Sống trong 'rừng virus'

Lã Thế Tuấn (Nguồn tham khảo:  Times Higher Education The Lancet Thorax) 06/03/2016 10:05

Virus Zika đang gieo rắc kinh hoàng cho nhân loại. Vẫn không có vaccine đặc chủng và càng ngày người ta càng phát hiện ra thêm những cách lây bệnh của chúng - Alice Philipana - GS dịch tễ học hàng đầu người Mỹ đưa ra nhận xét. Xét về tính ẩn họa lâu dài, nó thực sự đáng kinh sợ- vẫn theo GS Alice, và rằng con người thực sự mong manh trước “một rừng” virus.

Sống trong 'rừng virus'

Những nạn nhân của virus Zika.

1. Nhắc lại, người ta đã phát hiện ra loại muỗi Aedes là vật trung gian truyền bệnh. Nó cũng chính là loài truyền bệnh sốt xuất huyết. Tuy nhiên, “phiên bản mới” này cực kỳ ghê rợn ở chỗ nó tạo ra loại virus “ăn não”, để lại dị tật nguy hiểm ở thai nhi, dẫn đến bệnh đầu nhỏ ở đứa trẻ và điều đó sẽ đeo đuổi nạn nhân cho đến chết.

Cuối năm 2015, thông tin từ Brazil về virus Zika làm chấn động thế giới. và, chỉ trong một thời gian ngắn, trong vòng 1 tháng, đã có 20 quốc gia và vùng lãnh thổ ở châu Mỹ Latin bị ảnh hưởng bởi loại virus này. Chưa hết, trong vòng nửa tháng sau nó đã lây lan ra 32 nước. Ngay cả nước Mỹ, quốc gia được coi là phòng chống dịch rất tốt thì vào ngày cuối cùng của năm 2015, ngày 31/12/2015, Trung tâm Phòng chống dịch bệnh nước này cũng thông báo đã ghi nhận trường hợp đầu tiên mắc bệnh do virus Zika.

Còn nhớ, cách đây 69 năm, vào năm 1947, thế giới đã biết đến loại virus này. Một mô tả cho thấy: khi bị virus Zika tấn công, đầu của đứa trẻ tóp nhỏ, khuôn mặt biến dạng, “não của đứa trẻ đã bị virus ăn”.

Kể từ đó, Tổ chức Y tế thế giới-WHO đã cảnh báo đối với những phụ nữ mang thai cần hết sức phòng ngừa không để muỗi Aedes đốt. Nhưng, theo thời gian, hình như loài người đã “mất cảnh giác”, chỉ đến nay khi mức độ dịch bệnh bùng phát thì mới cuống cuồng tìm vaccine và liên tục đưa ra những cảnh báo- theo GS Alice.

Trước, người ta cho rằng nguyên nhân duy nhất dẫn đến bệnh đầu nhỏ ở trẻ là lây truyền qua đường máu, từ mẹ sang con khi sinh. Nhưng nay, người ta cho rằng, chúng còn có thể đã lây lan qua đường tình dục, kể cả những nụ hôn. Mới đây, giới chức Brazil xác nhận virus Zika có trong nước tiểu, nước bọt của bệnh nhân nên khuyến cáo phụ nữ mang thai hạn chế hôn người khác.

“Để tránh tiếp xúc với virus, bạn không nên hôn”- Paulo Gadelha, Chủ tịch tổ chức Nghiên cứu y sinh học Oswaldo Cruz (Brazil) khuyến cáo. Còn tại Mỹ, sau khi xác định một trường hợp nhiễm virus qua đường tình dục, Trung tâm Kiểm soát và Phòng tránh dịch bệnh (CDC) khuyên các cặp đôi chuẩn bị sinh con sống tại hoặc từng du lịch đến vùng dịch cần sử dụng bao cao su, thậm chí là kiêng quan hệ.

Tại thời điểm này, còn 17 tháng nữa vaccine chống virus Zika mới được thể nghiệm trên người. Điều đó cũng có nghĩa là, vấn nạn vẫn đang ở phía trước.

Sống trong 'rừng virus' - 1

Muỗi vằn cái, loài vật truyền virus Zika.

2. Tuy nhiên, trước bệnh “ăn não” do virus Zika gây nên, thế giới đã từng ghi nhận nhiều đợt dịch mà “sát thủ” chính là virus. Trước hết, đó là virus Ebola. Tới nay, y học thế giới ghi nhận có 5 chủng Ebola với mỗi chủng được đặt tên theo các quốc gia và vùng lãnh thổ ở châu Phi là Zaire, Sudan, Bundibugyo và Reston. Trong đó, virus Ebola Zaire là loại nguy hiểm nhất, với khả năng gây tử vong tới 90%. Người ta cho rằng loài cáo bay có thể là vật trung gian lây lan loại virus này.

Một “họ hàng” của Ebola và hiện được coi là virus đáng sợ nhất đối với loài người mang tên Marburg. Tên của nó được đặt theo tên của một thị trấn nhỏ bên dòng sông Lahn ở bang Hessen (Đức). Nhưng thật kì quái là nó không hề liên quan gì tới căn bệnh virus này gây ra. Virus Marburg kinh hoàng ở chỗ nó làm bệnh nhân co giật, chảy máu các màng nhầy, da và cơ quan nội tạng. Tỉ lệ tử vong vì bệnh do virus Marburg cũng tương đương với Ebola: 90%.

Trong các loại virus thì virus cúm gà được coi là nguy hiểm do khả năng lây lan trong cộng đồng cao. Người dân thường sống gần với gà vịt, một số loài chim. Tuy nhiên, trong thực tế, nguy cơ nhiễm chủng H5N1- một trong những chủng cúm gà được biết đến nhiều nhất thì nguy cơ tử vong là tương đối thấp. Nhưng để phòng dịch bùng phát, khi phát hiện dịch, thường là người ta phải tiêu hủy hết gia cầm cùng với những loài chim cảnh, thiệt hại kinh tế là rất lớn.

Còn virus Lassa lại lây từ chuột. Người đầu tiên bị virus này tấn công là một y tá ở Nigeria. Người ta tính rằng, khoảng 15% số chuột có thể mang virus này, trong khi lượng chuột trên trái đất là rất lớn và tốc độ sinh sản của chúng được tính bằng cấp số nhân. Tương tự, bệnh do virus Machupo gây ra cũng lây lan từ chuột. Khi xâm nhập vào cơ thể người, virus Machupo gây sốt cao kèm theo chảy máu nghiêm trọng.

Tới nay, người ta vẫn cho rằng, loài virus “thường trực” nhất gây nên bệnh sốt xuất huyết. Khi loài muỗi mang virus này tấn công, khó ai có thể “tự đề kháng”. Ước tính có tới 100 triệu người bị chúng tấn công mỗi năm.

Sống trong 'rừng virus' - 2

Vi khuẩn lây bệnh lao.

3. Lịch sử loài người cũng ghi nhận những dịch bệnh vô cùng khủng khiếp, con người phải chống đỡ trong tuyệt vọng. Nói như tỷ phú Bill Gate thì một đại dịch khi bùng phát nó có thể cướp đi sinh mạng của 33 triệu người chỉ trong một năm. Đại dịch đó chưa xảy ra, nhưng theo Bill Gate thì khả năng là “5 ăn 5 thua”. “Đó là mối đe dọa còn đáng sợ hơn cả chiến tranh hạt nhân và thảm họa tự nhiên”- vẫn theo Bill Gate.

Người ta từng biết đến dịch tả bùng phát vào đầu thế kỷ 19, với “diện phủ sóng” toàn cầu.Ước tính, số người chết lúc bấy giờ là khoảng 10 triệu người. Đáng ngại là hệ thống miễn dịch của cơ thể có thể đánh bại được vi khuẩn tả, nhưng con người lại ta không đợi được đến lúc đó do bị mất quá nhiều nước, tử vong. Những tưởng dịch này đã được trấn áp, nhưng vào năm 1991, tại Ấn Độ, khi nó bùng phát đột ngột đã khiến 300.000 mắc và 4.000 người tử vong.

Căn bệnh bại liệt có nhiều nguyên nhân, nhưng nếu do virus thì rất có khả năng trở thành đại dịch. Năm 1952, chỉ riêng nước Mỹ đã ghi nhận 58.000 ca bệnh. 1/3 trong số đó để lại di chứng bại liệt, và 3.000 người đã chết. Loại virus này tấn công hệ thống thần kinh nên rất khó tiêu diệt.

Sốt vàng da cũng từng được coi là đại dịch, cũng lây lan do muỗi. Người ta kể rằng, chính dịch bệnh này đã tiêu diệt gần như toàn bộ đội quân bất khả chiến bại của Napoleon khi ông ta điều động một binh đoàn với quân số ước tính khoảng 33.000 người đến vùng thuộc địa ở Bắc Mỹ. Dịch sốt vàng da đã giết chết 29.000 người trong số này. Quá kinh hoàng, Napoleon đã phải bán lại mảnh đất này cho Mỹ với giá cực bèo.

Xưa, y văn thế giới từng xếp lao là một trong “tứ chứng nan y”- có nghĩa là người bị lao đã treo lên cổ mình một chiếc dây thòng lọng. Bệnh lao đến từ vi khuẩn Mycobacterium Tuberculosis, lây từ người này sang người khác qua đường không khí. Tới nay, lao không còn là “mối đe dọa chết người” nữa, nhưng ám ảnh do nó gây ra thì vẫn không dứt.

Sốt rét cũng từng có thời kỳ dài “khủng bố” loài người. Sốt rét gây ra bởi loài ký sinh trùng Plasmodium, chúng ký sinh trên cả muỗi và người. Người ta biết rằng, chỉ riêng mình cuộc nội chiến của nước Mỹ đã có tới 1,5 triệu ca bệnh, hơn 10.000 người đã tử vong. Cho dù đã có vaccine phòng chống nhưng tới nay sốt rét vẫn là vấn đề nhức nhối của nhân loại. Mỗi năm, từ 350 đến 500 triệu trường hợp mắc sốt rét được ghi nhận, chỉ riêng tại châu Phi.

Cuối cùng, không thể không nói đến đại dịch mang tên “cái chết đen”. Đó chính là bệnh dịch hạch.Vào năm 1348, dịch hạch đã cướp đi sinh mạng của hơn một nửa dân số châu Âu, một phần cư dân Ấn Độ và Trung Quốc. Nguyên nhân gây bệnh là vi khuẩn có tên gọi Yerinia pestis, và bệnh chủ yếu lây truyền thông qua những con bọ chét cư ngụ trên chuột. Tới nay, dịch hạch coi như đã biến mất, nhưng đã hằn sâu trong ký ức nhân loại không thể nào quên.

Một số đại dịch cực kỳ ghê rợn khác là dịch cúm năm 1918 cướp đi sinh mạng của hơn 20 triệu người trong vòng 3 tháng. Dịch bệnh này tiếp tục hoành hành trong một năm và số ca tử vong lên đến gần 50 triệu người. Dịch bùng phát từ chủng virus cúm A H1N1, một loại cúm gia cầm, do virus lây sang người từ gia cầm. Xuất hiện trong những năm 1980, đại dịch AIDS nhanh chóng lan ra toàn cầu, với số lượng tử vong ước tính vào khoảng 25 triệu người (cho đến nay). Còn dịch đậu mùa là một trong những dịch bệnh cổ xưa nhất và nguy hiểm nhất. Virus gây bệnh là Variola. Cứ 10 người nhiễm virus thì chắc chắn có 3 người tử vong. Giới khoa học đã tìm ra vaccine trị bệnh đậu mùa vào năm 1796, tuy nhiên năm 1967, một vụ dịch nổ ra đã làm 2 triệu người thiệt mạng, gây ra một cơn ác mộng đối với toàn nhân loại.

Lã Thế Tuấn (Nguồn tham khảo:  Times Higher Education The Lancet Thorax)