Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo công tác phòng chống xâm nhập mặn
Ngày 7/3, tại Cần Thơ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì cuộc họp với các Bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL quyết định nhiều giải pháp phòng chống mặn xâm nhập.
Quang cảnh hội nghị do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì ngày 7/3.
Sau khi nghe Bộ trưởng Cao Đức Phát và Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú báo cáo về tình hình thiệt hại do hạn, mặn xâm nhập vào các tỉnh, thành vùng ĐBSCL, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước khoanh ngay nợ cho dân đang bị thiệt hại do hạn mặn gây ra đồng thời tiếp tục cho vay bổ sung để dân có điều kiện sản xuất tiếp vụ Xuân Hè, Hè Thu. Ngân hàng chính sách xã hội cần khẩn trương vào cuộc cho hộ nghèo vay vốn đầu tư xây dựng công trình nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất. |
Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn Cao Đức Phát: Cuối năm 2014, hiện tượng El Nino đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nước ta. Đây được xem là hiện tượng El Nino kéo dài nhất trong lịch sử, là dấu hiệu của quá trình biến đổi khí hậu (BĐKH) mà cả thế giới đang phải đối mặt. Xâm nhập mặn đã ảnh hưởng đến sản xuất và dân sinh của 9/13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL là: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau và Hậu Giang.
Tổng diện tích lúa đông xuân (ĐX) bị thiệt hại đến hôm nay là 139.000 ha, trong đó có 86.000 ha thiệt hại trên 70% năng suất, 43.000 ha thiệt hại từ 30 – 70% năng suất. Các tỉnh bị thiệt hại nặng nhất là Cà Mau (hơn 49.000 ha), Kiên Giang (hơn 34.000 ha), Bạc Liêu (11.456 ha), Bến Tre (13.844 ha),….
Trong tháng 3, tháng 4 tới, dự kiến khoảng 46.000 ha lúa ĐX bị thiệt hại thêm và nguy cơ còn xấu hơn.
Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: Việc hạn chế và khắc phục thiệt hại phải xác định là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, phải tìm mọi cách hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho nhân dân.
"Hiện, 155.000 hộ thiếu nước ngọt, chúng ta phải phải đảm bảo cung cấp nước ngọt, hợp vệ sinh cho dân, không để dân thiếu nước, dịch bệnh phát sinh".
Theo Thủ tướng, Chính phủ đã đồng ý hỗ trợ cho 34/63 tỉnh, thành bị thiên tai hạn, mặn, chi 524 tỷ trong đó 9 tỉnh ĐBSCL là 137 tỷ. ĐBSCL còn 3 tỉnh chưa báo cáo thiệt hại do hạn, mặn nên cần sớm đề xuất để Chính phủ có hướng hỗ trợ.
Về lâu dài, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị: Bộ TN&MT phải có dự báo, rà soát điều chỉnh quy hoạch tổng thể chung của vùng ĐBSCL, căn cứ vào diễn biến của biến đổi khí hậu để có giải pháp thích hợp cho lúa, thủy sản, cây ăn trái là những thế mạnh của vùng ĐBSCL.
Lúa đang trổ đồng nhưng thiếu nước trầm trọng.
Thủ tướng đề nghị Bộ NN&PTNT kết hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng với địa phương, rà soát quy hoạch tổng thể của cả vùng, đặc biệt là thủy lợi; cân đối ngân sách Trung ương, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ODA, xác định các dự án cấp bách để có hướng đầu tư kết cấu hạ tầng. Các Bộ ngành Trung ương xác định các dự án cấp bách để có hướng cùng với các tỉnh, thành vùng ĐBSCL quy hoạch và tính toán lại việc đầu tư xây dựng công trình cấp nước ngọt cho dân sao cho hợp lý và ứng phó tốt được với thiên tai.
Trước tình hình hạn, mặn quyết liệt ở ĐBSCL và các tỉnh Nam Bộ, Tây Nguyên, Thủ tướng Chính phú Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu Bộ TN-MT, Bộ Ngoại giao và Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam khẩn trương có công hàm gửi đến các nước thượng nguồn sông Mê Kông để chia sẻ thông tin về nguồn nước, điều tiết các hồ chứa thủy điện để bổ sung nước cho hạ lưu, cụ thể là ĐBSCL. Lãnh đạo các tỉnh, thành ĐBSCL cần đưa ra ngay những giải pháp lâu dài hơn, điểu chỉnh cơ cấu mùa vụ, giống cây trồng vật nuôi, bằng mọi giá không để dân thiếu nước, giảm nhẹ đến mức thấp nhất những thiệt hại cho những sản phẩm chủ lực của ĐBSCL như lúa, cây ăn trái, thuỷ sản và giúp dân khôi phục nhanh sản xuất.