Sóc Trăng: Chống chọi với thiệt hại 'kép'
Theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng, đến thời điểm này, hạn mặn đã làm hơn 12.800 ha lúa bị ảnh hưởng, trong đó có trên 4.000 ha bị thiệt hại khoảng 70%. Nhiều huyện bị nước mặn xâm nhập không thể đưa nước ngọt vào cứu lúa. Những trà lúaHè - Thu đang đứng trước nguy cơ mất trắng…
Hệ thống kênh, rạch của huyện Long Phú bị cạn khô từ nhiều tháng nay.
4000 ha lúa bị thiệt hại
Hỗ trợ khắc phục thiệt hại do hạn hán tại Đồng bằng sông Cửu Long Ngày 9/3, Thống đốc NHNN đã ban hành Chỉ thị số 3 về việc hỗ trợ khắc phục thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn và khôi phục sản xuất tại các tỉnh ĐBSCL. Theo nội dung chỉ thị, do ảnh hưởng của El Nino, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của nhân dân, đặc biệt là vùng ĐBSCL, để hỗ trợ khắc phục thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn, giúp người dân, tổ chức kinh tế ổn định sản xuất và đời sống, Thống đốc chỉ đạo: Ngân hàng Chính sách xã hội cần phải phối hợp với các đơn vị có liên quan rà soát, xác định tình hình và số thiệt hại vốn tín dụng do hạn hán, xâm nhập mặn để gia hạn nợ, khoanh nợ, xóa nợ; ưu tiên đảm bảo nguồn vốn để cho vay theo các chương trình tín dụng chính sách đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Ngoài ra, Ngân hàng Chính sách phải cân đối nguồn vốn để ưu tiên cho chương trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn đối với các vùng bị thiệt hại nặng do hạn hán, xâm nhập mặn tại các tỉnh khu vực ĐBSCL... Q.Hưng |
Chạy dọc theo Quốc lộ Nam sông Hậu, nắng nóng như đổ lửa, cây cối khô hạn, các con kênh nhỏ nằm song song với tuyến đường này thuộc đoạn xã Đại Ngãi, huyện Long Phú cạn trơ đáy. Dừng chân tại chân cống ngăn mặn thuộc ấp An Đức, xã Đại Ngãi khoảng 11h trưa, hơi nắng bốc lên, phảng phất mùi tanh nhớp từ nước mặn của con kênh Mương Điều ấp An Đức, đã cạn kiệt nước.
Gặp chị Phan Thị Bích Vân ở tận xã Bình Minh, huyện Tam Bình, Vĩnh Long qua vùng này bán muối. Ghe muối khoảng 9 tấn của chị phải neo đậu tại kênh Mương Điều ngay cửa cống ngăn mặn Đại Ngãi, 4 ngày qua, vì cống đã đóng cách đây khoảng hơn 1 tháng để ngăn nước mặn xâm nhập vào đồng ruộng. Chị Vân phải chia nhỏ thành nhiều chuyến bằng xe máy mang đi bán.
Chạy xe sâu hơn về phía huyện Long Phú tiến gần hơn với đoạn biển Đông, đời sống của bà con mới thực sự bị đảo lộn, thiệt hại nặng nề nhất vẫn là cây lúa, kế đến là hoa màu, cây ăn trái.
Giữa cái nắng như thiêu đốt, “lão nông” Liêu Sơn người dân tộc Khmer ở ấp Tân Quy A, xã Tân Hưng, huyện Long Phú vẫn ngồi canh ở cánh đồng lúa, thắc thỏm mong mưa, mong nước ngọt về hi vọng cứu vớt được phần nào 17 công lúa gần 70 ngày tuổi.
Con Rạch 13, nằm cặp với ruộng lúa của ông, mọi năm ghe vẫn chạy được nhưng năm nay khô trơ đáy, hiện phải dùng máy xúc nạo sâu xuống hơn 1m để trữ nước ngọt nếu có. Ông Liêu Sơn chia sẻ với chúng tôi: 17 công ruộng lúa 451 này đang trổ đòng nhưng hạt lúa sẽ không ngậm sữa được vì thiếu nước ngọt, trong khi nước mặn đã xâm nhập, không thể tưới cho lúa, khiến lúa khô héo dần, chắc là thiệt hại hoàn toàn chứ khó mà cứu được.
Hiện gia đình ông Sơn phải vay nóng và nợ ngoài 15 triệu đồng với lãi xuất 1,5 triệu đồng/1 tháng. Hai đứa con gái của ông đứa 25, đứa 20 tuổi sau khi thấy vụ lúa này bị thất, đành lên Sài Gòn tìm việc để trả nợ.
Theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng, đến thời điểm này, hạn mặn đã làm hơn 12.800 ha lúa của người dân Sóc Trăng bị ảnh hưởng, trong đó có trên 4.000 ha bị thiệt hại khoảng 70%. Các huyện Trần Đề, Long Phú, Cù Lao Dung bị nước mặn xâm nhập thiệt hại nặng, các địa phương này hiện không thể đưa nước ngọt vào cứu lúa, vì hệ thống kênh mương nhiễm mặn từ 3 – 4 ‰ và đang bị cạn kiệt dần. Những trà lúa hè thu từ 60 - 70 ngày tuổi ở huyện Long Phú, nếu trong vài ngày tới mà không có nước ngọt, hay mưa xuống sẽ bị mất trắng.
Triều cường tàn phá đê biển
Ông Hà Tấn Việt, Chi Cục trưởng Chi Cục Thủy lợi tỉnh Sóc Trăng cho biết: Đã mấy tháng nay không có giọt mưa, trong khi nước biển ngày càng lấn sâu vào nội đồng, độ mặn tăng từng ngày. Hiện cả vùng Long Phú và Trần Đề không thể đưa nước vào được, thiệt hại sẽ khôn lường. Chúng tôi đang tính việc lựa lúc nước có độ mặn dưới 1‰ sẽ mở cống lấy nước may ra còn cứu vãn phần nào trà lúa...
Đợt hạn, mặn này Sóc Trăng chịu thiệt hại “kép”, trong khi người nông dân không thể cứu lúa bị xâm nhập mặn và khô hạn, thì ở vùng các tuyến đê bao ngăn biển, những đợt triều cường đang tàn phá hệ thống đê biển, khiến cho chính quyền đau đầu. Là địa phương nằm ở biển Đông có bờ biển dài trên 40km chủ yếu nằm ở Thị xã Vĩnh Châu, những năm gần đây liên tiếp xuất hiện các tình trạng sạt lở đến mức báo động.
Cụ thể là đoạn đê biển chiều dài gần 10km, thuộc xã Vĩnh Hải là đoạn thường xuyên chịu tác động mạnh từ sóng biển và triều cường. Mặc dù ngành chức năng thường xuyên gia cố, nhưng trước sự tàn phá của thiên nhiên năm nào cũng bị sạt lở.
Điển hình nhất là tuyến đê bao xung yếu thuộc ấp Mỹ Thanh, xã Vĩnh Hải bị vỡ tại đoạn k41 và k43 hồi giữa tháng 2-2016 khiến cho gần 50m đê bao ở đoạn này bị sạt lở nghiêm trọng, nhiều đoạn bị xói mòn.
Mặc dù thời gian qua, chính quyền địa phương và người dân cũng đã chủ động triển khai nhiều biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, nhưng đó chỉ là biện pháp tạm thời. Để ứng phó lâu dài và bền vững, ông Nguyễn Văn Thể - Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng đã đề xuất với Chính phủ, cần có chỉ đạo tổng thể, về mùa vụ, trồng cây gì, loại lúa gì cho cả vùng ĐBSCL. Điều chỉnh lại quy hoạch sản xuất năm 2016 và các năm tiếp theo.
Hỗ trợ 34 địa phương khắc phục hạn hán, xâm nhập mặn
Thủ tướng Chính phủ quyết định tiếp tục hỗ trợ 523,7 tỷ đồng cho 34 địa phương từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2016 để khắc phục hậu quả hạn hán và xâm nhập mặn vụ Đông Xuân năm 2015 - 2016.
34 địa phương được hỗ trợ gồm: Hà Giang 17,3 tỷ đồng; Tuyên Quang 12,8 tỷ đồng; Cao Bằng 4,8 tỷ đồng; Lạng Sơn 16,8 tỷ đồng; Yên Bái 17,7 tỷ đồng; Thái Nguyên 18,7 tỷ đồng; Bắc Kạn 16,1 tỷ đồng; Bắc Giang 15 tỷ đồng; Hòa Bình 16,2 tỷ đồng; Điện Biên 13,1 tỷ đồng; Quảng Ninh 12,5 tỷ đồng; Hải Dương 20,4 tỷ đồng; Hưng Yên 14,1 tỷ đồng; Vĩnh Phúc 9,7 tỷ đồng; Bắc Ninh 5,1 tỷ đồng; Hà Nam 20,7 tỷ đồng; Nam Định 21,2 tỷ đồng; Ninh Bình 20,8 tỷ đồng; Thái Bình 17,5 tỷ đồng; Quảng Bình 8,4 tỷ đồng; Quảng Trị 19,6 tỷ đồng; Quảng Nam 12,8 tỷ đồng; Bình Thuận 21,9 tỷ đồng; Kon Tum 17,6 tỷ đồng; Bình Phước 14,9 tỷ đồng; Bến Tre 14,2 tỷ đồng; Trà Vinh 13,3 tỷ đồng; Vĩnh Long 20,4 tỷ đồng; Sóc Trăng 10,8 tỷ đồng; An Giang 15,6 tỷ đồng; Đồng Tháp 18,2 tỷ đồng; Kiên Giang 16,5 tỷ đồng; Bạc Liêu 11,1 tỷ đồng; Cà Mau 17,9 tỷ đồng.A.Anh