Tâm và tầm của người đại biểu dân cử
UBMTTQ cần cố gắng tổ chức các cuộc tiếp xúc giữa người được đề cử, giữa đại biểu dân cử với cử tri thành các cuộc sinh hoạt chính trị sôi động. Không nên viện cớ đảm bảo an ninh mà hạn chế ở những cử tri có giấy mời hoặc được chỉ định mới có quyền tham dự.
Nội hàm và tiêu chí của Tâm và Tầm
Một trong những điểm quan trọng về đảm bảo sự trong sạch và nâng cao đạo đức, năng lực của Đảng viên lãnh đạo và cán bộ và viên chức Nhà nước mà Nghị Quyết Đại hội XII của Đảng đã nhấn mạnh là phải chọn những người có tâm, có tầm để ủy thác công việc. Nhưng vẫn còn thiếu cách hướng dẫn làm sao để người dân chọn được đúng những người thật sự có tâm và có tầm.
Trong lúc đó những tỷ lệ % về cơ cấu thì được quy định rất cụ thể như: người được đề cử phải trong độ tuổi phục vụ được hai nhiệm kỳ nhưng không được quá 60 tuổi, trường hợp ngoại lệ với người quá 60 tuổi; già trẻ, nam nữ, người thuộc các dân tộc, người đang công tác ở các cơ quan Trung ương, người thuộc cơ quan hành pháp, người thuộc các tổ chức Công, Nông, Thanh, Phụ, Cựu chiến binh, các hội, các tôn giáo, người trong các ngành nghề, người ngoài Đảng, người được đề cử lần đầu, người tái cử, người tự ứng cử, được chọn bao nhiêu phần trăm. Điều này dẫn đến hiện tượng là trong các cuộc bình chọn hiền tài, yếu tố cơ cấu lại được bàn đến nhiều hơn.
Vậy phải căn cứ vào những tiêu chí cụ thể nào để có thể giúp cho người dân nói chung, những người ít học, những người sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, nói riêng, tìm được đúng người có tâm, có tầm? Trong kỳ bầu Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp khóa XIV tới, cử tri cả nước mong muốn Trung ương hướng dẫn cách xem xét, đánh giá đúng mà không chọn nhầm phải người hám quyền lực, người có lối sống thiếu trung thực làm đại diện cho dân.
Tâm và tầm là hai khái niệm đi kèm với những tiêu chí lựa chọn rất rõ ràng mà các nhà lãnh đạo quản lý xưa và nay thường vận dụng.
Nội hàm chữ Tâm, theo các nhà chân nho quan niệm, là sự hết lòng phục vụ việc công, còn gọi là công tâm, luôn đặt quyền lợi của dân lên trên hết. Chữ tâm được thể hiện một cách cụ thể theo các tiêu chí như Bác Hồ đã chỉ rõ gồm có các đức tính: Cần, Kiệm, Liêm, Chính và Chí công vô tư. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở việc giải thích ngữ, nghĩa thì vẫn chưa tìm ra người có tâm. Cử tri sẽ hỏi làm sao tôi biết được chú Hai, anh Ba… là người hội tụ đủ các đức tính như Bác Hồ đã dạy? Làm sao tránh được trường hợp khi đương chức thì giả nghèo, giả khổ, đến khi về hưu thì xây dựng cơ ngơi nguy nga, đồ sộ, gây xôn xao dư luận khắp nơi. “Khi chưa phát hiện ra sai phạm anh ta là người tốt(!)”- Câu nói thật mà tưởng như đùa của cơ quan quản lý con người đưa ra để lẩn tránh trách nhiệm khiến dân chúng phân vân.
Việc đánh giá người có tâm hay không, không nên dừng lại ở sự giới thiệu của cơ quan đề cử mà phải để cho cử tri khảo sát đánh giá. Người được đề cử phải kê khai và công khai tài sản để dân chúng được biết. Chỉ có nhân dân, đặc biệt là nhân dân nơi người được đề cử hoặc tự ứng cử mới có thể biết rõ tình trạng tài sản của người đó. Nếu nhân dân có điều thấy chưa được rõ ràng, có hiện tượng che giấu thì có quyền hỏi và người được đề cử, ứng cử phải trả lời. Trong tính hiện thực của vấn đề, người có tài sản bất minh thì không thể là người có tâm để phục vụ nhân dân.
Nội hàm chữ Tầm là nói về tài năng của con người có xứng với tầm của cương vị, chức trách được ủy thác không. Cấp trên phải có tài năng cao hơn cấp dưới. Người đứng đầu phải có tài năng cao hơn người dưới quyền. Người có tài năng là người có quan điểm, ý nghĩ, cách làm tạo ra cuộc sống ấm no, hạnh phúc và yên bình cho dân. Ở bất cứ lĩnh vực nào cũng đều cần thiết có nhân tài. Về mặt ý thức, người tài là người có quan điểm, tư tưởng phù hợp với xu thế của thời đại, người có quyết tâm đấu tranh ngăn chặn các quan điểm lạc hậu, bảo thủ; người có tài quản lý là người có khả năng dẫn dắt quần chúng hoàn thành và hoàn thành vượt mức các nhiệm vụ đề ra; nhà phát minh sáng chế có tài là người phát minh ra các máy móc thiết bị làm tăng năng xuất, chất lượng sản phẩm, tạo ra nhiều công ăn việc làm cho dân …
Tâm và Tầm có nội hàm rất rộng. Tuy vậy tiêu chí để xem xét người có tâm, có tầm lại rất cụ thể, có thể cân đong, đo đếm được. Vì vậy không nên để các chữ Tâm và Tầm thành những khái niệm trừu tượng.
Trách nhiệm của UBMTTQ các cấp trong việc giúp dân lựa chọn những người có tâm và có tầm
Ủy ban MTTQ các cấp được giao nhiệm vụ hiệp thương để giới thiệu những người để nhân dân bầu làm Đại biểu Quốc hội và Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Có thể nói gánh nặng trách nhiệm và vinh dự lớn trong việc chọn đúng người có tâm, có tầm vào các cơ quan dân cử được đặt lên vai của UB MTTQ các cấp. UBMTTQ các cấp có trách nhiệm tạo điều kiện cho dân có dịp khảo sát kỹ lý lịch, thành tích của những người do UB MTTQ giới thiệu. Việc giới thiệu không nên hạn chế ở vài dòng tóm tắt lý lịch trích ngang hoặc ra mắt trong các cuộc gặp chớp nhoáng mà ở đó người được đề cử lại bị hạn chế thời gian phát biểu.
Nên chăng, UBMTTQ cần tạo điều kiện cho người được đề cử được tiếp xúc nhiều hơn với đông đảo cử tri nơi bầu họ. UBMTTQ cần cố gắng tổ chức các cuộc tiếp xúc giữa người được đề cử, giữa đại biểu dân cử với cử tri thành các cuộc sinh hoạt chính trị sôi động. Không nên viện cớ đảm bảo an ninh mà hạn chế ở những cử tri có giấy mời hoặc được chỉ định mới có quyền tham dự. Không nên lấy lý do vì thời gian có hạn mà quy định mỗi người chỉ được phát biểu trong 5 hoặc 10 phút… Cần làm cho các cuộc tiếp xúc cử tri thành các diễn đàn cởi mở, nơi người dân có thể nói thẳng, nói thật những điều họ muốn nói ra như Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tuyên bố gần đây.
Cần phải đổi mới các cuộc tiếp xúc cử tri để cử tri có thể tự họ xét đoán đúng và bầu chọn người có tâm có tầm phục vụ đất nước. Trách nhiệm nặng nề này đặt lên vai UB MTTQ các cấp.