Đối mặt để vượt qua thách thức
Chúng ta sẽ tiếp tục đối mặt với các vấn đề về bẫy thu nhập trung bình, năng suất lao động, cơ sở hạ tầng không đủ sức khơi dậy niềm tin kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cùng với đó là cần các chính sách để phục hồi tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế đang chậm lại. Ông Nguyễn Anh Dương- Phó trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương bắt đầu câu chuyện với Đại Đoàn Kết.
Ông Dương cũng nói, quá trình phục hồi nền kinh tế là có nhưng rất khó đoán định. Vì vậy trong năm 2016 rủi ro xuất hiện đến từ bên ngoài và ngay nội tại nền kinh tế Việt Nam. Nếu như nền kinh tế thế giới phục hồi chậm thì Việt Nam gặp phải những bối cảnh không thuận lợi trong điều hành của mình.
Linh hoạt trong tiếp cận
PV: Thưa ông, ông có thể nói rõ hơn về những áp lực mà nền kinh tế sẽ phải đối diện trong năm 2016 này?
Ông Nguyễn Anh Dương: Như tôi đã nói ở trên, chúng ta bước vào năm 2016 với rất nhiều kỳ vọng, đó là cơ hội hội nhập mang lại. Trước đó nữa, các chỉ dấu phục hồi đã bắt dầu rõ nét hơn từ giữa năm 2014 tới nay. Nhưng kỳ vọng sẽ rất khó đạt được nếu như không có cải cách dài hạn. Chưa kể chúng ta tiến hành cải cách, tái cơ cấu nền kinh tế và đạt được kết quả gì? Là khu vực doanh nghiệp Nhà nước chưa có nhiều chuyển biến, đầu tư công chưa chuyển biến.
Riêng về vấn đề đầu tư công có dù Nghị định đầu tư trung hạn, địa phương biết giai đoạn 2016-2020 có bao nhiêu tiền để hoạch định nhưng bố trí nguồn lực như thế nào lại là khác. Đầu tư nhiều, hiệu quả mang lại chưa tương xứng.
Hay như câu chuyện về chính sách mới cũng vậy. Trong cùng một thời điểm chúng ta đối diện với nhiều thông tin, giá dầu thô xuống thấp, đồng Nhân dân tệ mất giá, Cục dự trữ Liên bang Mỹ- Fed bỏ ngỏ thông điệp tiếp tục nâng lãi suất. Tôi không muốn dùng đến thuật ngữ “cuộc chiến tiền tệ”, nhưng rõ ràng các biến động khiến cho năng lực cạnh tranh của nền kinh tế bị thử thách hơn bao giờ hết.
Các biến động này đều có một mối liên hệ chung là do đồng đôla Mỹ lên giá?
- Đúng vậy, câu chuyện có điểm chung là do đồng đôla Mỹ lên giá. Cũng có những động thái từ khác từ Trung Quốc là họ chủ động hạ giá NDT. Vì chúng ta đang nhìn nhận sự việc ở từng điểm riêng, tức là chia nhỏ sự việc mà ít đặt trong sự liên kết đồng bộ nên các chính sách đưa ra để đối ứng lại có phần nào lúng túng. Trong khi các nước châu Âu, châu Á đang hạ giá tiền bản địa, thì nền kinh tế Mỹ nổi lên với những chỉ số về lao động, việc làm phục hồi.
Chúng ta đối phó với giá dầu giảm bằng giải pháp bù ngân sách, tăng thu. Rồi sau đó chúng ta nghe tin Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ, thì các nhà điều hành (4 bộ: Kế hoạch Đầu tư, Bộ Công thương, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính) cùng nhau bàn cách.
Các nền kinh tế trên thế giới đang muốn gây ảnh hưởng tới các đối tác. Việt Nam là nền kinh tế nhỏ, vì vậy cách tiếp cận vấn đề cũng cần linh hoạt và phụ thuộc sự hành xử của các đối tác. Phục hồi cho nền kinh tế cần nhìn ở tổng thể. Nếu đặt trong tổng thể, chúng ta sẽ phải có chiến lược dài hơi hơn, đó là nâng cao lợi thế cạnh tranh, có chiến lược thu hút vốn đầu tư nước ngoài, có chính sách tỷ giá linh hoạt.
Phòng ngự trong chủ động
Thưa ông, vậy hướng đi nào cho nền kinh tế trong thời gian tới?
- Theo tôi là phải có được các chính sách cần thiết.
Thứ nhất, là xây dựng các kịch bản điều hành trong ngắn hạn, các chính sách vĩ mô kèm theo để tránh các cú sốc từ bên ngoài. Đồng thời chuẩn bị một nền tảng để nền kinh tế phát triển dài hạn hơn.
Thời gian từ năm 2016 đến năm 2020 khá gần, hiện nay Việt Nam đã đặt tầm nhìn đến năm 2035, nhưng quan trọng nhất chúng ta phải thực hiện cải cách từ bây giờ. Đó là củng cố vai trò nhà nước kiến tạo cho khu vực kinh tế tư nhân lớn mạnh phát triển; cải cách môi trường kinh doanh bằng việc loại bỏ ngay những thủ tục quy định, những chi phí không cần thiết gây khó cho doanh nghiệp; thường xuyên tham vấn và trao đổi với doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; hợp tác hài hòa pháp lý nước ngoài, chẳng hạn như gia tăng việc công nhận lẫn nhau để gia tăng hàng Việt Nam xuất khẩu ra nước ngoài.
Thứ hai là, chuẩn bị tiếp nữa kỹ năng của người lao đông, kỹ năng cho doanh nghiệp. Cải môi trường kinh doanh mà thiếu sự quan tâm đào tạo tinh thần doanh nhân cũng không được. Động viên khởi nghiệp mà không đồng nhất nâng cao môi trường kinh doanh cũng không được.
Và câu chuyện cuối cùng chúng ta cần có những tư duy tích cực hơn đối với các thành phần kinh tế khác, chẳng hạn là doanh nghiệp có vốn đầu tưu nước ngoài. Đang có thực tế, khối doanh nghiệp này nắm vai trò chi phối một số chuỗi giá trị hàng xuất khẩu Việt Nam và họ hưởng lợi phần lớn nhưng tôi muốn nhấn mạnh là Việt Nam là nước xuất khẩu nhưng xuất khẩu ở xuất phát điểm thấp, chỉ nhập rồi xuất, xuất thô, gia công.
Trước khi đủ mạnh để khẳng định mình, thì doanh nghiệp Việt Nam cần hợp tác với DN nước ngoài để đi dần vào chuỗi giá trị. Trong quá trình hợp tác này doanh nghiệp Việt Nam thì chúng ta dần dần cải thiện được kỹ năng, uy tín của mình, Tiến đến làm công nghệ, các công đoạn quan trọng trong chuỗi giá trị.
Doanh nghiệp cần chủ động đối diện thách thức để mạnh lên.
Nhưng chính các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam đang có vẻ tồn tại như một ốc đảo, doanh nghiệp Việt rất khó tiếp cận để học hỏi?
- Để tham gia chuỗi giá trị chúng ta không thể ngồi một chỗ bắt doanh nghiệp hợp tác với mình. Khi chúng ta cấp phép đầu tư chúng ta không thể bắt họ cam kết, anh phải nội địa hóa bao nhiêu phần trăm được, từ khi gia nhập WTO đến nay chúng ta chỉ có thể đưa ra mong muốn, khuyến khích mà thôi. Câu chuyện của DN VN nói để dễ hiểu hơn, doanh nghiệp Việt không thể yêu cầu anh hợp tác và bao tiêu cho sản phẩm của tôi.
Ví dụ như tập đoàn Sam Sung đổ vốn vào Việt Nam, họ có sẵn mạng lưới, nhà cung ứng cấp 1 quyết định đầu vào của họ. Doanh nghiệp mình chỉ tham gia với tư cách là doanh nghiệp cấp 2, cung ứng cho doanh nghiệp cấp 1. Nhưng tham gia cũng khó vì không thể tự chen chân vào. Chúng ta tham gia chuỗi chỉ có cách gây dựng quan hệ hợp tác với doanh nghiệp FDI.
Bản thân Sam Sung khi vào Việt Nam, họ cũng không biết doanh nghiệp nào của Việt Nam làm ăn hiệu quả trong hơn 1 triệu doanh nghiệp đang tồn tại để mà hợp tác. Trong khi đó chi phí tìm kiếm khá tốn kém. Giải pháp doanh nghiệp muốn thật sự tham gia có cách làm là các cơ quan nhà nước chủ động làm cầu nối trung gian, nhà nước thấy anh này làm tốt thì giới thiệu cho doanh nghiệp nước ngoài. Đó là cơ hội để kết nối, tuy nhiên quá trình này cần sự cam kết của 3 bên, Nhà nước, doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp nước ngoài. Doanh trong nước cũng bản thân tự chứng minh năng lực của mình.
Tuy nhiên quá trình này cũng có rủi ro, ví dụ 1 bộ X giới thiệu doanh nghiệp Y cho nước ngoài Z. Vấn đề làm sao là chọn đúng doanh nghiệp Y năng lực hay chọn kiểu doanh nghiệp người thân; Hay chọn đàng hoàng rồi thì doanh nghiệp Y ỷ lại, làm ào ào vì nghĩ đã có nhà nước bảo hộ.
Cốt lõi là doanh nghiệp nước nhà phải chứng minh được năng lực, và chứng minh được khả năng của mình?
- Đối với các doanh nghiệp công nghiệp, để tham gia chuỗi giá trị có 4 tiêu chí đặt ra, thì doanh nghiệp nội chỉ mới xấp xỉ đạt được 2 đó là giá và chất. Dù chất còn rất nhiều điều để bàn kỹ. Việc sản xuất số lượng và giao hàng đúng hẹn doanh nghiệp nội không có. Doanh nghiệp ngoại cần giao hàng đúng ngày 30 -12 thì có nghĩa là ngày 30 -12 phải giao hàng chứ chậm 1 ngày hay nhanh 1 ngày giao hàng cũng không được. Nhận hàng sớm sẽ tốn thêm chi phí lưu kho, nhận hàng muộn thì bị phạt. Điểm đáng buồn của DN nội là không đáp ứng hàng đúng thời gian. Chưa kể nếu yêu cầu doanh nghiệp Việt sản xuất số lượng lớn thì cũng khó.
Trân trọng cảm ơn ông!