Hướng đi nào cho các trường trung cấp y?
Tại hội nghị “Triển khai các văn bản quy phạm pháp luật về chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành y tế và kế hoạch tinh giản biên chế” vừa diễn ra tại Hải Phòng, Bộ Y tế cho biết: Số lượng trung cấp đang làm việc tại các cơ sở y tế khá lớn, chiếm gần 30% tổng số cán bộ toàn ngành. Trong khi đó theo lộ trình đặt ra, kể từ năm 2021, các đơn vị sự nghiệp không tuyển viên chức trình độ trung cấp.
Cần từng bước nâng cao đội ngũ viên chức y tế.
Lộ trình dừng đào tạo trung cấp y
Theo yêu cầu từ 1/1/2021 chỉ tuyển viên chức có trình độ Cao đẳng (CĐ) đối với các chức danh điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y, dược. Điều này đồng nghĩa với việc ngay từ bây giờ số viên chức đã tuyển có trình độ trung cấp phải chuẩn hóa để đạt trình độ CĐ, chuẩn bị cho việc từ năm 2021 các đơn vị sự nghiệp không tuyển viên chức trình độ trung cấp. Điều này cũng đồng nghĩa với việc không còn tồn tại các trường trung cấp y dược nữa.
Về phía các trường, khi tiếp nhận quy định mới này đã tỏ ra khá hoang mang. Nhiều lãnh đạo trường Trung cấp y khẳng định về khối lượng kiến thức, số lượng tín chỉ, thời gian thực tập ở bệnh viện tại nhiều trường trung cấp y hiện nay hoàn toàn tương đương CĐ của các nước. Đồng thời cũng có ý kiến cho rằng: Nhu cầu nhân lực y tế hiện nay vẫn đang còn thiếu, đặc biệt là ở các vùng sâu vùng xa nên vai trò đào tạo nhân lực ngành y của các trường trung cấp là cần thiết. Hệ trung cấp đóng góp một nguồn lực lớn trong ngành y hiện tại. Bậc trung cấp là bậc đào tạo phù hợp với nhiều đối tượng không có điều kiện học ngay lên CĐ, Đại học (ĐH). Sau khi học trung cấp, đi làm một thời gian, họ có thể học liên thông lên các trình độ cao hơn. Quy định trình độ tuyển dụng kiểu như Bộ Y tế có thể đã chặn đứng cơ hội học tập và làm việc của nhiều bạn trẻ….
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Hội Bác sĩ Gia đình Việt Nam Phạm Huy Dũng chia sẻ: Không tuyển dụng trình độ Trung cấp y dược để hòa nhập thế giới là đúng. Những cái thế giới không có mà ta muốn có thì nên thận trọng. Cái thế giới có cho tiến bộ và phát triển, ta lại chưa có thì nên làm. Các bước đi phải hết sức cân nhắc sao cho tốt nhất.…
Trong khi theo ông Phạm Văn Tác- Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế): “Việc thực hiện lộ trình này là để phù hợp với thỏa thuận về hội nhập các nước ASEAN đội ngũ điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y và dược phải là trình độ CĐ”.
Từ trước đó, Bộ GD&ĐT và Bộ Y tế đã thống nhất tạm dừng việc xem xét mở ngành đào tạo trình độ ĐH, CĐ các ngành y, dược thuộc khối không chuyên y, dược. Mới đây nhất, theo thông tư số 32 của Bộ GD&ĐT về xác định chỉ tiêu tuyển sinh tối đa của cơ sở giáo dục ĐH cũng quy định: Các trường ĐH sẽ dừng tuyển sinh đào tạo hệ trung cấp nói chung trước năm 2017, và khối ngành y, dược cũng vậy. Thời gian qua, việc đào tạo ồ ạt ngành y, dược ở nhiều trường ĐH, CĐ không chuyên đã dẫn đến tình trạng thừa nhân lực ngành y tế, chất lượng đầu ra không đảm bảo, gây bức xúc đối với yêu cầu nhân lực y tế của cả xã hội.
Tìm hướng nâng cấp lên cao đẳng
Để đáp ứng yêu cầu đã đưa ra của liên Bộ, nhiều trường trung cấp y đã tìm hướng đi mới. Ông Phạm Văn Minh- Chủ tịch HĐQT trường trung cấp Y - Dược Tuệ Tĩnh Hà Nội chia sẻ, nhà trường đang lên kế hoạch, xem xét hướng thực hiện như thế nào, có thể lên được CĐ hay không. Nếu lên CĐ trường cũng sẽ tham gia đào tạo liên thông số điều dưỡng trung cấp hiện nay đang nằm ở các bệnh viện. Để đến năm 2021 tất cả các bệnh viện tuyến Trung ương không còn điều dưỡng trung cấp. Ông Vũ Đức Khôi- Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường trung cấp Y Hà Nội cũng cho hay, trường đã có lộ trình nâng cấp lên CĐ.
Đây cũng là hướng đi được nhiều chuyên gia nhận định là khả quan nhất, không thì sẽ phải giải thể. Tuy nhiên vấn đề của nâng cấp cũng khá phức tạp, do phải đầu tư nhiều kinh phí nâng cấp cơ sở vật chất, đầu tư giảng viên… Với khối ngành đào tạo y, kinh phí thành lập, hay nâng cấp rõ ràng không dưới con số hàng chục tỷ đồng. Sau đó là hàng loạt những điều kiện đảm bảo chất lượng. “Chúng ta không thể nâng cấp quá nhiều trường trung cấp y lên thành CĐ, ĐH, và cũng không nên xóa bỏ các trường trung cấp đang tồn tại hiện nay. Nhưng đào tạo sơ cấp lúc nào cũng cần, vì thế, những trường trung cấp y dược có thể trở về sơ cấp hay bổ túc dạy nghề làm đúng chức năng bồi dưỡng chuyên môn. Cũng có thể, những trường trung cấp trở thành nơi đào tạo liên lục cho những người học ngành y tế đã hành nghề; hoặc trường trung cấp y dược trở thành cơ sở thực hành của trường ĐH tuyến trên”- ông Phạm Huy Dũng nêu quan điểm.