Ngành công nghiệp mũi nhọn: Thách thức mới
“Tham gia vào TPP và các Hiệp định thương mại song phương và đa phương thế hệ mới, các sản phẩm công nghiệp xuất khẩu mũi nhọn của Việt Nam sẽ phải đối diện với nhiều thách thức khi gặp phải hàng rào phi thuế quan, yêu cầu về chất lượng sản phẩm ngày càng khắt khe hơn” - Lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) khuyến cáo.
Yêu cầu chất lượng khắt khe hơn
Đánh giá về những cơ hội mà các lĩnh vực công nghiệp của Việt Nam có thể chớp lấy khi tham gia vào TPP và các Hiệp định thương mại tự do, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho rằng, mở rộng thị trường và hợp tác quốc tế là cơ hội để các DN trong ngành công nghiệp Việt Nam có thể tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, từ đó, các sản phẩm công nghiệp có thể sản xuất và xuất khẩu sẽ trở nên đa dạng hơn cả về chủng loại và chất lượng.
Theo dự báo của Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công thương, TPP giúp kim ngạch xuất khẩu những ngành công nghiệp mũi nhọn của Việt Nam như may mặc và giày dép đạt 16,5 tỷ USD trước năm 2025. Việt Nam tham gia TPP, xuất khẩu và GDP có thể tăng thêm tương ứng 68 tỷ USD và 36 tỷ USD, hay 28,4% và 10,5% vào năm 2025 so với kịch bản nếu không tham gia TPP. Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, với 55% thị phần toàn ngành dệt may. Khi TPP có hiệu lực, mức thuế suất hàng dệt may từ Việt Nam sang thị trường này có thể giảm xuống gần bằng 0%, thay vì 17% như hiện nay.
Đặc biệt, đối với ngành dệt may, với quy mô xuất khẩu đủ lớn, Việt Nam sẽ có điều kiện thu hút đầu tư vào lĩnh vực dệt, nhuộm và sản xuất nguyên phụ liệu. Trên thực tế, đã xuất hiện các dự án đầu tư lớn và rất lớn để đón đầu TPP. “Đây là mặt tích cực giúp Việt Nam tăng giá trị gia tăng nội địa cho hàng may xuất khẩu và giúp ngành may phát triển bền vững trước các đối thủ cạnh tranh tiềm tàng” – Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công thương đánh giá.
“Tuy nhiên, với phạm vi rộng và mức độ cam kết sâu, đồng nghĩa với việc cắt giảm lộ trình thuế quan nhưng hàng rào phi thuế quan sẽ trở nên phổ biến hơn, yêu cầu về chất lượng sản phẩm cũng khắt khe hơn, theo đó, sản phẩm của Việt Nam sẽ phải chịu sự cạnh tranh khốc liệt với các sản phẩm sản xuất của các nước có lợi thế cạnh tranh vượt trội với Việt Nam cũng như cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu giả rẻ ồ ạt vào thị trường Việt Nam do được hưởng lợi từ lộ trình cắt giảm thuế quan” – ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh về những thách thức mà các ngành công nghiệp xuất khẩu mũi nhọn của Việt Nam sẽ phải đối diện.
Nâng cao năng lực cạnh tranh
Thách thức lớn nhất chính là các DN Việt Nam chưa thể chủ động về vốn, kỹ thuật, công nghệ, nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất xuất khẩu. Thực tế này đẩy các DN Việt rơi vào tình thế không tự chủ được về nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất, xuất khẩu đem lại những khó khăn khi xét các tiêu chí xuất xứ phải đáp ứng để được hưởng lợi từ các FTA. Ví dụ quy tắc xuất xứ “hai công đoạn” của Nhật, EU, hoặc quy tắc xuất xứ “từ sợi trở đi” của Hoa Kỳ đối với ngành dệt may đang là trở ngại cho ngành trong việc hưởng lợi, nâng cao sức cạnh tranh khi mà ngành dệt may chưa sản xuất được vải nguyên liệu và đang phải nhập khẩu đến 70% từ nước ngoài, trong đó trên 50% lại nhập khẩu từ Trung Quốc – quốc gia không tham gia ký kết TPP hay FTA với EU và Nhật Bản.
Theo ông Hải, thời gian vừa qua, với mục tiêu giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hóa, đồng thời thực hiện cam kết trong ASEAN, Bộ Công thương đã cho triển khai thí điểm tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN và sẽ triển khai rộng rãi hoạt động này để tăng cường tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xuất khẩu sang các thị trường Việt Nam đã tham gia ký kết các Hiệp định thương mại tự do.
Về phía các DN, giới chuyên gia kinh tế cho rằng, thời gian qua, các DN cần chủ động tìm hiểu các thông tin liên quan về hiệp định thông qua việc tích cực tham gia hơn nữa vào quá trình tham vấn với Đoàn đàm phán thông qua Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các nhà đàm phán, các học giả để có thể nắm bắt thông tin về Hiệp định, về các cam kết cụ thể trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh của mình, từ đó có những biện pháp tận dụng các cơ hội do Hiệp định TPP mang lại. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng cần tận dụng cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài nhằm tranh thủ lợi thế về vốn, nhân lực và kỹ thuật của các đối tác.
Còn trong dài hạn, DN Việt cần bám sát lộ trình và các quy định về mở cửa thị trường của Hiệp định TPP nhằm xây dựng kế hoạch đầu tư, sản xuất hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh của mình, tận dụng được cơ hội tham gia chuỗi cung ứng trong khu vực.