Thủ tướng: Đẩy nhanh tiến độ xây dựng tuyến tàu điện ngầm tại Thủ đô
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng các tuyến đường sắt trên cao, tàu điện ngầm và các tuyến vành đai Hà Nội; tạm dừng các dự án giao thông chưa cấp thiết, không còn phù hợp với thực tiễn…
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng xem Đồ án “Điều chỉnh quy hoạch xây dựng
vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050”.
Cần sự liên kết chặt chẽ trong tổ chức thực hiện
Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến 2030 và tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011.
Phạm vi điều chỉnh quy hoạch vùng Thủ đô gồm toàn bộ ranh giới của Hà Nội với 9 tỉnh xung quanh, trong đó Phú Thọ, Thái Nguyên và Bắc Giang là 3 tỉnh được mở rộng thêm vào quy hoạch với tổng dân số 17,6 triệu người.
Toàn bộ quy hoạch vùng Thủ đô sẽ có tổng diện tích trên 24.300 km2, tăng gần gấp đôi so với trước đây, chiếm 7,3% diện tích tự nhiên toàn quốc và bằng 80% diện tích so với vùng TP Hồ Chí Minh.
Góp ý cho quy hoạch, ông Ngô Trung Hải, Viện trưởng Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn Quốc gia- đơn vị trực tiếp xây dựng đồ án kiến nghị: “Chúng ta xây dựng một số đặc khu kinh tế để tạo cực tăng trưởng như đặc khu kinh tế Phú Quốc. Đặc biệt, cho phép nghiên cứu thể chế phát triển vùng có tính đột phá. Đây là một trong những chìa khóa cực kỳ quan trọng để có thể đưa ra những khung chính sách. Vì hiện nay các tỉnh, các khu kinh tế xin rất nhiều cơ chế nhưng riêng vùng quan trọng như thế này vẫn chưa có cơ chế đặc biệt nào”.
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, đồ án đã đề cập mạnh tới tính chất liên kết vùng, nhất là liên kết về hạ tầng kinh tế-xã hội tương đối đồng bộ.
Cùng với phát triển hệ thống đô thị và giao thông, nhiều định hướng quan trọng cũng đã được làm rõ như công nghiệp, nông nghiệp, giáo dục, y tế, văn hóa-xã hội, môi trường, cấp thoát nước, đào tạo nguồn nhân lực…
Vấn đề là trong tổ chức thực hiện; cần có sự phân vai, phối hợp rõ ràng giữa các bộ, ngành, địa phương. Đi liền với liên kết, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội là phải bảo đảm vững chắc an ninh quốc phòng.
Khai thác tốt nhất tiềm năng, lợi thế của vùng Thủ đô
Phát biểu kết luận Hội nghị Báo cáo đồ án điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 diễn ra sáng nay (3/3), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh đến vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của Thủ đô Hà Nội và tiến trình phát triển đúng hướng sau khi triển khai quy hoạch vùng Thủ đô.
Tuy nhiên trong quá trình vận động và phát triển đã nảy sinh trong thực tiễn một số lĩnh vực cần phải cập nhật quy hoạch với tinh thần chủ động đi trước một bước để đầu tư phát triển đồng bộ, không thể cắt khúc, nhất là về hạ tầng giao thông, phát triển công nghiệp, điện, y tế, giáo dục…
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nêu rõ quan điểm mô hình quản lý vùng Thủ đô tiếp tục hoàn thiện Ban chỉ đạo để tư vấn giúp Thủ tướng Chính phủ điều hành là phù hợp, không nên lập cơ quan phát triển vùng; cũng không thể có chính sách riêng cho từng vùng mà các địa phương cần phối hợp với nhau tính toán phát huy nguồn lực từ đất đai, ngân sách địa phương, thu hút nguồn lực xã hội bằng nhiều hình thức khác nhau, thu hút đầu tư nước ngoài để thực hiện quy hoạch này.
Ban chỉ đạo quy hoạch và xây dựng vùng Thủ đô cùng các địa phương đề xuất các cơ chế nhằm tạo điều kiện khai thác tốt nhất, tiềm năng lợi thế để phát triển.
Thủ tướng cũng yêu cầu Ban chỉ đạo, các Bộ, ngành liên quan và các địa phương rà soát hoàn thiện lại quy hoạch phòng chống lũ, mạng lưới đê điều vùng Thủ đô theo hướng an toàn, hiệu quả, tiết kiệm, sát với thực tiễn trên cơ sở làm chủ được sông Hồng.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ một nhiệm vụ cấp bách đối với vùng Thủ đô Hà Nội: “Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với Hà Nội và các địa phương khôi phục lại toàn bộ hệ thống các sông, khôi phục, nạo vét, từng bước kè các nơi, vừa làm đẹp, vừa đảm bảo thoát nước, giao thông thủy. Ví dụ như sông Hồng, sông Đáy, sông Đuống, sông Tích, sông Nhuệ, sông Tô Lịch… bây giờ không thể để sông tắc, sông chết. Sức chúng ta hoàn toàn làm được. Quy hoạch, chỉnh trang lại, tiến hành kè… sẽ hình thành hệ thống du lịch rất đẹp cho Hà Nội. Thậm chí cho tư nhân bỏ tiền ra kè các bờ sông và được sử dụng một khoảng diện tích nào đó để Nhà nước không tốn tiền mà vẫn đảm bảo dòng chảy, vẫn đảm bảo giao thông. Thủ tướng cũng đề nghị các tỉnh và Hà Nội khôi phục lại các hồ bị lấn chiếm. Hà Nội bố trí các trạm bơm cưỡng bức để chống ngập, không thể để Thủ đô Hà Nội mưa là ngập hết trơn”.
Trên cơ cở rà soát lại hệ thống hạ tầng giao thông cả đường bộ, đường không, khu kinh tế trong vùng Thủ đô, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng các tuyến đường sắt trên cao, tàu điện ngầm và các tuyến vành đai Hà Nội; tạm dừng các dự án giao thông chưa cấp thiết, không còn phù hợp với thực tiễn; khuyến khích tư nhân đầu tư vào các tuyến đường sắt chất lượng cao; không phát triển tràn lan các khu công nghiệp bám sát các trục giao thông chính; quy hoạch phát triển nghĩa trang gắn với khuyến khích hình thức hỏa táng; tập trung quy hoạch xây dựng các khu xử lý rác thải cách xa nơi dân cư và không gây ô nhiễm môi trường…