Bán hàng đa cấp
Câu chuyện hơn 60.000 người là nạn nhân của Công ty đa cấp Liên Kết Việt thời gian qua vẫn đang nóng. Cái nóng sẽ còn âm ỉ với sự mất mát lớn về tài sản cũng như về niềm tin, nhất là hàng chục ngàn nông dân, hậu quả chưa biết đến bao giờ mới hàn gắn được. Ngay cả những doanh nghiệp kinh doanh chân chính cũng bị vạ lây. Nhiều vấn đề cần đặt ra xung quanh loại hình kinh doanh này.
Ảnh minh họa.
Nhiều năm trước, cá nhân người viết bài này cũng từng được một người bạn “rủ rê” tham gia cùng anh vào một dây chuyền bán hàng đa cấp. Rằng thì thôi bỏ hẳn cái nghề mình yêu quý đang theo mấy chục năm, bỏ cả cái nghề mà gia đình đang làm “đầu tắt, mặt tối” kiếm cơm hàng ngày để theo vào dây chuyền cho “sướng thân”. Nhanh làm giàu, không vất vả, lại còn được nay đây, mai đó trên thế giới, nếu làm giỏi, được thăng “cấp cao”. Anh bạn, rồi “cấp trên” của anh bạn, bỏ cả nửa ngày để trà nước, thuyết phục, rồi lại tặng quà. Dù không phải là người dễ nhẹ dạ, cả tin nhưng bản thân cũng thấy “lung lay”. Nghĩ đi, nghĩ lại, rằng xưa các cụ đã dạy, rằng chỉ những gì mình vất vả làm ra thì mới bền. Bản thân không thể bỏ nghề của mình, cũng không giỏi mồm mép, thôi thì dành cái cơ hội nhanh giàu ấy cho người khác. Và rồi bản thân đã kiên quyết không tham gia, mặc dù sau đó đến gần năm trời anh bạn vẫn liên tục điện thoại “hỏi thăm, nhắc nhở”...Cũng chợt hiểu vì sao đến nay có cả triệu người đang tham gia bán hàng đa cấp, và rồi không ít người đã là nạn nhân. Cũng đừng vội chê trách nhiều người, rằng là vì...tham.
Bởi sòng phẳng mà nói, cũng đáng nể cho người đầu tiên nghĩ ra cái phương pháp bán hàng đa cấp- một kiểu tiếp thị, bán hàng mang lại hiệu quả cao, có lợi cho cả nhà sản xuất lẫn người tiêu dùng.Và rồi, dù chìm nổi, đến nay việc bán hàng đa cấp đã được pháp luật trên thế giới công nhận. Ở Việt Nam, việc bán hàng đa cấp cũng đã được luật định. Luật Cạnh tranh năm 2005 đã có những điều khoản quy định về bán hàng đa cấp. Tại Điều 3 nêu: “việc bán lẻ hàng hóa thông qua mạng lưới người tham gia gồm nhiều cấp, nhiều nhánh khác nhau”. Nghị định 110/2005/NĐ-CP quy định về quản lý hoạt động, bán hàng đa cấp, Thông tư ngày 8/11/2005 hướng dẫn... Ngày 14/5/2014, Chính phủ tiếp tục có Nghị định số 42/2014/NDD-CP về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp. Ngày 30-7-2014, Bộ Công thương có Thông tư 24/2014/TT-BCT quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định này...
Và như vậy, cho thấy việc bán hàng đa cấp pháp luật không cấm. Bán hàng đa cấp hợp pháp mang lại hiệu quả cho nhà sản xuất cũng như tiêu dùng. Nhà sản xuất quảng bá được hàng hóa của mình đến người tiêu dùng, tiêu thụ được nhiều hàng, nếu mạng lưới càng được mở rộng. Người tiêu dùng đồng thời là người cùng tham gia vào mạng lưới bán hàng, được hưởng lợi hoa hồng từ chính chi phí bán hàng. Người tiêu thụ, bán được hàng nhiều, kêu gọi được nhiều người cùng tham gia, mua hàng đương nhiên phần công, được hưởng càng cao.
Theo thống kê của cơ quan chức năng đến nay chỉ riêng tại Việt Nam đã có hơn 76 doanh nghiệp thực hiện phương thức kinh doanh này, và cũng đã có 23 doanh nghiệp chấm dứt hoạt động, 2 doanh nghiệp bị rút giấy phép, và vẫn còn hơn 51 doanh nghiệp đang hoạt động. Đặc biệt, có đến hơn 1 triệu người đã tham gia, hoặc đang tham gia vào các dây chuyền bán hàng đa cấp. Tuy nhiên oái oăm thay, không ít doanh nghiệp, mạng lưới bán hàng đa cấp chỉ là những “hình tháp” ảo. Những người tham gia vô tình cũng trở thành những người lừa gạt lẫn nhau. Những buổi diễn thuyết, quảng cáo biến thành nơi để khua môi, “chém gió”, những hình thức hoa hồng, giải thưởng cũng lại chỉ để làm mồi câu, nhử cho nhiều người tham gia, sập bẫy, và rồi khi đã sa chân, lỡ bước thì không thể rút ra được.
Theo quy định của pháp luật, các doanh nghiệp kinh doanh theo hình thức đa cấp không được yêu cầu người tham gia phải đặt cọc, phải mua số lượng hàng hóa ban đầu, hoặc phải trả một khoản tiền để được tham gia mạng lưới. Tuy nhiên có không ít công ty, bằng hình thức này, hình thức khác vẫn bắt người tham gia phải đặt cọc, mua hàng. Đây đã là dấu hiệu ban đầu của sự lừa đảo. Như để vào hệ thống Liên kết Việt phải có mã hàng với giá 8,6 triệu đồng, vào hệ thống của muaban.24 phải có gian hàng với giá 5,2 triệu đồng... Như quy định của pháp luật, chính doanh nghiệp kinh doanh đa cấp phải có tiền đặt cọc để bảo đảm cho người tham gia. Vậy nhưng không ít công ty lại đòi điều này từ người tham gia. Luật pháp cũng cấm công ty, doanh nghiệp kinh doanh đa cấp cho người tham gia nhận tiền hoa hồng, tiền thưởng, lợi ích kinh tế khác chủ yếu từ việc dụ dỗ người khác tham gia mạng lưới; hay cung cấp thông tin gian dối về lợi ích của việc tham gia mạng lưới, thông tin sai lệch về tính chất, công dụng của hàng hóa để dụ dỗ người khác tham gia...Tuy nhiên đa số các doanh nghiệp bán hàng đa cấp đều vi phạm quy định này...Họ không chú ý nâng cao chất lượng sản phẩm, mà lại chủ yếu lôi kéo người tham gia mạng lưới; đặc biệt, với các doanh nghiệp lừa đảo như MB24, Liên kết Việt đã dùng chiêu bài thưởng, hoa hồng cực lớn quảng cáo, chém gió thật kêu để bẫy khách hàng...
Lợi nhuận luôn là bài toán của mọi doanh nghiệp, dù bán hàng theo bất cứ hình thức nào. Sẽ không có bất cứ khoản lợi nhuận nào phát sinh ngoài khoản chi phí cho bán hàng. Sẽ không có chuyện vơ tiền bỏ túi, làm giàu nhanh như những lời chém gió, lừa gạt lẫn nhau kia. Nếu như mọi người dân hiểu được điều này cũng như hiểu biết các quy định của pháp luật; nếu như các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các sai phạm thì đã không có hậu quả đau xót xảy ra.