Để nạn nhân chất độc da cam được hưởng chính sách
Để phần nào làm dịu nỗi đau và cải thiện đời sống cho những nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam (CĐDC), những năm qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ đối với các đối tượng này. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, còn không ít vướng mắc, phát sinh, tồn đọng hồ sơ khiến nhiều nạn nhân CĐDC đã qua đời trước khi được hưởng chế độ ưu đãi.
Hàng nghìn nạn nhân CĐDC chưa được hưởng chinh sách (Ảnh: Mạnh Hoàng).
Theo số liệu công bố, cả nước có khoảng 4,8 triệu người bị phơi nhiễm và 3 triệu người là nạn nhân. Trong đó vẫn còn rất nhiều tỉnh có số lượng người nhiễm da cam khá cao, điển hình như tỉnh Thái Bình có hơn 30.000 người, Hà Nội trên 54.000 người, Thanh Hóa hơn 23.000 người, Quảng Trị hơn 20.000 người. Đây là những tỉnh có số người nhiễm chất độc da cam nhiều nhất và có gia đình có tới 3 thế hệ gồm: bố, con và cháu đều bị nhiễm. Thậm chí có gia đình có tới 4 thế hệ cùng nhiễm, cuộc sống hàng ngày đang chịu nhiều khó khăn và túng thiếu về vật chất lẫn tinh thần.
Nói tới những khó khăn, bất cập trong triển khai chính sách cho nạn nhân CĐDC, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin Việt Nam cho biết, văn bản hướng dẫn giải quyết chế độ, chính sách cho nạn nhân CĐDC đã ban hành nhưng vẫn còn vướng mắc trong khâu lập hồ sơ vì chưa có tiêu chí dị dạng, dị tật hay đòi hỏi phải có bản tóm tắt bệnh án của con đẻ người hoạt động kháng chiến nhiễm CĐDC.
Bên cạnh đó, việc yêu cầu chứng minh thời gian và địa bàn tham gia kháng chiến ở vùng bị phun rải chất độc hóa học đã và đang gây ra nhiều phiền nhiễu, tốn kém thời gian, tiền của, công sức của đối tượng và gia đình bị ảnh hưởng từ CĐDC.
Kết quả cuộc Tổng rà soát chính sách cho người có công với cách mạng trong hai năm 2014- 2015 do UBTƯ MTTQ Việt Nam phối hợp với Bộ LĐTB&XH thực hiện cho thấy, hiện cả nước vẫn còn lại hàng trăm ngàn người là nạn nhân CĐDC chưa được hưởng chính sách của Nhà nước vì đang gặp khó khăn về thủ tục xét duyệt, đặc biệt là những người ở vùng sâu, xa thiếu thông tin chưa tiếp cận được chính sách.
Đáng chú ý, đa phần những người chưa được hưởng là những người nghèo, người già yếu nên không có tiền chi phí cho việc đi làm các thủ tục. Từ kết quả cuộc rà soát này các địa phương đều đề xuất Nhà nước cần phải có chính sách thông thoáng hơn, đơn giản hơn để những nạn nhân da cam sớm được hưởng những quyền lợi cần có.
Thực tế phản ánh từ các địa phương cũng cho thấy, một trong bất cập lớn nhất hiện nay là khâu chứng nhận y khoa cho đối tượng bị phơi nhiễm, trong đó sự thiếu thống nhất giữa các văn bản hướng dẫn đã khiến nạn nhân CĐDC gặp lúng túng trong quá trình làm hồ sơ.
Sự thiếu thống nhất trong văn bản hướng dẫn đã dẫn đến tình trạng có những gia đình con được hưởng chế độ nhưng bố không được hưởng, hoặc bố được hưởng nhưng con dị tật chưa được hưởng.
Có trường hợp bệnh viện xác nhận bị mắc một trong các bệnh có trong danh mục bệnh tật Bộ Y tế quy định nhưng Hội đồng giám định y khoa không xác nhận bệnh tật. Hay có những trường hợp mắc các bệnh hiểm nghèo, thậm chí bị ung thư nhưng lại không nằm trong danh mục 17 loại bệnh liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học theo quy định nên không được hưởng chế độ.
“Sớm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc chính là trách nhiệm, nghĩa vụ để phát huy tối đa ý nghĩa nhân văn của chính sách ưu đãi, thể hiện đạo lý đền ơn, đáp nghĩa của dân tộc” – Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh kiến nghị.