Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Bạch Ngọc Chiến: 'Đàn ông Việt vẫn chưa đổi mới'

Trần Duy Hưng 07/03/2016 19:53

Trong thời gian khoảng 15 phút chia sẻ với các nữ lãnh đạo, quản lý của tỉnh Nam Định tại buổi gặp mặt do Hội Liên hiệp Phụ nữ, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh tổ chức chiều nay, 7/3, nhân kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ, ông Bạch Ngọc Chiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh này đã chia sẻ những góc nhìn tích cực về phụ nữ trong khi nhìn nhận: “Đàn ông Việt chưa đổi mới”…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Bạch Ngọc Chiến: “Cả trong lịch sử và trong hiện tại, phụ nữ Việt Nam đã có vai trò và những thành tựu hết sức ấn tượng”

“Chưa năm nào chị em đón ngày Quốc tế Phụ nữ trong không khí hân hoan, phấn khởi như năm nay”, ông Chiến mở đầu buổi gặp mặt.

Hân hoan, phấn khởi, theo dẫn giải của ông Chiến phụ nữ nói chung đang có những tiến bộ về mọi mặt. “Tại kỳ Đại hội Đảng các cấp mới đây, Nam Định là một trong số các tỉnh có tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy khá cao. Riêng cấp tỉnh có tới 8 cán bộ nữ trúng cử, tham gia BCH đảng bộ tỉnh, gấp đôi khóa trước, trong đó có một người tham gia Ban Thường vụ Tỉnh ủy”, ông thông tin.

Ở cấp độ quốc gia, ông Chiến cũng nhìn nhận Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12 vừa qua, lần đầu tiên có tới 3 phụ nữ trúng cử, tham gia Bộ chính trị và nhiều khả năng sẽ có một phụ nữ giữ một trong 4 vị trí trọng trách cao nhất của đất nước.

Nhìn ra thế giới, ông nêu ví dụ thêm về sự tiến bộ của phụ nữ ngày nay: “Hiện nước Mỹ đang có một người phụ 70 tuổi, lịch lãm, giầu kinh nghiệm chính trị là bà Hillary Clinton đang tranh cử rất tích cực, khỏe khoắn và nhiều khả năng sẽ thắng cử, trở thành nữ tổng thống đầu tiên của siêu cường Mỹ”.

Nhìn lại lịch sử dân tộc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định dẫn chứng: 1976 năm trước, cuộc khởi nghĩa đầu tiên của dân tộc ta chống lại ách đô hộ của phương Bắc đã nổ ra. Điều đặc biệt là cuộc khởi nghĩa này lại do hai người phụ nữ là Trưng Trắc, Trưng Nhị (Hai Bà Trưng) phất cờ, chỉ huy…

“Nếu ai tìm hiểu về Nhật Bản sẽ biết, người Nhật có một món ăn truyền thống là sasami (cắt thịt tươi sống ra để ăn), nguyên liệu thường là cá hồi, cá voi-những loài cá sinh sống ngoài đại dương, để đánh bắt được phải đối diện, chiến thắng sóng to, gió lớn. Nhưng mà ở nước ta, ngay từ năm 248 đã có một người phụ nữ là Bà Triệu đã thể hiện chí khí mãnh liệt của mình khi dõng dạc, đanh thép tuyên bố: “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển đông, đánh đuổi quân Ngô, giành lại giang san, chứ không chịu quỳ gối khom lưng làm tì thiếp cho người”, ông liên hệ thêm.

Ông Chiến cũng nhắc nhớ đến nhiều người phụ nữ nổi tiếng khác trong lịch sử. Đó là bà Dương Vân Nga, nhân vật được xem là “người đàn bà đặc biệt” trong lịch sử dân tộc, hoàng hậu của hai vua (Đinh Tiên Hoàng, Lê Hoàn), người được ví là “nhịp cầu nối” hai triều đại Đinh-Lê. Đó là bà Trần Thị Dung, vợ của Thái Sư Trần Thủ Độ, người không chỉ tham gia nhiều công việc triều chính thời Trần mà còn người được biết là một nữ tướng ở hậu phương, khi Đại Việt tiến hành kháng chiến chống quân Nguyên Mông xâm lược đã trực tiếp lo việc hậu cần, lương thực để vua tôi nhà Trần đánh thắng giặc...

Từ đó ông Chiến nhìn nhận cả trong lịch sử và trong hiện tại, phụ nữ Việt Nam đã có vai trò và những thành tựu hết sức ấn tượng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định- người đồng thời đang là Trưởng Ban “Vì sự tiến bộ phụ nữ” tỉnh- cũng cho rằng: Hiện nay Đảng, Nhà nước đã và đang có nhiều chủ trương, chính sách thể hiện sự quan tâm, tạo điều kiện để phụ nữ phát triển về mọi mặt, không chỉ thể hiện vai trò trong gia đình mà còn có thể đóng góp nhiều hơn nữa cho xã hội. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, mục tiêu này vẫn chưa được như mong muốn. Có một thực tế tỷ lệ phụ nữ tham chính đã đang ngày càng cao nhưng vẫn chưa nhiều, vẫn còn gặp nhiều khó khăn, rào cản.

Theo ông, hiện nay trong xã hội Việt Nam đang tồn tại một số quan niệm, việc làm như một sự mặc định, không dễ thay đổi: “Khi tôi đi công tác ở nước ngoài thì vợ tôi đương nhiên đi theo để phục vụ. Nhưng khi vợ tôi đi công tác nước ngoài thì nghiễm nhiên tôi không đi theo. Phụ nữ chắc chắn chia sẻ với chồng nhưng chồng chưa chắc đã chia sẻ với vợ”.

Đó là chưa kể, ông nói thêm: “Nhiều đàn ông bây giờ còn có quan niệm và thực hiện phương châm khi lấy vợ phải chọn người “thấp hơn mình một cái đầu”. Rồi câu cằn nhằn phụ nữ, nhất là những phụ nữ tham gia công tác xã hội thường gặp từ chồng hoặc những người thân khác trong gia đình là: “Đi đâu mà đi lắm thế!”

“Tôi có theo dõi trên mạng, thấy phụ nữ Việt, nhất là những chị em thành đạt hay so sánh đàn ông Việt với đàn ông Tây, nói chung là chê đàn ông Việt rất nhiều. Nhiều cái chê tôi thấy cũng rất xác đáng. Nào là đàn ông Việt chúng tôi gia trưởng, hay bắt nạt vợ, ít chia sẻ việc nhà, mắc nhiều tật xấu như rượu chè, cờ bạc…”.

“Không phải nịnh các chị nhưng tôi thừa nhận trên bình diện chung đàn ông Việt chúng tôi vẫn chưa đổi mới; chưa đủ tài, chưa đủ hào sảng để các chị hãnh diện một cách chân thực”, ông Chiến “nhún nhường” trước những phụ nữ được cho là thành đạt ở địa phương.

Ông nêu dẫn chứng: “Mới đây chúng tôi tổ chức họp lớp. Khi ăn xong thì cánh đàn ông lên bàn ngồi uống nước, tán gẫu còn các chị em thì cứ “yên tâm” đi dọn dẹp. Một chị bạn trong lớp đã ghi lại toàn bộ cảnh đó để làm bằng chứng về sự bất bình đẳng giới và dọa sẽ tung lên mạng”.

Từ cả những thuận lợi và những “trở lực” trên, Trưởng Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh Nam Định cho rằng tầm ảnh hưởng của mình đến đâu, đóng góp như thế nào bây giờ quan trọng là do chính phụ nữ quyết định. “Về nấu cơm cho chồng, lo việc gia đình hay chấp nhận dấn thân để có thể đóng góp cả cho xã hội là do chị em quyết định. Tôi rất ngưỡng mộ, trân trọng những phụ nữ đã vượt qua khó khăn, tích cực tham gia công tác xã hội dù các chị phải chấp nhận ít nhiều sự thiệt thòi ở một số mặt”.

Tuy nhiên, vị Phó Chủ tịch kiêm Trưởng ban cũng “lưu ý” là nhiều chị em bây giờ rất “nhẹ dạ”. Nhẹ dạ, theo ông Bạch Ngọc Chiến là: “Chỉ cần được các anh tặng cho một cái túi thôi là nhiều chị đã sung sướng, thỏa mãn; đổi lại sẵn sàng cúc cung tân tụy phục vụ các anh”.

“Tôi không biết khi về hưu các chị có nghĩ mình đã từng đeo túi xách hiệu gì, đã ăn sasami hay cơm rang hay không? Nhưng phải nghĩ mình đã làm được gì? Nếu như mình chưa làm được gì to lớn cho nước, cho tỉnh, cho huyện, cho xã thì cũng phải thể hiện rõ vai trò trong gia đình”, ông Chiến nhắn nhủ phụ nữ địa phương.

Liên hệ với thực tế, ông Chiến cho hay tỉnh Nam Định chuẩn bị triển khai đề án “Sách hóa nông thôn” nhằm nâng cao, khai trí ở khu vực nông thôn, hướng tới mục tiêu tạo ra một thế hệ mới có đầy đủ tri thức để phát triển, hội nhập. Theo ông Chiến, để đề án được triển khai hiệu quả, các cấp hội Phụ nữ ở địa phương có vai trò rất quan trọng. “Chúng tôi mong nhận được sự ủng hộ, chung tay của các chị,nhất là trong việc tuyên truyền, vận động, gương mẫu thực hiện trước”, ông Bạch Ngọc Chiến “đặt hàng” Hội phụ nữ Nam Định.

Dịp này, Phụ nữ Nam Định thể hiện sự quyến rũ, duyên dáng, sâu lắng khi biểu diễn những làn điệu chèo truyền thống

Trần Duy Hưng