EU giải quyết khủng hoảng di cư ra sao?
Giới lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ và Liên minh châu Âu (EU) đã nhóm họp ở Brussels, Bỉ hôm 7/3 để tham dự một cuộc họp khẩn cấp liên quan tới cuộc khủng hoảng di cư đang hoành hành ở châu Âu. Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh chính quyền Ankara đang bị EU cáo buộc là chưa nỗ lực đủ để kiềm chế dòng người di cư.
Người di cư xếp hàng lấy bánh mỳ phân phát tại cửa khẩu Idomeni (Nguồn: EPA).
Cuộc họp bắt đầu trong hôm 7/3 dự kiến nhằm ngăn chặn dòng người di cư đổ đến châu Âu và vạch ra kế hoạch đóng cửa tuyến đường di chuyển của họ thông qua các nước Balkan ở phía Bắc. EU cũng thúc giục Thổ Nhĩ Kỳ tiếp nhận trở lại những người nhập cư diện kinh tế và cam kết chi cho Ankara khoản viện trợ 3,3 tỷ USD.
Năm ngoái, hơn 1 triệu người di cư đã đổ tới các nước thành viên EU trên các tàu biển một cách bất hợp pháp, chủ yếu là qua lại giữa bờ biển hai nước Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoài ra còn có khoảng 13.000 người di cư hiện đang bị mắc kẹt ở biên giới của Hy Lạp với Macedonia.
Các nước thành viên EU đến nay vẫn chia rẽ sâu sắc về việc vạch ra các biện pháp ứng phó khủng hoảng, bất chấp một số nước như Đức và Thụy Điển - các nước tiếp nhận nhiều người di cư nhất - đang trong tình trạng hết sức ngặt nghèo. Các đảng phái có lập trường phản đối tiếp nhận người nhập cư, trong khi đó, đã giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử tổ chức cuối tuần qua ở Slovakia.
EU sẽ sát cánh cùng Hy Lạp
Trước vòng họp có ý nghĩa cực kỳ quan trọng lần này, cuối tuần trước, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đã có cuộc gặp với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu ở Brussels để chuẩn bị cho hội nghị. Hội nghị sẽ được chia làm 2 phần - phiên thứ nhất bắt đầu từ chiều tối ngày 7/3 trong đó gồm sự tham gia của Thổ Nhĩ Kỳ và trong phiên thứ hai, Thủ tướng Anh David Cameron sẽ cùng các lãnh đạo EU tìm biện pháp giải quyết khủng hoảng.
EU dự kiến sẽ yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ tiếp nhận lại hàng nghìn người nhập cư, những người không đủ điều kiện để xin diện tị nạn ở châu Âu. Ngược lại, EU sẽ thảo luận các kế hoạch ổn định của sống ở châu Âu cho một số người tị nạn hiện đang ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Hồi tuần trước, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cho hay, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã nói với ông rằng, Ankara đã sẵn sàng tiếp nhận lại tất cả những người di cư từng bị giữ ở bờ biển nước họ.
Hãng tin BBC của Anh còn cho hay, một bản dự thảo đề xuất còn nói rằng EU có thể sắp đóng cửa tuyến đường di chuyển của người di cư ở khu vực phía Tây Balkan. Dự thảo cũng đưa ra cam kết rằng EU sẽ “sát cánh cùng Hy Lạp trong khoảnh khắc khó khăn này và sẽ nỗ lực hết sức để kiểm soát tình hình”. Trước đó, nhiều quốc gia từng bỏ ngỏ khả năng “đá” Hy Lạp ra khỏi khu vực tự do đi lại Schengen.
EU hồi tháng 10 năm ngoái từng tuyên bố rằng họ sẽ tổ chức di chuyển 160.000 người tìm kiếm diện tị nạn, chủ yếu từ Hy Lạp và Italy. Tuy nhiên, kế hoạch trên đã vấp phải phản ứng mạnh mẽ từ một số quốc gia thành viên, và do vậy mà mới chỉ có khoảng 700 người trong số trên đã được di chuyển.
Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, EU có thể sẽ phải từ bỏ cơ chế hiện tại, trong đó yêu cầu người tìm kiếm tị nạn ở lại quốc gia đầu tiên mà họ đến; thay vào đó thông qua cơ chế tập trung trong việc tiếp nhận đơn xin tị nạn.
“Chúng tôi chỉ biết ngủ”
Hiện có trên 2.000 người nhập cư vẫn đang hàng ngày di chuyển từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Hy Lạp. Trong khi, Macedonia, quốc gia đang mong muốn trở thành thành viên Eu, thì lại thiết lập hàng rào dây thép gai và đài quan sát dọc biên giới để ngăn chặn người di cư đến nước mình. Hàng loạt các túp lều dựng dọc theo cửa khẩu Idomeni của nước này hiện đang trở thành tầm điểm của cuộc khủng hoảng trong những ngày gần đây.
Hôm Chủ nhật tuần trước, một số báo cáo từ khu vực này cho thấy Macedonia đã ngừng tiếp nhận tất cả những người di cư đến từ các khu vực mà họ không công nhận là vùng chiến sự ở Iraq và Syria. Sự việc khiến nhiều người di cư đang mắc kẹt ở Idomeni sống trong tình trạng hết sức khó khăn, sống chủ yếu nhờ thực phẩm mà các tình nguyện viên đi phân phát.
“Chúng tôi đã ở đây được 5 hay 6 ngày gì đó, ai mà nhớ được ngày tháng nữa?” - AP dẫn lời Narjes al Shalaby, người di cư đến từ Syria, nói - “Mọi thứ mà chúng tôi có thể làm ở đây là đi ngủ, rồi lại thức dậy. Chúng tôi phải xếp hàng 2 giờ liền mới có được chút bánh mỳ”.
Khánh Duy