Thổ Nhĩ Kỳ 'vòi tiền' EU để giải quyết khủng hoảng?
Dù còn tồn tại nhiều bất đồng, nhưng giới lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) trong ngày 8/3 đã hoàn nghênh một “bước đột phá” trong các vòng đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ liên quan tới việc giải quyết khủng hoảng di cư. Tuy nhiên, quyết định quan trọng lại bị các bên trì hoãn cho tới một cuộc họp thượng đỉnh khác tổ chức vào tuần tới.
Khoảng 13.000 người di cư đang bị mắc kẹt
tại biên giới Hy Lạp-Macedonia. (Nguồn: Getty).
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu đã khiến cho 28 lãnh đạo cấp cao của EU phải choáng váng khi ông bất ngờ đề nghị khối này phải chi thêm một khoản tiền hỗ trợ 3 tỷ euro nữa và cho phép công dân nước này được di chuyển tự do trong khối bắt đầu từ tháng 6 tới.
Đổi lại, ông Davutoglu đề xuất sẽ tiếp nhận lại tất cả những người nhập cư từng đặt chân đến các hòn đảo của Hy Lạp, và một thỏa thuận khác mà trong đó EU sẽ phải tổ chức tái định cư cho một người thuộc trại tị nạn của Thổ Nhĩ Kỳ mỗi lần mà Thổ Nhĩ Kỳ tiếp nhận một người Syria từ Hy Lạp.
Sau khi giới lãnh đạo EU “hoan nghênh” các đề xuất của Thổ Nhĩ Kỳ, Chủ tịch EU Donald Tusk nói rằng ông sẽ làm việc về các vấn đề pháp lý để đạt được thỏa thuận cuối cùng trong hội nghị thượng đỉnh tổ chức trong hai ngày 17 và 18/3 tới ở Brussels.
“Bước đột phá”
Thổ Nhĩ Kỳ hiện là điểm tiếp nhận chính của hơn một triệu người dân nhập cư, những người đã có hành trình vượt biển nguy hiểm để đến các hòn đảo của Hy Lạp kể từ đầu năm 2015 đến nay. Hiện nay Thổ Nhĩ Kỳ đã tiếp nhận khoảng 2,7 triệu người di cư đến từ nước láng giềng Syria.
Thế nhưng, Ankara lại thể hiện mình là một đối tác luôn gây khó chịu cho người khác, khi đã thất bại trong việc giảm tải gánh nặng khủng hoảng di cư cho EU dù đã nhận từ khối này khoản tiền 3 tỷ euro từ tháng 11 năm ngoái, trong khi liên tục thúc đẩy EU để chấp nhận tư cách thành viên của mình.
Nhưng trong cuộc họp tổ chức hôm đầu tuần, ông Davutoglu đã khiến giới lãnh đạo EU bất ngờ khi đưa ra đề nghị sẽ tiếp nhận tất cả những người nhập cư trái phép ở Hy Lạp, một bước đi có thể giúp chính quyền Athen giảm nhẹ gắng nặng do quá tải. Ông Davutoglu nói rằng kế hoạch hoán đổi người tị nạn này là bước đi “thay đổi cục diện”, và bác bỏ việc Ankara đang “vòi tiền” EU.
Phía EU lập tức cũng xác nhận rằng kế hoạch này thực sự là bước đột phá, bởi việc tiếp nhận những người nhập cư trái phép đã làm dấy lên nhiều câu hỏi liên quan tới việc phá vỡ các điều luật quốc tế. EU cũng cho hay họ đã chuẩn bị sẵn 70.000 chỗ ở để tái định cư cho người tị nạn Syria đến từ các trại tị nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Đối với Thổ Nhĩ Kỳ, họ đã giành chiến thắng trong một “canh bạc lớn” sau khi đạt thỏa thuận với EU trong việc cho phép công dân nước họ được phép đi lại mà không cần visa trong khối các nước thuộc Hiệp ước Schengen của EU. An kara tiếp tục vạch ra thêm 5 chương mới trong tiến trình gia nhập EU mà từ lâu đã có ý định, trong khi đến nay mới chỉ hoàn thành được 1 trên tổng số 30 chương.
Châu Âu chia rẽ
Giới phân tích cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ đang tìm cách “vòi tiền” EU, trong khi đảm bảo một thỏa thuận trong tuần tới cũng khó đạt được trong bối cảnh EU chia rẽ sâu sắc về vấn đề khủng hoảng di cư. Những quốc gia có quan điểm phản đối người di cư như Hungary hoàn toàn có thể bỏ phiếu chống lại thỏa thuận này bất cứ lúc nào.
Bên cạnh đó, Thổ Nhĩ Kỳ tỏ ra là một đối tác “khó lường”, đặc biệt là mới đây Tổng thống nước này Recep Tayyip Erdogan từng đe dọa sẽ “nhấn chìm” EU bằng dòng người nhập cư vì EU chậm trễ trong việc giải ngân quỹ hỗ trợ trị giá 3 tye euro như đã cam kết cho họ.
Và trong khi EU đang coi Thổ Nhĩ Kỳ như một cột trụ chính trong chính sách di cư của mình, thì họ vẫn phải đối mặt với hàng loạt thách thức khác.
Một vết rạn nứt lớn khác cảu EU lại xuất hiện trong những tuần gần đây liên quan tới tuyến đường di chuyển của người di cư thông qua phía Tây khu vực Balkan để đến Đức. Các biện pháp kiểm soát biên giới mà Áo đề ra dường như đã tạo nên hiệu ứng domino, lây lan sang nhiều nước thành viên khác của EU.