Áp dụng công nghệ 3D ở bảo tàng: Vẫn chỉ là ý tưởng

Minh Quân 05/03/2016 13:35

Ra mắt vào tháng 8/2013, Bảo tàng ảo tương tác 3D đầu tiên do Bảo tàng Lịch sử quốc gia thực hiện đã được coi là bước đột phá của hoạt động bảo tàng ở nước ta. Thế nhưng, qua hơn 2 năm, hoạt động của bảo tàng này vẫn ở mức cầm chừng. Hơn thế, hiện cũng chưa  có một bảo tàng nào  “dám” đưa công nghệ 3D áp dụng vào việc trưng bày. 

Áp dụng công nghệ 3D ở bảo tàng: Vẫn chỉ là ý tưởng

Bảo tàng ảo tương tác 3D đầu tiên và duy nhất
ở Việt Nam vẫn còn khá đơn điệu về nội dung và hình thức.

Vẫn là lý thuyết

Mới đây, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã phối hợp với Viện Goethe tổ chức buổi hội thảo chuyên đề “Thiết kế chuyển động 3D cho các bảo tàng và trưng bày”. Đây không phải là lần đầu tiên Viện Goethe chủ động mời các chuyên gia quốc tế hàng đầu về công nghệ sang Việt Nam giới thiệu việc áp dụng công nghệ 3D trong công tác trưng bày ở Bảo tàng. Mặc dù ở hầu hết các cuộc hội thảo đều có sự tham gia của đại diện của các Bảo tàng “hàng đầu” Việt Nam như là Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Trung tâm Bảo tồn khu di tích Cổ Loa – Thành cổ Hà Nội, Bảo tàng Hà Nội… song những bài học từ cách làm bảo tàng 3D ở các nước chia sẻ với Việt Nam vẫn chỉ dừng lại ở những bài học lý thuyết.

Tại hội thảo vừa rồi, các chuyên gia quốc tế cũng thẳng thắn bày tỏ:từ hơn chục năm nay công nghệ được xem là một giải pháp hữu hiệu giúp cho bảo tàng không chỉ là nơi trưng bày các hiện vật khô cứng mà còn là một môi trường để khách tham quan - nhất là giới trẻ - có những trải nghiệm lý thú. Ở nhiều bảo tàng trên thế giới, các cốt truyện, thông tin về hiện vật đã được lồng ghép cùng hình ảnh, video sống động. Bên cạnh những gian trưng bày truyền thống, các bảo tàng đang không ngừng ứng dụng công nghệ thông tin vào việc số hóa tư liệu, thông tin về hiện vật trong bảo tàng. Nhiều bảo tàng đã trang bị màn hình lớn để khách tham quan có thể tra cứu thông tin dễ dàng. Thế nhưng ở Việt Nam dường như việc áp dụng công nghệ với các bảo tàng vẫn đang bị bỏ ngỏ.

GS Thomas Kersten đến từ Trường ĐH Hamburg (Cộng hòa Liên bang Đức) chia sẻ: Công nghệ 3D đã được nhiều nước trên thế giới ứng dụng trong lĩnh vực bảo tàng. Hiện ông và các đồng nghiệp Đức đang thực hiện để đưa các hiện vật - di vật khảo cổ ở Việt Nam vào thế giới thị giác - mô hình 3D thông qua ví dụ thực tế. Sắp tới đây là việc thiết kế chuyển động 3D sẽ được áp dụng cho các hiện vật trưng bày tại triển lãm “Báu vật khảo cổ học Việt Nam” sẽ khai mạc tại CHLB Đức cuối năm 2016. Ngoài ra, GS.Kersten còn giới thiệu một số tác phẩm 3D đã được thực hiện về hình ảnh Mỹ Sơn- Quảng Nam, Văn Miếu - Hà Nội… giúp cho khách tham quan có cơ hội du ngoạn ảo qua các di sản văn hóa thế giới tại Việt Nam

Công nghệ không thể phát triển từ từ

Có một thực tế, trong vài năm trở lại đây, một số bảo tàng ở Việt Nam trong đó có Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã có những tiếp cận và ứng dụng công nghệ 3D vào việc bảo quản các sưu tập hiện vật quý. Bước đầu là 16 bảo vật quốc gia đang được lưu giữ tại Bảo tàng, và đặc biệt là xây dựng bảo tàng ảo 3D các trưng bày chuyên đề và từng phần của hệ thống trưng bày cố định. Thông qua ứng dụng công nghệ 3D, xây dựng bảo tàng ảo tương tác 3D, Bảo tàng Lịch sử quốc gia giúp công chúng không có điều kiện đến tận nơi tham quan, thông qua mạng internet có thể tiếp cận và tương tác để xem thông tin chi tiết, lịch sử các hiện vật và tư liệu trưng bày. Hơn thế đây cũng là công cụ hữu hiệu giúp các bảo tàng quản lý hiện vật một cách linh hoạt, thuận tiện, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý di sản quốc gia… Tuy vậy, theo cảm quan chung của nhiều người, cách tiếp cận dường về công nghệ của đơn vị tiên phong này vẫn chưa đạt được sự kỳ vọng bởi vẫn còn đơn điệu, chưa tới tầm.

Theo PGS.TS Đặng Văn Bài hiện nay việc áp dụng công nghệ cũng chưa thực được nhiều bảo tàng thực sự quan tâm. Ông cũng ví dụ như mô hình Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đang một cách làm của bảo tàng tương lai. Bảo tàng không chỉ trưng bày hiện vật của quá khứ, mà bao gồm sự kết nối giữa quá khứ và hiện đại, sự tương tác giữa hiện vật-với khách tham quan. Để có được thành công đó, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã khuyến khích sự tham gia của các chủ thể văn hóa vào các hoạt động; khuyến khích họ tự trình bày những suy nghĩ, thể hiện hiểu biết văn hóa của mình. Các hoạt động trưng bày, giáo dục, tham quan, tọa đàm, trình diễn… tại bảo tàng được tổ chức thường xuyên, theo chuyên đề, gắn với cộng đồng, với bảo tồn và phát triển các nghề thủ công, nghệ thuật dân gian… Ngoài ra, hoạt động truyền thông, tiếp thị, dịch vụ ăn uống, cửa hàng lưu niệm,… cũng được Bảo tàng trú trọng. Tuy vậy, ngoài những bước tiến trên thì việc áp dụng công nghệ vẫn chưa được đơn vị này đề cập đến.

Phương pháp ứng dụng công nghệ tương tác 3D xây dựng bảo tàng ảo trên thế giới có từ năm 2008, đã được nhiều Bảo tàng quốc gia lớn tiếp cận và ứng dụng như: Bảo tàng Louvre (Pháp), Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Quốc gia Smithsonian (Mỹ), Bảo tàng Vatican (Italia)…Ưu điểm của công nghệ này cho phép bất cứ điều gì có thể nhìn thấy trong không gian thực đều có thể được mô hình hóa trong không gian 3D ảo và đã trở thành một công cụ hữu hiệu để gắn kết công chúng với bảo tàng. Dù khó có thể so sánh giữa Việt Nam và các nước phát triển, nhưng nếu chậm 8 năm trong phát triển công nghệ 3D- so với mặt bằng chung trong thời đại công nghệ bùng nổ, rõ ràng hệ thống bảo tàng Việt Nam vừa thừa vừa thiếu là vì thế.

Minh Quân