CLB Hà Nội chuyển vào Nam: Mất thấy rõ, được cực khó
Với các nền bóng đá tiên tiến, việc thay tên đổi họ, chuyển địa bàn hoạt động của một đội bóng tưởng như câu chuyện đùa nhưng nó lại là hiện tượng không hiếm ở V-League, mà mới nhất là CLB Hà Nội. Lúc này, CLB Hà Nội đang gây rất nhiều sự chú ý khi họ sẽ “chuyển hộ khẩu” vào TP HCM và đổi luôn tên thành Câu lạc bộ Sài Gòn. Nhiều người đang rất nghi ngại và cho rằng CLB Hà Nội sẽ mất nhiều hơn được trong chuyến Nam du này.
Thầy trò Đức Thắng sẽ chỉ còn 1 trận đấu mang danh CLB Hà Nội.
Người Sài Gòn sẽ không mấy hào hứng với đội bóng mới. Với họ, đội bóng của họ phải đi lên từ hạng Nhì, hạng Nhất rồi lên chuyên nghiệp thì mới đón nhận như một đứa con của họ và để dành hết tình yêu thương. Một đội bóng phải được nuôi bằng tiền và hơi thở của người Sài Gòn thì người ta mới đón nhận. Chứ lại mang một đội bóng từ nơi khác rồi đổi tên như đã từng xảy ra khó để họ chấp nhận. |
Việc chính thức “Nam tiến” đã được chủ tịch CLB Hà Nội Nguyễn Giang Đông của CLB Hà Nội xác nhận “Công ty phát triển bóng đá Hà Nội là công ty cổ phần và các đơn vị trong TP HCM nắm cổ phần rất lớn. Đây là lý do họ đề nghị đưa CLB Hà Nội chuyển vào phía Nam và thi đấu phục vụ người hâm mộ ở TP HCM. Hội đồng quản trị đã quyết định và ngay sau khi hoàn tất thủ tục, CLB Hà Nội sẽ đổi tên thành CLB Bóng đá Sài Gòn và Nam tiến”.
Cùng với đó, ông Đông cũng tỏ ra áy náy với quyết định của BLĐ đội bóng. Thông qua giới truyền thông, vị chủ tịch này hi vọng NHM thông cảm bởi có rất nhiều yếu tố khách quan và chủ quan nên CLB Hà Nội mới đưa ra quyết định khó khăn trên.
Nhiều chuyên gia bóng đá khi nhìn nhận câu chuyện này đã phải thốt lên đầy ngao ngán “chuyện một đội bóng đá tới 4 vòng rồi mới chuyển vào địa phương khác, mang cái tên khác thì chắc chắn chưa có tiền lệ, chắc chỉ Việt Nam mới có”.
Việc CLB Hà Nội “Nam tiến” thành bại lúc này chẳng ai dám nói trước nhưng khó khăn sẽ nhiều hơn bất cứ thời điểm nào.
Đất Sài thành là mảnh đất vốn được nhìn nhận là điểm đến của nhiều người bởi tình thương và sự bao dung. Đấy là nơi người dân thập phương đổ về, sinh sống hòa hợp cùng nhau. Nhưng điều đó không có nghĩa miền đất hoa lệ này sẽ dễ dãi đến tùy tiện để chấp nhận mọi thứ. Đã lâu rồi người Sài Gòn không còn được đến sân Thống Nhất xem V-League.
Nhiều người yêu bóng đá nơi đây dù là người dân hay doanh nhân, nghệ sỹ có tiếng và cựu danh thủ… đã nhiều lần bày tỏ nỗi buồn khi không có một đội bóng để yêu và cổ vũ ngay ở nơi họ đang sống.
Nhưng việc một CLB ở nơi khác đến lấy thương hiệu Sài Gòn chắc chắn sẽ không còn được đón nhận nồng nhiệt nơi NHM đất Sài thành. Đã có 2 đội bóng “nhập khẩu” vào TP HCM trước CLB Hà Nội và đều có chữ Sài Gòn trong tên gọi nhưng cả Sài Gòn Xuân Thành (2010-2013) lẫn Navibank Sài Gòn (2009-2012) đều không tồn tại quá 3 năm.
Cùng với đó, khi họ biến mất khỏi bản đồ bóng đá chỉ làm nhưng NHM Sài Gòn khó có thể bao dung hơn nữa khi chỉ gắn với những vụ lùm xùm, tai tiếng. Những người hâm mộ nơi thành phố hoa lệ dù nổi tiếng bởi sự cởi lòng nhưng để có thể khiến họ tới sân Thống Nhất lúc này cực khó. Con tim họ đã buồn khi quá lâu không có đại diện ở sân chơi cao nhất. Nhưng họ càng buồn lòng hơn bởi sự cởi lòng của họ đã từng bị phản bội và điều đó càng khiến đội bóng Thủ đô không thể sớm có được tình yêu nơi đây.
Chắc chắn, người Sài Gòn sẽ không mấy hào hứng với đội bóng mới. Với họ, đội bóng của họ phải đi lên từ hạng Nhì, hạng Nhất rồi lên chuyên nghiệp thì mới đón nhận như một đứa con của họ và để dành hết tình yêu thương. Một đội bóng phải được nuôi bằng tiền và hơi thở của người Sài Gòn thì người ta mới đón nhận. Chứ lại mang một đội bóng từ nơi khác rồi đổi tên như đã từng xảy ra khó để họ chấp nhận.
Trong cả chuỗi sự kiện này thì thiệt thòi đầu tiên chính là những cầu thủ đang khoác áo Hà Nội. Khó để những cầu thủ Hà Nội sẽ cảm thấy hạnh phúc khi sinh sống ở một nơi không sẵn sàng chào đón họ? Cảm giác mình chỉ là một đứa con ghẻ, không có được sự ủng hộ nơi NHM dù chỉ là vay mượn...
Cùng với đó, phải thay đổi lối sống và sự trái ngược về văn hóa vùng miền càng khó để họ có được hạnh phúc. Điều mà dễ nhận thấy đầu tiên là CLB Hà Nội sẽ mất những CĐV nhiệt thành mà dù mới thành lập nhưng cho thấy sự tổ chức quy củ cùng tình yêu với đội bóng. Cùng với đó, đội bóng ra sân thì tiêu chí thành bại là khán giả, sức hút… thì họ sẽ càng khó có thể có được khi người Sài Gòn nhìn nhận việc nam tiến lần này của họ thuần túy là vì thương mại chứ không phải vì cái cốt rễ, tình yêu với mảnh đất này.
Với 16 năm mang danh chuyên nghiệp, việc dễ dàng thay đổi tên, địa bàn hoạt động của một CLB càng đang cho thấy sự vận hành một cách tùy tiện của bóng đá Việt Nam.
Việc dễ dàng đổi địa chỉ thường trú của một đội bóng, thay tên đổi họ và mua suất dự giải rồi khi chán thì bỏ liên tục lặp đi lặp lại làm sao có thể có được tình yêu và lòng trung thành của các CĐV? Chắc chắn, các cầu thủ, HLV CLB Hà Nội sẽ là nạn nhân tiếp theo của môi trường bóng đá không chuyên nghiệp cùng nhiều thứ chẳng giống ai vốn dĩ lẽ xuất hiện hàng ngày suốt nhiều năm qua.
Cuối tuần này, CLB Hà Nội sẽ có trận đấu cuối cùng của mình với cái tên Hà Nội ngay trên thánh địa của mình khi đón tiếp SHB. Đà Nẵng. Và đây cũng là địa điểm để tân binh V-League thu xếp, chuyển toàn bộ lực lượng cùng trang thiết bị vào Nam ngay sau đó. Một trận đấu đã khó lại còn bị chi phối bởi cảm xúc, bởi lo âu… nhưng có lẽ đó sẽ là động lực lớn để họ chiến đấu bởi ai cũng sẽ dồn mình cho những giây phút cuối.
Nhưng cái khó của một trận đấu không bằng những cái khó gấp bội đang chờ chực họ nơi mảnh đất sẽ tới trong thời gian tới.