Giáo sư, Viện sĩ Trần Huy Liệu: Một nhân chứng lịch sử

Nguyễn Túc (Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam) 17/03/2016 09:05

Trần Huy Liệu là một trí thức tiêu biểu của Việt Nam ở thế kỷ XX, một nhân chứng và người trực tiếp góp phần làm nên những sự kiện lịch sử trọng đại ở thời kỳ vận động cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương và buổi đầu thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Giáo sư, Viện sĩ Trần Huy Liệu: Một nhân chứng lịch sử

Giáo sư Trần Huy Liệu.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà nho nghèo, thấu hiểu nỗi khổ của những người dân mất nước, hàng ngày chứng kiến cảnh sống trâu ngựa của những người nông dân “một cổ hai tròng” ở quê mình, tinh thần yêu nước, căm thù giặc sớm nảy nở trong chàng thanh niên Trần Huy Liệu.

Năm 1924, Trần Huy Liệu theo thầy – nhà giáo Bùi Trịnh Khiêm – một nhà nho cấp tiến rời quê hương vào Sài Gòn với quyết tâm làm báo. Ước mơ là vậy, song cuộc sống thực tại lại không chiều lòng chàng thanh niên đầy nhiệt huyết yêu nước và cách mạng. Giữa Sài Gòn hoa lệ, Trần Huy Liệu phải bươn chải mọi nghề để kiếm sống. Tháng 6-1924 ông mới được vào nghề và cử làm chủ bút tờ Nông cổ Mín đàm. Được một thời gian, tờ báo bị đình bản. Ông cùng đồng nghiệp cho xuất bản Ngòi bút sắt. Ngòi bút sắt lại bị thực dân Pháp đình bản.

Đầu năm 1927 Trần Huy Liệu sáng lập tờ Pháp Việt nhất gia. Tờ báo đã góp phần vạch trần chủ trương “Pháp Việt đề huề” của Đảng lập hiến do Bùi Quang Chiêu làm lãnh tụ. Pháp Việt nhất gia lại bị đình bản và ông chủ bút bị bắt tù 6 tháng tại khám lớn Sài Gòn với tội danh có chân trong tổ chức yêu nước.

Năm 1928, ra tù ông thành lập Cường học thư xã, chuyên xuất bản sách nhằm cổ vũ tinh thần yêu nước, nâng cao dân trí, giúp cho nhiều thanh niên giác ngộ cách mạng.

Với các bút danh Đấu Nam, Côi Vị, Hải Khách v.v… các bài viết của Trần Huy Liệu nổi tiếng về tinh thần yêu nước, chống thực dân Pháp, đòi quyền tự do, dân chủ, đòi quyền sống cho dân nghèo, đòi thả nhà chí sĩ Phan Bội Châu, phát động quần chúng để tang Phan Chu Trinh v.v…

Cũng năm 1928, ông gia nhập Việt Nam Quốc dân Đảng, đứng ra tổ chức Đảng bộ trong Nam và trở thành nhân vật quan trọng của Đảng này ở Nam Kỳ.

Cuối năm 1929, thực dân Pháp đàn áp các phong trào cách mạng. Trần Huy Liệu bị bắt và bị kết án 5 năm tù cấm cố, đầy ra Côn Đảo. Trong tù, Trần Huy Liệu vẫn say mê với sự nghiệp làm báo của mình, vẫn miệt mài viết với bút danh Hải Khách, làm Chủ bút tờ Hòn Cau và Tiếng sóng bể nhằm động viên khí tiết của những người cách mạng và yêu nước. Những năm ở Côn Đảo, do tiếp xúc với những người cộng sản, được tiếp thu chủ nghĩa Mác, ông tuyên bố ly khai Quốc dân Đảng và tự nguyện xin đứng vào hàng ngũ những người cộng sản.

Ra tù và bị trục xuất về Bắc Kỳ, Trần Huy Liệu tiếp tục sự nghiệp báo chí. Năm 1936 ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương và được Đảng phân công cùng đồng chí Trường Chinh, Hạ Bá Cang (tức Hoàng Quốc Việt) người cũng vừa từ nhà tù Côn Đảo trở về làm báo nhằm khơi dậy truyền thống yêu nước của dân tộc và cổ vũ phong trào đấu tranh của nhân dân.

Hàng loạt những tờ báo liên tiếp thay thế nhau ra đời như: Đời Mới, Bắc Hà, Tiếng Vang, Kiến Văn, Hồn Trẻ, Tiếng Trẻ, Le travail, Rassemblement, En Avant, Hà Thành thời báo, Thời thế, Bạn dân v.v… Tờ trước bị đình bản thì tờ sau lại kịp thời xuất hiện. Khi Đảng Cộng sản Đông Dương ra hoạt động công khai và xuất bản tờ Tin tức, Trần Huy Liệu được giao trọng trách làm chủ bút.

Tin tức đã trở thành người bạn thân thiết của các tầng lớp nhân dân, nhất là giai cấp cần lao. Khi Tin tức bị chính quyền thực dân đóng cửa, Xứ ủy Bắc Kỳ quyết định cho ra tờ Đời nay và vẫn do Trần Huy Liệu làm chủ bút.

Tháng 10/1939 ông bị bắt và bị đầy lên nhà tù Sơn La. Ông cùng ông Xuân Thủy và nhiều đồng chí khác xuất bản báo Suối reo (tờ báo bí mật, lưu hành trong nhà tù) nhằm tuyên truyền đường lối cách mạng của Đảng, giáo dục, cổ vũ đồng chí, đồng đội giữ vững ý chí chiến đấu và khí tiết của người cộng sản.

Sau sự kiện một số tù nhân Sơn La vượt ngục, Trần Huy Liệu và một số đồng chí bị chuyển về nhà tù Bá Vân ở Nghĩa Lộ. Tại đây, ông lại cùng các đồng chí mình sáng lập hai tờ báo Dòng sông công và Đường nghĩa, góp phần tích cực vào việc động viên cổ vũ, các chiến sĩ cách mạng đấu tranh chống chế độ tù hà khắc.

Đầu năm 1945, ông và nhiều đồng chí vượt ngục thành công và được Đảng giao làm thư ký tòa soạn báo Cứu Quốc – Cơ quan của Tổng bộ Việt Minh cùng các đồng chí Xuân Thủy và nhiều đồng chí khác do đồng chí Lê Quang Đạo – Bí thư xứ ủy phụ trách.

Ngày 13/8/1945 ông dự Đại hội quốc dân Tân Trào và được Đại hội bầu làm Phó Chủ tịch Ủy ban Dân tộc giải phóng. Ông là tác giả bản Quân lệnh số 1 của Ủy ban khởi nghĩa. Lệnh Tổng Khởi nghĩa được phát đi vào đêm ngày 13/8 do đồng chí Võ Nguyên Giáp ủy quyền.

Ngày 30/8/1945, với cương vị Bộ trưởng Bộ tuyên truyền đầu tiên trong Chính phủ lâm thời ông đã cùng ông Nguyễn Lương Bằng thay mặt Tổng bộ Việt Minh và ông Cù Huy Cận được Chính phủ cử vào Huế chấp nhận sự thoái vị của Bảo Đại – Vị vua cuối cùng của Triều Nguyễn.

Từ ngày 1/1/1946 ông làm Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền cổ động trong Chính phủ liên hiệp. Sau đó, ông lần lượt đảm nhận các chức vụ quan trọng. Qua đợt chỉnh huấn năm 1952, ông nêu nguyện vọng được chuyển sang chuyên nghiên cứu về sử nước nhà. Đáp ứng nguyện vọng đó, ngày 2/12/1953 Tổng bí thư Trường Chinh quyết định thành lập Ban nghiên cứu Văn Sử Địa trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng gồm các đồng chí Trần Huy Liệu, Minh Tranh, Tôn Quang Phiệt, Hoài Thanh, Trần Quốc Thảo, Vũ Ngọc Phan do đồng chí Trần Huy Liệu làm Trưởng ban.

Đây là tổ chức tiền thân của Viện Sử học và Viện Khoa học xã hội Việt Nam. Nó đánh dấu bước phát triển mới của ngành khoa học xã hội mà giáo sư Trần Huy Liệu là người sáng lập.

Từ 6 nhân sự ban đầu, cùng với việc thu thập tư liệu, ông đặc biệt quan tâm đến việc “chiêu hiền, đãi sĩ” và đào tạo đội ngũ. Với uy tín của mình, ông đã vận động được các nhà sử học hàng đầu nước ta hồi đó như: Trần Văn Giàu, Đào Duy Anh, Văn Tân, Trần Văn Giáp, Nguyễn Lương Bích… và các nhà nghiên cứu văn học như: Nguyễn Đổng Chi, Trần Thanh Mai, Ngô Quang Miện, Đinh Gia Khánh… tham gia hoạt động của Ban.

Lo trước mắt nhưng ông không quên bước phát triển lâu dài của Ban Nghiên cứu Văn Sử Địa. Để có lực lượng kế cận, ông thu hút lớp giảng viên trẻ đang dạy khu học xá Nam Ninh và số sinh viên lớp dự bị đại học ở Khu IV để đào tạo, bồi dưỡng. Số này trở thành lực lượng nòng cốt của ngành xã hội học ở những năm 80, 90.

Năm 1960 Viện Sử học chính thức được thành lập. Ông được cử giữ chức Viện trưởng. Và ông cũng được bầu làm Chủ tịch đầu tiên của Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, rồi Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam.

Ông được bầu làm Viện sĩ Thông tấn Viện Hàn lâm Khoa học nước Cộng hòa dân chủ Đức.

Bằng tài năng xuất chúng, tinh thần tự học hiếm thấy và cường độ lao động phi thường, giáo sư -Viện sĩ Trần Huy Liệu đã để lại cho nền sử học nước nhà 290 công trình nghiên cứu và các bản Hồi ký, trong đó công trình “80 năm lịch sử chống Pháp” đã được đưa vào làm sách giáo khoa dạy trong các trường đại học và được truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh đợt đầu tiên, được Nhà nước Cộng hòa dân chủ Đức tặng Huân chương Danh dự.

Những di sản đồ sộ mà ông để lại cho dân tộc đã đưa tên tuổi của ông vào hàng ngũ những nhà sử học hàng đầu của nước ta.

Tham luận của các đại biểu tại Lễ Kỷ niệm 110 năm ngày sinh Trần Huy Liệu đều có chung một đánh giá:

“Giáo sư là người có công lớn trong việc phát hiện, tập hợp các nhà khoa học có uy tín vào tổ chức nghiên cứu sử dụng cũng như Khoa học xã hội của nước nhà”.

“Nói đến Trần Huy Liệu là nói đến một nhà hoạt động chính trị, nhà báo, nhà thơ yêu ước nổi tiếng một thời, nói đến người anh cả của ngành khoa học xã hội Việt Nam”.

“Cuộc đời Trần Huy Liệu là một cuốn sử đầy ắp các nhân vật lịch sử đã chứng kiến và tham gia vào biết bao biến cố chính trị, xã hội của dân tộc ta ở thế kỷ XX”.

“Là một nhân cách lớn, một trí thức lớn, một nhà yêu nước nổi tiếng với ý chí “Tất cả cho sự nghiệp giải phóng dân tộc”.

Tiếc thay, trong buổi Lễ Kỷ niệm Ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7/1969 khi giáo sư đang nói chuyện tại Hội trường Ủy ban Khoa học Xã hội thì bị đột quỵ và qua đời vào ngày hôm sau 28/7/1969 hưởng thọ 68 tuổi.

Nguyễn Túc (Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam)