Mở rộng dân chủ
Cuộc bầu cử ĐBQH khóa XIV và ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 đang ở giai đoạn tập hợp, kiểm tra, xem xét hồ sơ ứng cử của các ứng cử viên; hoặc đang tiến hành giới thiệu người đại diện của cơ quan, tổ chức đơn vị mình ra ứng cử (với những người được giới thiệu). Công việc này được giao cho Ủy ban bầu cử các cấp.Giống như kỳ bầu cử ĐBQH khóa XIII và ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2015 và nhiều kỳ bầu cử trước đó, vấn đề người tự ứng cử vào cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất ở Trung ương
Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Văn Pha.
Đối với cuộc bầu cử ĐBQH lần này, vấn đề đó cũng nhận được nhiều sự quan tâm không chỉ của các tầng lớp trong xã hội mà cả giới truyền thông. Trong cuộc trao đổi với báo chí hôm 3/3, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Văn Pha khi nói về công tác bầu cử đã cho biết: Đến giờ này theo báo cáo nhanh của các địa phương, công tác tổ chức bầu cử ĐBQH và ĐB HĐND đang tiến hành tốt. Chỉ có điểm vướng là đôi khi thực tế rất phong phú mà luật không bao giờ điều chỉnh hết được. Điều này đòi hỏi các ngành, các cấp cần vận dụng sáng tạo Luật Bầu cử trên tinh thần dân chủ, khách quan, bình đẳng để phối hợp tổ chức tốt cuộc bầu cử.
Mọi thứ đang “vận hành” tốt điều đó hiển nhiên được hiểu là các bước của cuộc bầu cử đang được tuân thủ nghiêm, bao gồm cả câu chuyện của những người tự ứng cử và Hội đồng bầu cử Quốc gia chắc chắn đã liệu trước các tình huống. Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Văn Pha- người có nhiều năm kinh nghiệm tham gia công tác giám sát, kiểm tra bầu cử ĐBQH và ĐB HĐND các cấp cho biết: Thực tế, trong quá trình bầu cử luôn luôn xuất hiện việc tự ứng cử và việc tự ứng cử này dù không có trong cơ cấu (ở các cơ quan thuộc trung ương) cũng không ảnh hưởng gì đến người tự ứng cử. Ông nói: “Tôi cho rằng nếu luật quy định thì là điều tốt nhưng hiện nay luật chưa quy định và người ta chỉ dự kiến những cơ quan tổ chức đơn vị nhưng quá trình bầu cử người tự ứng cử sau khi đã đầy đủ điều kiện rồi thì cũng bình đẳng như những người được giới thiệu ứng cử.”
Chữ bình đẳng trong ý kiến mà vị Phó Chủ tịch MTTQ Việt Nam nêu lên chính là ví dụ tốt của quá trình mở rộng dân chủ trong công tác bầu cử các cơ quan lập pháp tại trung ương và địa phương. Trong Luật Tổ chức QH, Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã nêu rõ; các hướng dẫn về bầu cử cũng đã quy định: Một khi người tự ứng cử xét thấy mình đủ điều kiện ứng cử ĐBQH hay ĐH HĐND có thể nộp hồ sơ ứng cử chậm nhất là 70 ngày trước ngày bầu cử về Ủy ban bầu cử cấp tỉnh, thành phố để đơn vị này kiểm tra, tập hợp hồ sơ và chuyển sang MTTQ cùng cấp, lập danh sách, đưa vào hiệp thương vòng 2. Với cuộc bầu cử ĐBQH và ĐB HĐND các cấp, hiệp thương vòng dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 17-3 - theo thông tin từ MTTQ Việt Nam.
Trở lại với vấn đề làm thế nào đảm bảo quyền bình đẳng giữa người được giới thiệu và người tự ứng cử? Có rất nhiều ý kiến băn khoăn, nói thì dễ nhưng liệu có gì để đảm bảo sẽ không có sự phân biệt đối xử. Câu trả lời là, thực ra, trong các vòng hiệp thương cũng như khi lên danh sách những người ứng cử tại các đơn vị bầu cử, bản tổng hợp danh sách để cử tri nắm thông tin không thể hiện ai là người được giới thiệu, ai là người tự ứng cử. Phó Chủ tịch MTTQ Việt Nam còn giải thích thêm: “Luật đã định, các địa phương phải giới thiệu, bao gồm số người được giới thiệu ứng cử và tự ứng cử tối thiểu gấp đôi số đại biểu được bầu để đến hiệp thương lần thứ 3 qua biểu quyết bằng giơ tay hoặc biểu quyết bằng phiếu kín có thể lựa chọn được đủ số dư. Trong lựa chọn số đông như thế rõ ràng có người tự ứng cử chứ không phải vì không có cơ cấu mà loại ra.” Thậm chí, vì không phải chịu sự giới thiệu của bất cứ cơ quan, tổ chức nào nên người tự ứng cử nếu đủ điều kiện về hồ sơ sẽ đương nhiên có trong danh sách hiệp thương vòng 2. Đưa ra một số quy định trong công tác bầu cử để thấy, rõ ràng, Hội đồng bầu cử Quốc gia đã lường trước nhiều khả năng và đã ra những quy định để đảm bảo cao nhất quyền bình đẳng giữa các ứng viên trong cuộc bầu cử. Điều đó cho thấy, càng ngày chúng ta càng mở rộng dân chủ và sự tham chính của người dân càng được thể hiện rõ;kể cả trong bầu cử cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Cho đến ngày 4-3, dù chưa có báo cáo chính thức từ các Hội đồng Bầu cử nhưng theo thông tin riêng của ĐĐK, ở Hà Nội đã có hơn 10 hồ sơ đăng ký tự ứng cử- một ví dụ nữa về sự cởi mở, dân chủ. Con số người tự ứng cử chắc chắn sẽ nhiều hơn thế nhiều lần khi công bố danh sách các ứng viên sau vòng 2. Và, Luật đã định, MTTQ Việt Nam các cấp sẽ giám sát nghiêm từ khâu lập hồ sơ, danh sách các ứng viên, đến quá trình tổ chức hội nghị cử tri rồi vận động tranh cử, làm sao để đảm bảo công bằng giữa các ứng viên trong suốt các quá trình từ hiệp thương đến khi bỏ phiếu xong; thậm chí kể cả sau khi bỏ phiếu. Vì thế, có lẽ sẽ không có gì khiến các ứng viên tự ứng cử phải lo ngại.
Cũng không phải đến kỳ bầu cử năm 2016 mới có các ứng viên tự ứng cử mà ngay tại nhiệm kỳ QH khóa XIII cũng đã có những trường hợp tự ứng cử trúng cử ĐBQH khóa XIII; mặc dù, chất lượng ĐBQH tự ứng cử khóa XIII là điều còn phải bàn cãi và nhiều trường hợp trúng cử, vì những lý do khác nhau không thể đi hết toàn bộ nhiệm kỳ.
Trở lại với vấn đề các ứng viên tự ứng cử, Phó Chủ tịch MTTQ Việt Nam cũng đưa ra những khuyến nghị khá chân thành, thẳng thắn; mà một trong số đó là đừng coi cuộc bầu cử ĐBQH khóa XIV và ĐB HĐND các cấp như một “phép thử’ của tinh thần dân chủ, bởi như thế khác nào, tự đánh mất hình ảnh của mình trước cử tri- những người luôn sáng suốt, luôn biết “đãi cát tìm vàng” trong rất nhiều những ứng viên sáng giá của cả nước. Như thế cũng khác nào tự mình đánh mất niềm tin của cử tri. Âu đó cũng chỉ là đôi chút lo xa.