Quốc hội dành 12 ngày bàn về công tác nhân sự nhà nước
Theo chương trình, Quốc hội sẽ cho ý kiến về công tác nhân sự nhà nước từ ngày 4-16 tháng 4, tuy nhiên trong thời gian này lại vướng với công tác bầu cử khi hội nghị hiệp thương lần thứ ba sẽ diễn ra từ ngày 13-17 tháng 4…
Ngày 9/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự kiến nội dung kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa 13.
Thông báo về dự kiến nội dung kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa 13, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, chương trình nội dung kỳ họp đã được gửi lấy ý kiến các đoàn ĐBQH. Theo đó kỳ họp sẽ khai mạc vào ngày 21/3 và bế mạc vào 16/4. Trong đó dự kiến Quốc hội sẽ dành thời gian 12 ngày để bàn về công tác nhân sự nhà nước.
Ông Phúc cho biết, tại kỳ họp này Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 7 dự án luật: Luật tiếp cận thông tin; Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi); Luật báo chí (sửa đổi); Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi); Luật dược (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật quản lý thuế; Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi).
Về các vấn đề kinh tế - xã hội, giám sát và các vấn đề quan trọng khác, cũng theo ông Phúc, tại kỳ họp này Quốc hội sẽ xem xét, đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2015; xem xét, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015 và quyết định kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020; Quyết định kế hoạch sử dụng đất 5 năm giai đoạn 2016-2020; Xem xét các báo cáo tổng kết nhiệm kỳ 2011-2016 của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Tổng kiểm toán Nhà nước, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; Phê chuẩn Thỏa thuận về việc cấp thị thực giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.
Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Văn Pha cho rằng, theo chương trình kỳ họp Quốc hội sẽ cho ý kiến về công tác nhân sự từ ngày 4-16 tháng 4, tuy nhiên trong thời gian này lại vướng với công tác bầu cử khi hội nghị hiệp thương lần thứ ba sẽ diễn ra từ ngày 13-17 tháng 4, diễn ra cả ở Trung ương lẫn ở địa phương, cao điểm nhất là 14 và 15 tháng 4 nhiều đại biểu sẽ phải về địa phương để lo cho hội nghị hiệp thương lần thứ ba cho nên chương trình kỳ họp cần tính toán lại để các ĐBQH có mặt khi Quốc hội bàn về công tác nhân sự của nhà nước sao cho bỏ phiếu được diễn ra tập trung đông.