Tuyển sinh 2016: Có nên để nhiều nguyện vọng?
Nên hay không nên dành cho các em nhiều nguyện vọng? – Đây vẫn là câu hỏi được bàn luận nhiều, từ sau kỳ thi THPT Quốc gia 2015 diễn ra.
Ảnh minh họa.
Tạo điều kiện cho thí sinh
Theo dự thảo Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ do Bộ GD&ĐT vừa đưa ra, có thay đổi đáng lưu ý về công tác xét tuyển. Rút kinh nghiệm từ mùa thi trước, thay vì chỉ được đăng ký vào 1 trường với 4 nguyện vọng, năm nay thí sinh được phép đăng ký xét tuyển vào 2 trường, mỗi trường 2 nguyện vọng. Đợt ĐKXT bổ sung, các em tiếp tục được đăng ký vào 3 trường, mỗi trường 2 nguyện vọng. Trong mỗi đợt xét tuyển, thí sinh không được rút hồ sơ.
Nói về vấn đề này, PGS. TS Kiều Xuân Thực - Trưởng phòng đào tạo, Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội chia sẻ: Đây là điều chỉnh tôi cho là hợp lý, vì rất ý nghĩa và tốt cho các em. Như năm 2015, đợt 1 Bộ chỉ cho các em đăng ký 1 trường với 4 nguyện vọng. Điều này tôi thấy không hợp lý lắm. Thực tế, để tốt nhất cho các em, thì phải là chọn ngành trước, làm sao phù hợp nhất với với sở thích sở trường của các em. Năm nay, mỗi trường các em có 2 ngành, các em hoàn toàn có thể căn cứ vào sở thích để chọn ngành phù hợp, và căn cứ vào năng lực, kết quả thi để chọn trường có khả năng trúng tuyển cao nhất.
Cũng theo đánh giá của ông Thực, thay đổi này sẽ giúp cho thí sinh cân nhắc kỹ khi lựa chọn ngành để tránh sơ hở như năm ngoái. Năm ngoái có nhiều thí sinh không lựa chọn theo sở thích mà chỉ cố làm sao để vào được trường ĐH. Điều này cũng gây một số khó khăn cho các nhà trường. “Năm ngoái có tình trạng nhiều thí sinh nộp hồ sơ vào trường chỉ cốt để cho đỗ, không quan tâm ngành học gì. Sau khi đỗ rồi cũng có nhiều em thấy ngành đó không phù hợp, không phải sở thích của mình nên có trường hợp không muốn nhập trường. Tại trường tôi, có em đang học kỳ 1 cũng xin thôi để xét tuyển vào năm sau, đúng ngành mà mình yêu thích”.
Đặc biệt, với quy định như vậy, các em có nhiều lựa chọn hơn. Có thể chọn được 2 trường ở đợt 1 và 3 trường ở các đợt sau thì khả năng trúng tuyển của các em vẫn đảm bảo cao. Nhưng cái quan trọng hơn, với quy định như vậy sẽ yêu cầu các em suy nghĩ nghiêm túc đến chọn ngành chọn nghề phù hợp năng lực sở trường của mình.
Các trường cần có phương án dự trù
Bên cạnh những thuận lợi cho thí sinh, lãnh đạo Trường ĐH Công nghiệp cũng nhận định: Về phía các trường, với quy định được đăng ký nhiều trường 1 đợt chắc chắn sẽ gặp khó khăn, vì dẫn đến tình trạng thí sinh ảo. Có em đợt 1 có thể trúng tuyển 2 trường, nhưng còn các trường thì không biết em này sẽ nhập học trường nào. Đồng thời, là năm đầu thực hiện cách thức xét tuyển mới nên dự đoán tỷ lệ ảo cũng khó khăn hơn.
Lãnh đạo trường này cũng cho rằng, cần phải có sự liên kết của các trường, cũng như đưa ra biện pháp xử lý kịp thời. “Năm 2015 chắc chắn tỷ lệ ảo ít hơn, chúng tôi có thể dự đoán được tương đối chính xác. Lí do vì năm 2015, tại đợt xét tuyển thứ 1 mỗi thí sinh chỉ có 1 phiếu đăng ký thôi, và chỉ được nộp duy nhất vào 1 trường.
Nhưng với năm 2016, đợt 1 các em có thể đăng ký vào 2 trường, đợt bổ sung được đăng ký đến 3 trường, nếu các trường không chia sẻ thông tin thì chắc chắn sẽ không dự đoán được chính xác tỷ lệ ảo. Vì như thế không thể biết được thí sinh đó chỉ đỗ trường mình hay là đỗ cả 1 trường khác nữa. Dự đoán tỷ lệ thí sinh vào trường sẽ khó khăn hơn nhiều những năm trước. Nhà trường cũng đang phải bàn bạc đưa ra những giải pháp để khắc phục tình trạng này”.
Còn về phương án giải quyết tỷ lệ ảo, lãnh đạo một trường THPT trên địa bàn Hà Nội chia sẻ: “Mặc dù được xử lý bằng công nghệ thông tin nhưng cũng rất khó khăn, ví dụ như mọi người lo lắng dồn toa vào những ngày cuối cùng làm đảo ngược các thông số đã có từ trước. Điều này là rất có thể xảy ra, và rất khó khăn, nhưng tôi nghĩ từ trong thực tế mới có thể rút ra được kinh nghiệm điều chỉnh cho những năm sau để tốt hơn…”.
Khi trao đổi với báo giới về vấn đề này, ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ GD&ĐT cũng cho biết đã có những nhận diện về lượng hồ sơ ảo. Về phía Bộ đang cố gắng làm sao để tạo thuận lợi nhất cho các thí sinh: “Tính đến thời điểm hiện tại chưa có một phương án tuyển sinh nào thỏa mãn tất cả các thông số như lợi ích thí sinh, phụ huynh, cơ sở đào tạo và xã hội.
Chính vì thế, với điều chỉnh năm nay, Bộ GD&ĐT đã nhận diện về khả năng hồ sơ ảo sẽ tăng lên. Để giảm lượng thí sinh ảo cho các trường, Bộ GD&ĐT đã đưa ra một số giải pháp khắc phục. Như trong quá trình đăng ký xét tuyển nguyện vọng phần mềm quản lý thi sẽ đảm bảo thí sinh không được đăng ký vượt nguyện vọng. Đồng thời, với kinh nghiệm của các trường ĐH, CĐ có thể xác định được số hồ sơ ảo, chỉ tiêu xét tuyển vào trường…”