Phát triển công nghiệp hỗ trợ: Vẫn chờ cơ chế

Thanh Giang 11/03/2016 11:15

Thiếu nhiều về điều kiện, cơ chế chính sách nên công nghiệp hỗ trợ đến thời điểm này vẫn “án binh bất động”. Kết quả, nguyên liệu sản xuất nhập khẩu với số lượng lớn, tỷ lệ nội địa hóa của các ngành kinh tế trọng điểm quá thấp so với yêu cầu thực tiễn. 

Phát triển công nghiệp hỗ trợ: Vẫn chờ cơ chế

Nhiều ngành mong muốn công nghiệp hỗ trợ
phát triển nhằm giảm nhập khẩu nguyên liệu, tăng tỷ lệ nội địa hóa.

“Ì ạch” tỷ lệ nội địa hóa

Nhiều ý kiến cho rằng, đáng ra ở thời điểm hiện nay công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam phải có những kết quả vượt bậc chứ không ì ạch với tỷ lệ nội địa hóa quá thấp. Theo Bộ Công thương, về xuất khẩu, gần đây giá trị xuất khẩu ngành nhựa đã đạt được nhiều khả quan, năm 2014 đạt khoảng 2,5 tỷ USD và năm 2015 đạt 2,48 tỷ USD. Nhưng ngành nhựa vẫn bộc lộ nhiều yếu kém, trong đó thách thức đối với ngành nhựa hiện nay là công nghiệp hỗ trợ cho ngành chưa phát triển. Nguyên liệu nhập khẩu tới 85%. Bên cạnh đó, tỷ lệ nội địa hóa của sản phẩm nhựa chỉ đạt khoảng 33%, trong khi mức trung bình của các nước là từ 44% trở lên. Yếu về công nghiệp hỗ trợ phải kể đến ngành ô tô, dệt may, da giày…

Tương tự, Việt Nam nổi tiếng là 1 trong 5 nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới song ngành dệt may phải phụ thuộc quá nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu. Kim ngạch 2015 27,1 tỷ, tăng 10% so với năm 2014, nhưng lợi nhuận thu về ít vì đa phần nhập khẩu nguyên phụ liệu. Điển hình như ngành dệt may của TP. HCM năm 2013, kim ngạch xuất khẩu đạt 4,44 tỷ USD thì kim ngạch nhập khẩu của ngành này đã lên đến 3,17 tỷ USD. Ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP HCM cho rằng, nếu chậm phát triển công nghiệp hỗ trợ, ngành dệt may sẽ rơi vào tay doanh nghiệp nước ngoài, khi đó doanh nghiệp nội địa chỉ còn cách gia công sản phẩm trường kỳ cho doanh nghiệp khác.

Công nghiệp hỗ trợ “giậm chân tại chỗ”

Quan ngại về những cản trở khiến ngành công nghiệp hỗ trợ chậm phát triển, ông Nguyễn Trí Dũng, đại diện Công ty Minh Trần cho rằng, dù đã trải qua 10 năm phát triển nhưng ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam vẫn “giậm chân tại chỗ”. Nguyên nhân cơ bản là do một số chính sách pháp luật của Việt Nam còn chưa sát với thực tế. Để giải quyết căn nguyên của vấn đề này, Nhà nước phải theo sát doanh nghiệp để đưa ra các chính sách sát với tình hình thực tế. “Ít nhất Việt Nam phải xây dựng được cơ chế cho doanh nghiệp vừa và nhỏ ở các lĩnh vực ưu tiên tiếp cận được nguồn vốn vay, đảm bảo đủ nguồn tài chính để đầu tư khi cần. Bên cạnh đó phải có các chính sách phù hợp để hỗ trợ, phải vận dụng hết các văn bản pháp luật để xây dựng cơ chế thông thoáng mới có thể thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ phát triển”, ông Yasuzumi Hirotaka, Giám đốc điều hành Jetro (Nhật Bản) TP HCM nhấn mạnh. Nói về giải pháp cho ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển tạo điều kiện cho ngành dệt may ngày càng tăng trưởng, ông Phạm Xuân Hồng đưa ra giải pháp, thành phố nên miễn giảm thuế đất cho các doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ dệt may. Nhà nước đầu tư hệ thống xử lý nước thải để doanh nghiệp nhẹ gánh trong khâu này.

Liên quan đến phát triển công nghiệp hỗ trợ, ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công thương TP HCM cho hay, thành phố đã triển khai nhiều giải pháp nằm thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ. Cụ thể, ngay khi chưa có đề án phát triển ngành này, thành phố đã ban hành nhiều quyết định triển khai trong thực tiễn thành lập trung tâm phát triển công nghiệp hỗ trợ trực thuộc sở Công thương. Trung tâm này tiếp nhận ý kiến và các dự án về công nghiệp hỗ trợ liên quan đến thành phố, đồng thời phối hợp với các cơ quan ban ngành tham mưu cho thành phố thành lập các nhà xưởng cao tầng về công nghiệp hỗ trợ nhằm tháo gỡ khó khăn về mặt bằng, nhà xưởng cho các doanh nghiệp. Thông tin về Đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ TP HCM, ông Nguyễn Phương Đông khẳng định, Sở Công thương đang tập trung cùng các đơn vị tư vấn hoàn thiện đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ đối với 6 ngành hàng: cơ khí điện tử viễn thông, chế biến tinh lương thực thực phẩm, cao su, nhựa, dệt may, da giày.

Thời gian qua, trung ương và thành phố có nhiều cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tuy nhiên, theo đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp, hiệu ứng, tác động của cơ chế chính sách chưa thật sự hiệu quả vì phạm vi quá rộng, quá cào bằng. Thậm chí, nhiều địa phương không biết bắt đầu từ đâu nên loay hoay mãi mà không tìm thấy “lối ra” cho ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển tốt đáp ứng nhu cầu bức bách từ hội nhập.

Thanh Giang