Trường Đại học Hùng Vương: Nguy cơ bị đình chỉ hoạt động

Lê Anh 10/03/2016 09:15

Sau nhiều bài viết của báo Đại Đoàn Kết được đăng tải liên quan đến các sai phạm xảy ra tại Trường ĐH Hùng Vương TP HCM từ năm 2012 cho đến nay, Hội đồng Quản trị của trường này vừa tiếp tục bất ngờ cho sa thải hơn 100 cán bộ, giảng viên Nhà trường , khiến tình hình hoạt động rơi vào tình trạng không thể kiểm soát, thậm chí đứng trước nguy cơ bị đình chỉ hoạt động…

Trường Đại học Hùng Vương TP HCM.

Cho toàn bộ giảng viên nghỉ việc

Một số cán bộ, giảng viên Trường ĐH Hùng Vương TP HCM ngày 9/3 tiếp tục phản ánh với Đại Đoàn Kết về việc HĐQT Nhà trường vừa tiếp tục có văn bản về phương án sử dụng lao động gây bất bình.

Cụ thể, Chủ tịch HĐQT giao cho bà Tạ Thị Kiều An, Phó Hiệu trưởng Thường trực Trường ĐH Hùng Vương điều hành, chủ trì chỉ đạo các phòng ban của trường lập phương án sử dụng lao động, trong đó phối hợp với Công đoàn Trường để thực hiện phương án này theo đúng quy định pháp luật lao động, trên tinh thần tự nguyện, đúng luật và thực tế tình hình Nhà trường.

Ông Đặng Thành Tâm, nguyên Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Hùng Vương lý giải nguyên nhân dẫn đến Nhà trưởng phải thực hiện phương án lao động mới là do đã 4 năm nay Trường không được tuyển sinh, không có người học, đã ảnh hưởng đến nguồn thu và tình hình tài chính hiện tại đã thâm hụt trầm trọng vốn pháp định do cổ đông đầu tư.

Cũng theo ông Tâm, trước bối cảnh trên, HĐQT đã có văn bản kiến nghị UBND TP.HCM cho phép Nhà trường được tiến hành Đại hội đồng cổ đông để nâng vốn điều lệ, chuẩn bị cơ sở vật chất theo quy định và công nhận HĐQT để Trường ổn định lại hoạt động.

Cùng với phương án sử dụng lao động, ĐH Hùng Vương cam kết thực hiện đúng quy định pháp luật lao động và chi trả các khoản trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc cho người lao động của trường theo phương án sử dụng lao động. Trong đó, đối với những người hết hạn hợp đồng lao động, không có hợp đồng lao động, đến tuổi về hưu, quá tuổi quản lý theo quy định của trường thì Nhà trường thực hiện chấm dứt hợp đồng lao động và thanh toán các chính sách theo pháp luật lao động. Trong khi đó, đối với hợp đồng chưa tới hạn và hợp đồng không xác định thời hạn, Nhà trường sẽ thanh lý hợp đồng lao động và thanh toán đầy đủ chế độ, chính sách theo pháp luật lao động quy định.

Đáng chú ý, trong danh sách những người bị chấm dứt hợp đồng có cả những lãnh đạo của Nhà trường, gồm: bà Tạ Thị Kiều An (Phó Hiệu trưởng Thường trực), bà Nguyễn Thị Mai Bình (Bí thư Đảng ủy Nhà trường), ông Nguyễn Mộng Giao (Phó Hiệu trưởng), ông Vũ Văn Nhỡ (Trưởng phòng Hành chính tổng hợp), ông Trịnh Vũ Dũng (Chủ tịch Công đoàn cơ sở), ông Mạch Trần Huy (Phó phòng Tổ chức Pháp chế),... Trong khi đó, có gần 80 cán bộ, giảng viên khác bị buộc thôi việc kể từ ngày 5/4/2016 tới đây.

Với việc thực hiện từ tháng 12/2015 phương án sử dụng lao động nêu trên, ngày 28/1/2016, tại trường ĐH Hùng Vương đã có 79/105 cán bộ nhân viên, giảng viên cơ hữu của Nhà trường tự nguyện ký đơn thỏa thuận nghỉ việc; còn lại 26 người chưa ký thỏa thuận với các lý do khác nhau.

Không có cơ sở, trái luật giáo dục

Xung quanh phương án sử dụng lao động của Trường ĐH Hùng Vương, ngay nội bộ Nhà trường đã có nhiều ý kiến trái chiều. Ông Nguyễn Phước Hiền - Trưởng phòng Tổ chức pháp chế Trường ĐH Hùng Vương cho rằng, việc Chủ tịch HĐQT Nhà trường tự ý ký văn bản về phương án sử dụng lao động là không đủ cơ sở pháp lý, bởi vì Chủ tịch HĐQT không phải là người sự dụng lao động nên cũng không thể ra quyết định chấm dứt hợp đồng lao động. Do đó, đây là một hành vi trái pháp luật.

Cùng ý kiến trên, PGS.TS Nguyễn Mộng Giao, Phó Hiệu trưởng ĐH Hùng Vương cũng cho rằng, ông Đặng Thành Tâm, nguyên Chủ tịch HĐQT trường đã không còn ở vị trí này từ tháng 6/2015, nhưng văn bản về phương án sử dụng lao động được ký tên ông vào tháng 12/2015 nên văn bản này sẽ không có hiệu lực. Ngay cả khi còn là Chủ tịch HĐQT Nhà trường thì ông Tâm cũng không có thẩm quyền ký những giấy tờ trên.

Theo PGS.TS Nguyễn Mộng Giao, đây là quyền của Hiệu trưởng Nhà trường – Người trực tiếp ký hợp đồng lao động với các cán bộ, giảng viên của trường theo quy định của Luật Giáo dục ĐH.

Theo tìm hiểu của PV báo Đại Đoàn Kết, trước khi ký văn bản phương án sử dụng lao động, ông Đặng Thành Tâm có báo cáo bằng văn bản lên Thành ủy, UBND TP HCM. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có văn bản phản hồi của các cơ quan trên.

Như Đại Đoàn Kết đã phản ánh dài kỳ từ năm 2012 cho đến nay, Trường ĐH Hùng Vương bị thanh tra toàn diện với một loạt sai phạm. Kết luận thanh tra của Bộ GD-ĐT từ năm 2012 đã quyết định ngừng tuyển sinh đối với Trường ĐH Hùng Vương, cho đến nay đã kéo dài gần 4 năm.

UBND TP HCM cũng đã ra quyết định (tháng 6/2013) không công nhận ông Lê Văn Lý là Hiệu trưởng Trường ĐH Hùng Vương. Sau đó, HĐQT Trường ĐH Hùng Vương gửi tờ trình UBND TP HCM đề nghị công nhận ông Bế Nhật Dục làm Hiệu trưởng của Nhà trường, tuy nhiên UBND TP HCM cũng chưa công nhận.

Trường có thể bị đình chỉ hoạt động

Trao đổi với PV báo Đại Đoàn Kết, PGS.TS Nguyễn Lê Ninh, Ủy viên Hội đồng tư vấn Khoa học - Kỹ thuật - Môi trường TP HCM cho biết, sự việc tại Trường ĐH Hùng Vương ông theo dõi từ năm 2012 và đã dự đoán sẽ xảy ra sự việc như hôm nay.

Theo ông Ninh, trường hiện chỉ còn có 50 sinh viên nhưng cũng không biết số học sinh này đang ở đâu, sẽ ra sao nếu Trường ĐH Hùng Vương bị đình chỉ hoạt động. Chắc chắn, UBND TP HCM lẫn Bộ GD-ĐT phải bàn về giải pháp cho số sinh viên còn lại này.

“Thành phố từng có đề xuất đưa số học sinh tại Trường ĐH Hùng Vương về một số trường ĐH có cùng chuyên ngành hoặc gần chuyên ngành tại TP HCM để các em có cơ hội tiếp tục hoàn thành văn bằng và tốt nghiệp. Tuy nhiên, cho đến nay do những vấn đề phức tạp giữa HĐQT Trường và Ban Giám hiệu Trường nên vẫn chưa rõ giải pháp. Trong khi, công tác xin chỉ tiêu tuyển sinh cho năm 2016 cũng chưa thể thực hiện được nên khả năng trường bị buộc phải ngưng hoạt động là rất cao” - PGS.TS Nguyễn Lê Ninh nói.

Cũng theo chuyên gia này, cũng như các doanh nghiệp cần vốn quan trọng như thế nào thì giáo dục đại học cũng khát vốn như vậy, và tất yếu phải đảm bảo được kinh phí để hoạt động. Theo PGS.TS Nguyễn Lê Ninh, trước Trường ĐH Hùng Vương đã có một số trường bị đình chỉ ngay trong “trứng nước”, không ra đời được do vấn đề tài chính và bất nhất trong hoạt động của HĐQT và Ban Giám hiệu.

Tuy nhiên, đây lại là việc cần thiết và Bộ GD-ĐT cần phải làm mạnh mẽ hơn nữa để giáo dục thực sự là quốc sách hàng đầu của quốc gia, lúc đó mới có thể nghĩ đến việc cạnh tranh với các nền giáo dục tiên tiến trong khu vực, sau đó mới nghĩ đến xây dựng thành các trường đại học có đẳng cấp trên thế giới.

Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga nhận định, trường ĐH Hùng Vương TP HCM do xảy ra nhiều sai phạm trong thời gian qua nên đã phải ngừng tuyển sinh trong 4 năm. Quan điểm của Bộ GD-ĐT là nếu Trường vẫn không khắc phục được thì Bộ GD-ĐT sẽ ra quyết định ngừng hoạt động Trường này theo đúng Luật Giáo dục. Thời hạn chót cho ĐH Hùng Vương là đến hết ngày 31/8 tới đây.

Lê Anh