Nâng cao trách nhiệm
Hiến pháp năm 1992, rồi Hiến pháp năm 2013 đều đã quy định rõ về trách nhiệm của MTTQ Việt Nam trong việc đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của dân. Việc tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC), giám sát, đôn đốc việc giải quyết KNTC đã là nhiệm vụ, trách nhiệm của MTTQ Việt Nam. Nhiều năm qua MTTQ Việt Nam các cấp đã thể hiện vai trò, trách nhiệm và thực thi tốt nhiệm vụ này.
Vai trò nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam liên quan đến vấn đề giải quyết KNTC từ trước đến nay đã được hiến định. Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001), tại Điều 9 quy định: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia xây dựng củng cố chính quyền nhân dân, cùng Nhà nước chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, động viên nhân dân thực hiện quyền làm chủ, nghiêm chỉnh thi hành Hiến pháp và pháp luật, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử và cán bộ, viên chức nhà nước”.
Điều 9 Hiến pháp năm 2013, tiếp tục nhấn mạnh làm rõ thêm vai trò, nhiệm vụ của MTTQ: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Và với nhiệm vụ “bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân” đã đặt ra cho MTTQ Việt Nam những yêu cầu, trọng trách rất nặng nề.
Hàng chục năm qua, cùng với những mặt tích cực trong quá trình đổi mới, phát triển, hiện đại hóa, công nghiệp hóa đất nước, còn không ít những mặt trái, hạn chế. Từ đó, hàng năm đã có hàng trăm ngàn đơn thư khiếu nại, tố cáo của dân gửi đến các cơ quan chức năng. Với vai trò là người “đại diện” của dân, MTTQ các cấp cũng nhận được số đơn thư tương đương. Những bức xúc của dân cũng là những trăn trở của các cán bộ MTTQ các cấp. Đặc biệt khi không ít các kiến nghị, khiếu nại, quyền lợi hợp pháp, chính đáng của dân chưa được giải quyết triệt để.
Ngay luật pháp cũng chỉ quy định MTTQ với vai trò là người chuyển kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của dân đến các cơ quan chức năng, nên vai trò của MTTQ trong việc giải quyết KNTC nhiều khi còn bị hạn chế. Điều 44 Luật Tố cáo năm 2011 quy định: “Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận có trách nhiệm tổ chức việc tiếp công dân đến tố cáo, khiếu nại, kiến nghị, phản ánh; khi nhận được tố cáo thì nghiên cứu, chuyển đến người có thẩm quyền giải quyết tố cáo”.
Nhiều năm, nhiều cơ quan MTTQ vẫn chỉ là nơi trung chuyển đơn thư, phản ánh của dân. Và rồi, mặc dù cũng theo Luật Khiếu nại, cũng như Luật Tố cáo, khi các đơn thư khiếu nại, tố cáo do MTTQ và tổ chức thành viên chuyển đến, các cơ quan chức năng phải có trách nhiệm giải quyết trong thời hạn 7 ngày và có thông báo giải quyết. Tuy nhiên, không ít cơ quan làm ngơ hay giải quyết không triệt để. MTTQ TP. Hà Nội từng thống kê số đơn thư chuyển đi chỉ được giải quyết khoảng 15-20%. Ngay MTTQTƯ, những năm trước đây, văn bản trả lời của các cơ quan chức năng có năm chỉ khoảng 1%, so với số đơn thư chuyển đi. Và như vậy, vai trò hiệu quả của MTTQ trong việc giải quyết KNTC sẽ không lớn, dễ trở thành hình thức.
Để nâng cao vai trò của MTTQ, như quy định của Hiến pháp, theo nhiều chuyên gia, cần tăng cường trách nhiệm, quyền năng của Mặt trận. Như cần quy định MTTQ Việt Nam có quyền và trách nhiệm cùng với cơ quan nhà nước có thẩm quyền nghiên cứu, xem xét, xác minh làm rõ vụ việc, có ý kiến thống nhất cùng các cơ quan chức năng trong việc giải quyết. Thực tế cho thấy, khi MTTQ cùng vào cuộc xác minh, làm rõ, tổ chức gặp gỡ, đối thoại thì nhiều vấn đề phức tạp, nan giải dễ bề được tháo gỡ. Có tiếng nói, sự góp sức của MTTQ, việc giải quyết KNTC sẽ nhanh chóng hơn, khách quan hơn, quyền lợi hợp pháp, chính đáng của dân được tôn trọng hơn. Ví như vụ khiếu nại, tố cáo đã xảy ra tại huyện Tiên Lãng (TP. Hải Phòng), trong lúc khó khăn nhất, TƯMTTQ Việt Nam đã có đoàn cán bộ xuống cơ sở, với vai trò giám sát, nhưng đã cùng vào cuộc xác minh, gặp gỡ, đối thoại với dân và có ý kiến đề xuất, giúp Chính phủ giải quyết vụ việc một cách khẩn trương, khách quan và công bằng.
Trong khi chờ sự điều chỉnh của pháp luật thì cần nâng cao vai trò giám sát, phản biện của MTTQ trong vấn đề giải quyết KNTC. Việc MTTQ chủ động phối hợp với cơ quan chức năng trong việc giải quyết KNTC đã phát huy hiệu quả. Ngày 11/11/2014, Ban Thường trực UBTƯMTTQ Việt Nam cùng Thanh tra Chính phủ, Bộ Tư pháp, Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã ký kết Chương trình phối hợp về giám sát và nâng cao hiệu quả việc giải quyết KNTC ở cơ sở.
Với việc phối hợp này, công tác tuyên truyền pháp luật, nâng cao nhận thức pháp luật của người dân được nâng lên. Tâm tư, nguyện vọng của dân sớm đến được với Đảng, Nhà nước. Đặc biệt, với việc hỗ trợ như tư vấn miễn phí của các luật sư cho người KNTC đã có nhiều tác dụng. Nhiều vụ việc KNTC đã được các luật sư chỉ rõ để người dân tránh khiếu nại sai, đi đúng hướng. Người dân hiểu biết thêm pháp luật, hiểu hơn về vấn đề của mình, cùng các cơ quan chức năng giải quyết nhanh vụ việc khiếu nại, tố cáo, nhất là KNTC mới phát sinh. Kinh nghiệm cho thấy vụ việc, khi được giải quyết ngay từ cơ sở, từ khâu hòa giải sẽ tránh được những diễn biến phức tạp, kéo dài. Từ sự phối hợp, việc giám sát công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của người dân sẽ thuận lợi, chặt chẽ và hiệu quả hơn.
Giải quyết KNTC, đặc biệt là giải quyết các vụ việc khiếu nại tố cáo tồn đọng kéo dài, khiếu nại đông người lâu nay vẫn luôn được coi là vấn đề phức tạp, nan giải. Vì vậy để đến được sát với dân, hiểu lòng dân, hiểu tâm tư, nguyện vọng của dân… để dân tin là yêu cầu tối quan trọng trong việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo. Để làm được điều này, không cơ quan nào làm tốt hơn các cấp Mặt trận. Nếu như tiếng nói của các cấp MTTQ-tiếng nói của dân được tôn trọng thì không có gì là không giải quyết được.