Thị trường bất động sản: Mới hồi phục, có nên siết tín dụng?
Dự thảo sửa đổi Thông tư 36 của Ngân hàng Nhà nước về siết tín dụng cho vay đối với bất động sản đang nhận được nhiều ý kiến. Nhiều chuyên gia ngành địa ốc bày tỏ sự đồng thuận song không ít ý kiến lo ngại, bất động sản vừa mới hồi phục, nếu làm mạnh tay, khóa van tín dụng, nguy cơ thị trường trầm lắng trở lại sẽ khó tránh.
Ảnh minh họa.
Nguy cơ bất ổn cho cả nền kinh tế
Dự thảo sửa đổi Thông tư 36 của NHNN dự kiến sẽ giảm mạnh trần sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn, dài hạn từ 60% hiện nay xuống còn 40% và nâng cao hệ số rủi ro của các khoản phải đòi về bất động sản từ 150% lên 250%. Dự thảo này ngay lập tức nhận được sự phản hồi của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) với kiến nghị rằng, chưa nên sửa đổi Thông tư 36.
Cụ thể, theo phân tích của VNREA, thị trường bất động sản chỉ mới phục hồi, chỉ có một số dự án bất động sản tốt có thanh khoản cao, còn hầu hết nhiều dự án vẫn khó khăn. “Nếu điều chỉnh thông tư 36 sẽ có tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản Việt Nam, ảnh hưởng xấu đến nhiều thị trường khác có liên quan. Như vậy, cả nền kinh tế sẽ bị tác động xấu” – VNREA nhấn mạnh.
Đồng quan điểm với VNREA, ông Nguyễn Chí Thanh - Giám đốc Công ty CP Thanh Bình Hà Nội cũng cho rằng, nhà quản lý chưa nên siết tín dụng đối với thị trường bất động sản ở thời điểm này, vì thị trường bất động sản vừa mới hồi phục. Nhiều nhà đầu tư vừa mới hồi sinh và bắt đầu kế hoạch đầu tư thì NHNN lại siết tín dụng như vậy sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của các DN.
Thị trường bất động sản là lĩnh vực chính tác động đến rất nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội khác, nếu siết tín dụng mà không phân loại dự án, đánh đồng cả dự án hiệu quả với dự án không hiệu quả, vô hình chung đẩy các chủ đầu tư vào tình thế khó. Từ đó gây ra những bất ổn cho thị trường bất động sản vừa mới có dấu hiệu phục hồi và có nguy cơ gây phản ứng dây chuyền, ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực kinh tế khác.
“Ở Mỹ, nhà quản lý luôn coi bất động sản là một trong những lĩnh vực được ưu tiên hỗ trợ, vì chúng ta đã biết, lĩnh vực này ổn định thì nền kinh tế mới ổn định. Do đó, nếu có siết thì NHNN cũng chưa nên chọn thời điểm này, và cần phải phân loại dự án, tránh việc siết cả dự án tốt và dự án không tốt, gây ra cú sốc cho thị trường, và nguy cơ thị trường trầm lắng, đóng băng trở lại rất có thể xảy ra” – ông Thanh nhận định.
Nhiều DN ngành bất động sản cũng bày tỏ ý kiến rằng, không nên thắt chặt tín dụng cho bất động sản khi thị trường này vừa manh nha hồi phục, đang đi đúng định hướng phát triển. “Thị trường vừa trải qua cuộc khủng hoảng, đang được phục hồi trở lại nhờ chính sách tốt của Nhà nước về tín dụng, cùng với các chính sách khác. Thị trường phục hồi phục chưa thực sự bền vững và sẽ bị tổn thương nếu chính sách này được thực thi sớm” – lãnh đạo một DN bất động sản chia sẻ.
Nên phòng bệnh hơn chữa bệnh
Tuy nhiên, theo chuyên gia ngành tài chính – ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, mặc dù thừa nhận việc siết tín dụng với ngành bất động sản chắc chắn sẽ tác động đến thị trường này, song TS.Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, tác động tích cực sẽ nhiều hơn tiêu cực.
TS. Hiếu không đồng tình với quan điểm, việc sửa đổi Thông tư 36 của NHNN sẽ gây ra những ảnh hưởng xấu, tạo sự bất ổn cho thị trường bất động sản kéo theo những hệ lụy khác cho cả nền kinh tế.
Theo ông, thời gian qua, thị trường bất động sản đã hồi phục nhanh chóng, nhưng ngày càng có dấu hiệu đầu tư đổ dồn vào phân khúc cao cấp. Điều này, lại đẩy thị trường đến nguy cơ cung vượt cầu, và rất có khả năng bong bóng bất động sản lại tái diễn như hồi năm 2008 – 2009. Bởi vậy, theo TS Nguyễn Trí Hiếu, thời điểm này không phải quá vội vã khi thực hiện siết tín dụng bất động sản.
“Nhiều ý kiến cho là khi dòng chảy tín dụng vào bất động sản bị khóa lại, sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường cũng như gây ra những bất ổn cho nền kinh tế, song tôi lại cho rằng, sẽ tốt cho thị trường hơn. Thứ nhất, giảm nguy cơ bong bóng quay trở lại, thứ hai, đây là lúc các nhà đầu tư cần phải đánh giá lại các dự án của mình và họ sẽ chỉ tập trung đổ vốn vào những dự án có tính khả thi cao. Tốt nhất chúng ta nên phòng bệnh hơn chữa bệnh” – ông Hiếu nhận định.