xét, bao gồm số người được giới thiệu ứng cử và tự ứng cử đảm bảo tối thiểu gấp đôi số đại biểu được bầu để đến hiệp thương lần thứ 3 qua biểu quyết bằng giơ tay hoặc biểu quyết bằng phiếu kín có thể lựa chọn được đủ số dư theo luật định.

Quá trình hiệp thương lựa chọn sẽ dân chủ, công khai và người được giới thiệu cũng như người tự ứng cử đều có cơ hội như nhau chứ không phải vì không có cơ cấu mà loại ra.

“Tôi khuyến nghị đối với người tự ứng cử phải thực sự nghiêm túc chứ không phải chỉ để thử xem dân chủ đến đâu, dân chủ thế nào. Nếu chỉ có ý định làm một “phép thử” thì không nên tự ứng cử. Làm thế chỉ mất thời gian của MTTQ các cấp và các cơ quan. Vấn đề là người tự ứng cử phải xác định có đủ tiêu chuẩn theo Luật, và nếu trúng cử có đủ điều kiện làm đại biểu, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân như mình đã hứa hay không” - ông Nguyễn Văn Pha nói.

Tự ứng cử rất cần có uy tín tại khu dân cư

Lưu ý đến nơi cư trú và nhấn mạnh tới Nghị quyết 1134 của UBTVQH quy định về Hội nghị tiếp xúc cử tri nơi cư trú, ông Nguyễn Văn Pha cho biết một thực tế, đã từng có những người tự ứng cử không qua được vòng “sát hạch” là Hội nghị cử tri nơi cư trú chỉ vì ít được biết đến và ít tham gia các hoạt động tại khu dân cư nơi mình sinh sống.

Nhiều người trong quá trình sinh sống tại khu dân cư không biết chi bộ, tổ dân phố, Ban Công tác mặt trận ở đâu hoặc bản thân và gia đình thiếu gương mẫu trong việc chấp hành chính sách, pháp luật, nội quy, quy chế của địa phương. Đó là lý do giải thích cho việc, vì sao nhiều người tự ứng cử không đạt được trên 50% số cử tri tham gia Hội nghị cử tri nơi cư trú đồng tình, ủng hộ.

Khi mà đa số ý kiến cử tri nơi cư trú không đồng tình thì thông thường đây là một trong những căn cứ để hội nghị hiệp thương lần 3 loại người tự ứng cử ấy ra khỏi danh sách.

Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Pha cho rằng, việc lấy ý kiến cử tri nơi cư trú không phải là một cuộc bầu cử, đấy chỉ như một cuộc “lấy phiếu” tín nhiệm thôi; đối với người đại biểu nhân dân, kể cả là đại biểu Quốc hội hay đại biểu HĐND thì yếu tố gần gũi, gắn bó mật thiết với cử tri và nhân dân là yếu tố rất quan trọng.

“Một khi anh không gương mẫu, không được tín nhiệm tại nơi anh cư trú thì anh không thể đại diện cho cử tri cả nước hay của một tỉnh, một huyện, một xã được nên thường không được đưa vào danh sách chính thức là vì vậy”.

Chính vì vậy, “những người có ý định tự ứng cử phải hết sức nghiêm túc nếu cảm thấy mình đủ tiêu chuẩn và điều kiện hãy ra ứng cử chứ đừng coi bầu cử ĐBQH và HĐND các cấp như một phép thử để khỏi mất thời gian cả hai phía”- ông Nguyễn Văn Pha nói.

Hai hình thức vận động bầu cử

Theo luật định, chỉ có hai hình thức vận động bầu cử đó là qua Hội nghị tiếp xúc cử tri do MTTQ tổ chức và vận động qua các phương tiện thông tin đại chúng chính thống. Với hình thức vận động qua Hội nghị tiếp xúc cử tri, mỗi người ứng cử kể cả được giới thiệu và tự ứng cử được dành thời lượng trình bày chương trình vận động bầu cử tương đương nhau; người ứng cử không được hứa những thứ không thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của mình hoặc không thể làm được, không được dụ dỗ, cưỡng ép, mua chuộc cử tri… Việc vận động bầu cử qua các phương tiện thông tin đại chúng cũng phải bảo đảm sự bình đẳng, công bằng giữa những người ứng cử. Không có câu chuyện ai hơn ai trong vận động bầu cử.

Vũ Mạnh Ảnh: Hoàng Long