Nghệ sĩ ra hồi ký: Khéo là 'vạch áo...'

Thạch Kim Anh 06/03/2016 00:10

Thời gian qua nhiều nghệ sĩ ra mắt hồi ký, tự truyện. Liệu đây là mốt hay là chiêu “vạch áo cho người xem lưng”, nhằm thỏa mãn tò mò của dư luận còn người trong cuộc thì trở thành “mồi ngon” trong lúc trà dư tửu hậu?

Nghệ sĩ ra hồi ký: Khéo là 'vạch áo...'

Nghệ sĩ Thương Tín trong buổi ra mắt hồi ký của mình -
Cuốn hồi ký gây nhiều tranh cãi.

1. Gần đây, việc xuất hiện hàng loạt cuốn hồi ký của các nghệ sĩ, mà nhiều cuốn bán chạy vài chục ngàn bản, thậm chí bị in lậu đã cho thấy một thực tế: công chúng luôn tò mò, quan tâm đến đời tư của những nhân vật nổi tiếng. Đồng thời, điều này cũng cho thấy việc xuất bản hồi ký, tự truyện hiện nay cũng rất cởi mở. Trong thời gian ngắn trở lại đây, hàng loạt nhân vật được công chúng biết mặt biết tên đều góp mặt trong “phong trào hồi kí”.

Sau cuốn hồi ký “Một đời giông bão” của nghệ sĩ Thương Tín, mới nhất, nhạc sĩ Trần Lập cũng ra mắt hồi ký “Rong chơi”. Với cuốn sách này, chỉ trong vòng 3 năm, Trần Lập đã “sở hữu” 2 cuốn hồi ký. Nhiều nhân vật nổi tiếng khác như ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, MC Kim Ngân cũng chuẩn bị ra mắt những cuốn hồi ký hoặc mang đậm màu sắc tự truyện.

Trước đó là cuốn “Tâm thành và Lộc đời” của nghệ sĩ Thành Lộc, “Đằng sau những nụ cười” của ca sĩ Khánh Ly, rồi hàng loạt các tự truyện của ca sĩ Long Nhật, Thanh Thảo, Tina Tình… cũng là một cách hé lộ đời sống của nghệ sĩ đằng sau cánh gà một cách chính thống, “chính chủ”, không phải từ những “tin vịt” hay thông tin “lá cải” phát tán đầy rẫy trên mạng.

Tuy nhiên, không giống một tác phẩm văn học, hồi kí hay tự truyện là cuốn sách chứa đựng nhiều tư liệu về đời tư cá nhân. Điều đáng nói là, vì cá nhân tự kể lại nên không thể không tính đến yếu tố chủ quan và càng không thể không “dính dáng” đến những cá nhân khác. Lại càng không giống một bức ảnh “tự sướng”, hình thức “tự sướng bằng chữ” này nó lớp lang, dày dặn và có sức ảnh hưởng rất lớn trong công chúng. Trình độ, đẳng cấp, tài năng, tấm lòng và vị thế của nghệ sĩ ở đâu thì cuốn hồi kí, tự truyện của họ cũng đang phản ánh chính điều đó.

2. Cuối năm ngoái, khi nghệ sĩ Thương Tín ra mắt cuốn “Một đời giông bão” đã nhận nhiều ý kiến trái chiều. Người ủng hộ, ngợi khen và sẵn sàng mua sách ủng hộ nghệ sĩ, “giúp nghệ sĩ có tiền mua sữa nuôi con nhỏ”- như mong muốn của Thương Tín. Người khác kêu gọi tẩy chay, thậm chí không tiếc lời rủa xả vì đó là “cuốn sách rác về đạo đức”. Lý do là bởi, qua cuốn hồi ký của mình, nghệ sĩ Thương Tín đã phơi bày nhiều chuyện mà người ta cho là riêng tư, cần giữ kín.

Tuy vậy, Thương Tín lại có quan điểm riêng, rằng đã nói thì nói sự thật. Và anh chỉ nói sự thật. Cuộc đời anh trải qua nhiều sóng gió, nhiều nỗi niềm, qua cuốn sách này, anh vẫn còn nhiều điều cất giữ. Và điều quan trọng, theo Thương Tín, những gì anh kể ra có liên quan đến các nhân vật, anh đều đã cân nhắc, và khi sách ra, không có sự phản đối của nhân vật được đề cập.

Với những gì Thương Tín kể ra trong những trang hồi ký, nhiều người đã thấy “quá sức chịu đựng”, thấy “vượt ngưỡng”. Một cuộc “vạch áo cho người xem lưng” đình đám trong dư luận, chẳng biết sau cuốn hồi kí này chính bản thân Thương Tín sẽ được cái gì? Được tiền nuôi con, được giãi bày với công chúng hay bị chính bạn bè và người hâm mộ có cái nhìn thiếu thiện cảm?

Công chúng còn chưa quên cuốn tự truyện “Yêu và sống” của nghệ sĩ Lê Vân. Vào thời điểm năm 2006, sau khi cuốn sách ra mắt đã nảy ra cuộc tranh luận khá dữ dội. Các trang báo lúc đó cũng xuất hiện hàng loạt ý kiến mổ xẻ, phê phán, chỉ trích. Sách bán rất chạy, thị trường và cả dư luận sôi lên sùng sục, những người trong cuộc cũng đứng ngồi không yên. Đâu lẽ vì nhu cầu trải lòng hay tự sướng của bản thân mà khiến những người khác bị động chạm, bị khơi gợi những vết thương lòng không đáng có?

Trong khi đó, không ít tự truyện lại rơi vào trường hợp “khuấy động ao bèo” để đánh bóng bản thân. Chẳng hạn trường hợp tự truyện của ca sĩ Long Nhật tiết lộ rất nhiều chi tiết gây sốc về đời tư như giới tính, bị bác sĩ nam sàm sỡ, về chuyện phòng the với người vợ trong khi mình mang nhiều nghi án “man cong”. Còn tự truyện của ca sĩ Thanh Thảo lại “tô đậm” chuyện tình cảm với diễn viên Bình Minh trong khi anh này đang vợ con đề huề, yên ấm...

3. Có thể không ít nghệ sĩ coi việc xuất bản tự truyện, hồi ký cũng như một thứ mốt, một phong trào “nhà nhà ra hồi ký, người người viết tự truyện”. Rồi sau trào lưu này sẽ tự lắng xuống, thậm chí người ta cũng sẽ chóng quên giống như quên một phút hớ hênh của ca sĩ. Nhưng sách vở không giống như bộ váy áo thời trang. Sách vở khi được xuất bản sẽ tồn tại lâu dài. Muốn xóa bỏ cũng không dễ.

Chính vì vậy, nghệ sĩ khi quyết định ra mắt tự truyện cũng cần có những cân nhắc. Dung hòa được sự tò mò của công chúng và giữ lại những bí mật riêng của mình là điều cần thiết, để tránh trở thành một hình ảnh “lố” trong mắt công chúng, làm ảnh hưởng tới những người thân hoặc người đã có duyên nợ trong cuộc đời.

Một chiều hướng khác, công chúng cũng cần có sự tỉnh táo, cần tự tạo cho mình một sự đề kháng trước trào lưu tự truyện, hồi ký của người nổi tiếng. Nếu thấy không hào hứng, tốt nhất là không mua, không đọc. Còn nếu đã chấp nhận cầm trên tay, thì cũng như ta xem một bộ phim kinh dị, cần có sự đề phòng.

Thạch Kim Anh