Nhiều hộ xin thoát nghèo

Viên Chi 05/03/2016 08:40

Cách đây vài năm, mỗi khi nhắc đến xã Yên Lâm, không ít người nghĩ đến một xã nghèo, khó khăn của huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang. Nhưng giờ đây, cái nghèo ở Yên Lâm chỉ còn phần nhỏ, trong khi số hộ khá, giàu ngày càng nhiều lên. Đặc biệt, ở xã Yên Lâm có nhiều hộ xin thoát nghèo.

Nhiều hộ xin thoát nghèo

Cuộc sống mới của bà con Yên Lâm đã đổi thay nhờ mô hình trồng cam hiệu quả.

Ông Tướng Văn Tè, dân tộc Dao, thôn Ngõa được người dân trong xã biết đến là người nghèo nhất, mọi người thường gọi ông là “Tè đói”. Nhưng chỉ sau vài năm, nhờ sự chịu khó học hỏi, hay lam hay làm và sự hỗ trợ tích cực của chính quyền địa phương về vốn vay, đất sản xuất ông Tè đã phát triển nghề trồng cam để thoát nghèo bền vững.

Đến nay, riêng tiền cam mỗi năm ông thu về trên 300 triệu đồng. Ngoài ra, gia đình ông còn mở dịch vụ xay xát, bán hàng tạp hoá và vận chuyển hàng hoá bằng ô tô… phục vụ bà con trong xã. Đặc biệt ông Tè còn sẵn sàng giúp đỡ những hộ nghèo khác vay vốn làm ăn, cho thuê xe giá rẻ thậm chí hộ khó khăn ông không lấy tiền công.

Trong câu chuyện của mình, ông Tè vui mừng cho biết: Vụ cam vừa rồi gia đình ông thu hoạch được gần 200 tấn quả, trừ hết chi phí, thu lãi gần 800 triệu đồng. Nhớ lại ngày trước chưa biết cách làm ăn, cả nhà sống trong nghèo khổ ông Tè tự cảm thấy xấu hổ với bà con trong làng, trong xã. Tuy nhiên, đến hôm nay gia đình ông đã xây dựng được cuộc sống ấm no nhưng ông vẫn luôn ghi nhớ những ngày tháng đói khổ trước đây để nhắc nhở bản thân mình tiếp tục cố gắng lao động, sản xuất để đẩy lùi cái nghèo, cái đói.

Không chỉ ông Tè vươn lên thoát nghèo nhờ đổi mới cách làm ăn mà tấm gương ông Hà Tinh Tú, thôn 10 tự nguyện nộp đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo cũng khiến nhiều người nể phục. Bản thân ông Tú bị tai nạn lao động mất một bên mắt, chính quyền địa phương thấy ông khó khăn, cán bộ thôn và mọi người thống nhất bình xét ông thuộc diện nghèo để giúp đỡ song ông một mực không nhận. Ông cho rằng, mình phải tự lực cánh sinh chứ để Nhà nước giúp mình mãi sao được.

Sau nhiều tháng ngày tìm kiếm cách làm ăn, ông Tú đã chọn hình thức nuôi trâu bò vỗ béo rồi bán. Bên cạnh đó, gia đình ông còn nuôi thêm gà thả vườn, lợn đen… nhờ thế đến năm 2014 gia đình ông đã chính thức được công nhận thoát nghèo. Cuối năm 2015 ông đã xây nhà 2 tầng khang trang.

Ông Tống Văn Toàn, Trưởng thôn Tháng 10, xã Yên Lâm cho biết, toàn thôn có 146 hộ thì chỉ còn 17 hộ nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm một nửa so với năm 2011. Đa phần các hộ nghèo đều ý thức vươn lên song vì một số hộ còn thiếu đất sản xuất, thiếu vốn… nên chưa thoát nghèo ngay được. Ông trưởng thôn cam đoan nếu được hỗ trợ đất sản xuất trồng cam thì các hộ sẽ thoát nghèo chỉ trong thời gian ngắn.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Đoàn Long Hải, Bí thư Đảng ủy xã Yên Lâm cho biết, là xã 135 nên Yên Lâm đã được Nhà nước và tỉnh Tuyên Quang đầu tư nhiều công trình lớn như: Điện chiếu sáng, đường bê tông nông thôn, chợ trung tâm xã, trường học khang trang và bố trí các nguồn vốn ưu đãi của các ngân hàng về các thôn, bản. Bên cạnh đó, phong trào “xoá đói giảm nghèo” cũng được người dân trong xã tích cực tham gia.

Đồng bào các dân tộc nơi đây đã biết phát huy lợi thế của địa phương trong trồng rừng, trồng cây ăn quả và chăn nuôi để phát triển kinh tế có hiệu quả. Năm 2015, toàn xã Yên Lâm có 61 hộ thoát nghèo, trong số đó có nhiều hộ tự nguyện xin ra khỏi diện hộ nghèo. Việc làm của bà con đã phản ánh sự thay đổi về cách nghĩ trong việc vươn lên thoát nghèo ở vùng cao nơi đây.

“Trong thời gian tới Yên Lâm sẽ tiếp tục phát huy lợi thế đất rừng đồi, tăng cường phát triển vùng chuyên canh cam đạt năng suất cao. Bên cạnh đó đẩy mạnh phát triển chăn nuôi quy mô lớn trong các hộ dân, xây dựng theo hướng sản xuất hàng hoá, khai thác thế mạnh có đường quốc lộ 2 chạy qua để phát triển du lịch, dịch vụ, phấn đấu giảm từ 6 đến 7% hộ nghèo mỗi năm…”, ông Hải nhấn mạnh.

Viên Chi