Phản ứng kết quả nghiên cứu về tác động của đập thủy điện sông Mê Kong
Nhiều nhà khoa học Việt Nam cho rằng, báo cáo Dự án Nghiên cứu tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mê Kong của các nhà khoa học nước ngoài vô cùng hời hợt.
Khô hạn đang hoành hành ở ĐBSCL.
Ngày 4/3, Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường Đại học Cần Thơ) phối hợp với Trung tâm phát triển sáng tạo xanh (Hà Nội) tổ chức hội thảo khoa học “tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mê Kong”.
Dự án Nghiên cứu tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mê Kong (gọi tắt là MDS) do Uỷ ban sông Mê Kong Việt Nam đại diện cho Bộ TN&MT thuê Viện Thủy lực Đan Mạch (DHI) thực hiện, có tổng kinh phí khoảng 4,3 triệu USD (từ nguồn của Chính phủ Việt Nam và viện trợ ODA không hoàn lại của một số nước tài trợ) thực hiện trong 30 tháng (tháng 6/2013 đến tháng 1/2016) dự án đã được bộ TN&MT nghiệm thu.
Hội thảo tập trung thông tin về Dự án MDS, đồng thời trao đổi, mổ xẻ các thông tin, số liệu của dự án, phân tích những nội dung có liên quan mà dự án MDS chưa nêu ra hết, hoặc nêu ra chưa sát với tình hình thực tết của khu vực ĐBSCL.
Tại hội thảo, nhiều nhà khoa học cho rằng, báo cáo MDS của các nhà khoa học nước ngoài vô cùng hời hợt. Những số liệu các nhà khoa học này đưa ra và đánh giá xem nhẹ các tác động tiêu cực của đập thuỷ điện đến vùng ĐBSCL nói riêng và châu thổ sông Cửu Long nói chung (trong đó bao gồm cả 14 tỉnh của Campuchia).
Ông Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập cho biết: Khung nghiên cứu chung của MDS hời hợt, thiếu sót nghiêm trọng và không hiểu gì về thực tiễn khu vực ĐBSCL, bỏ qua phần tác động của xã hội, nhận định về vấn đề phù sa và sạt lở thiếu thực tế, chọn sai đối tượng đánh giá.
Cụ thể: MDS chọn bắp và lúa là 2 cây nông nghiệp chính để đánh giá tác động, trong khi diện tích vườn cây ăn trái của ĐBSCL hàng năm chiếm 80% của cả nước nhưng lại không đưa vào sản phẩm để đánh giá tác động.
Ông Thiện nêu thắc mắc: Cách phân vùng và chọn điểm khảo sát của MDS rất khó hiểu khi đã xếp huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long vào vùng ngập lũ sâu, chung với huyện Hồng Ngự của Đồng Tháp và An Phú, tỉnh An Giang.
Ông Thiện cũng nhận định, kết luận về tổn thất kinh tế của MDS là không đáng tin cậy khi cho rằng các đập thuỷ điện sẽ gây tổn thất tổng cộng 2,2% GDP cho ĐBSCL và 0,3% GDP cả nước và tương đương 85 triệu USD xuất khẩu gạo không dựa trên kết quả tính toán có tính thuyết phục.
Cũng với bức xúc trên, TS Dương Văn Ni, Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên (Đại học Cần Thơ) cũng xác nhận: Báo cáo MDS rất rời rạc, một chiều và không đầy đủ. Không có tính toán quy đổi, không có cơ sở dữ liệu tổng hợp. Những kết quả nêu ra trong MDS nhỏ và xa thực tế hơn rất nhiều.
Ông Ni lo lắng: Với những bất cập của MDS, nếu Chính phủ Việt Nam thông qua thì không những công nhận các số liệu này về mặt khoa học mà còn công nhận tính pháp lý của nó, đồng thời đây cũng được xem là quan điểm chính thức của Chính phủ Việt Nam về các đập thủy điện sẽ rất nguy hiểm.
TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu, Đại học Cần Thơ cũng cho rằng: MDS có nhiều bất cập và thiếu tin cậy.
TS Tuấn cũng chỉ ra các tác nhân khác trong nghiên cứu đã bị bỏ qua như: ảnh hưởng từ biển, yếu tố điều chỉnh và tương tác của con người, chuyển dòng chảy, mở rộng các dự án tưới...
Đồng thời TS Tuấn cũng kiến nghị: Uỷ ban sông Mê Kong Việt Nam và Bộ TN&MT cần cầu thị với tất cả các phản hồi và góp ý để điều chỉnh báo cáo cho hợp lý với tình hình thực tế lưu vực sông Mê kong…
Ông Kỷ Quang Vinh, Chánh văn phòng công tác biến đổi khí hậu TP Cần Thơ cho biết: “Các số liệu mà chuyên gia nước ngoài đưa ra trong MDS giống như đang chơi trò chơi qua mắt thế gian, số liệu không nghiêm túc. Chính phủ mình có lẽ giàu để thuê các chuyên gia nước ngoài làm game chơi…”.
Trước đó, MDS được thực hiện nhằm mục tiêu đánh giá các tác động của các công trình thuỷ điện dự kiến xây dựng trên dòng chính lưu vực sông Mê Kông ảnh hưởng tới môi trường, sinh kế của cộng đồng dân cư ven sông. Đồng thời xây dựng bộ thông tin, dữ liệu về khí tượng thuỷ văn, phù sa, sinh thái, giao thông thuỷ và các điều kiện môi trường, tự nhiên, kinh tế, xã hội của lưu vực sông Mê Kông, làm cơ sở để đánh giá tác động. Đánh giá, định lượng tác động của các công trình thuỷ điện dự kiến xây dựng trên dòng chính hạ lưu sông Mê Kông tới vùng hạ du...
Đây sẽ là cơ sở để trao đổi với các quốc gia ven sông khác về phát triển thuỷ điện dòng chính và kiến nghị với Uỷ hội sông Mê Kông Quốc tế xem xét điều chỉnh quy hoạch các đập thuỷ điện trên dòng chính sông Mê Kông làm sao đảm bảo hài hoà được lợi ích chung trong lưu vực.
Phạm vi nghiên cứu của MDS nằm trong lưu vực sông Mê Kong gồm 13 tỉnh thành của Việt Nam, (trong đó có 128 huyện, 1.589 xã) và 14 tỉnh của Campuchia, (trong đó có 121 huyện , 1.057 xã)…