Xử phạt người đi bộ: Chưa nghiêm, chưa sợ
Sau hơn 1 tháng ra quân kiểm tra, xử phạt người đi bộ vi phạm Luật Giao thông đường bộ, tình hình vi phạm chưa giảm nhiệt. Người tham gia giao thông vẫn mặc sức qua đường bất cứ đâu bất cứ chỗ nào. Trong khi đó, Phòng CSGT CATP Hà Nội mới chỉ xử phạt 672 trường hợp. Con số ít ỏi ấy có lẽ khiến người vi phạm chưa sợ.
Người đi bộ vẫn mặc sức qua đường.
Theo quan sát của phóng viên, tình trạng người đi bộ vi phạm Luật Giao thông đường bộ vẫn diễn ra phổ biến, trên bất cứ mọi tuyến đường. Người đi bộ mặc sức qua đường, kể cả khi tuyến đường đang lưu thông dày đặc phương tiện. Thậm chí, người dân còn băng qua đường ngay bên cạnh nơi xây dựng cầu dành riêng cho người đi bộ.
Tại trước cửa bệnh viện Bạch Mai, Nguyễn Chí Thanh, Giảng Võ… Phía trên cầu vượt người lác đác đi lại, phía dưới lòng đường, người dân nườm nượp băng ngang, bất chấp lưu lượng phương tiện xe cơ giới đông đúc.
Thiếu tá Nguyễn Đức Huấn - đội phó Đội CSGT số 4 cho biết, người dân băng qua đường khá tự do mà không đi đúng phần đường quy định dành riêng cho người đi bộ. Người lớn như vậy, trẻ em cũng theo gương. Nhiều lúc túm năm tụm ba bang qua đường ngay trong giờ tan tầm rất nguy hiểm. Ở đây là ý thức là tiên quyết. Người dân đang đùa với sinh mạng của mình. Lực lượng CSGT xử phạt nhưng không xuể. Tình hình người đi bộ vi phạm diễn ra thường xuyên và phổ biến.
Theo báo cáo của Phòng CSGT CATP Hà Nội sau hơn 1 tháng ra quân xử phạt người đi bộ vi phạm Luật thông đường bộ, các đội CSGT đã xử phạt 672 trường hợp người đi bộ vi phạm. Theo đó, việc xử lý người đi bộ vi phạm tập trung chủ yếu trên các nút giao thông trọng điểm có đèn tín hiệu giao thông, một số tuyến đường nội đô, một số điểm giao cắt có cầu vượt.
Tuy nhiên, lãnh đạo Phòng CSGT cho biết, con số ít ỏi trên chưa phản ánh đúng thực chất. Ở đây, do tháng ra quân chủ yếu là nhắc nhở người vi phạm nên số lượng xử phạt cũng hạn chế.
“Trong thời gian tới, lực lượng CSGT sẽ tăng cường xử phạt người vi phạm, để có tính răn đe. Đối với học sinh, sinh viên, ngoài việc yêu cầu bố mẹ nộp phạt cho con cái, CSGT sẽ gửi thông báo tới trường học để thày cô được biết và nhắc nhở. Đi bộ dưới lòng đường cũng là nhóm đối tượng có tỷ lệ gây tai nạn giao thông cao hiện nay”- Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng CSGT CATP Hà Nội cho biết.
Đại tá Thắng nhấn mạnh, để kiềm siết “nạn” người đi bộ vi phạm luật, giải pháp hiệu quả nhất vẫn là tuyên truyền vào hệ thống khu dân cư trên loa phát thanh của từng phường. Kết hợp với tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là mạng xã hội để giúp người dân nhận thức được tác dụng của việc thực hiện đúng luật và tác hại của việc vi phạm. Từ đó mới xây dựng ý thức cho người dân.