Bác sĩ gia đình-anh là ai?
Hồi bé, tôi vẫn nhớ, trong xóm tôi ở có ông Thọ chuyên làm nghề chữa bệnh tại nhà. Cứ xịch cái hắt hơi, sổ mũi, đau bụng hay kèm nhèm mắt mũi là dân xóm tôi hay chạy tới ông, xong tất! Hãn hữu lắm mới phải đưa nhau đi bệnh viện. Ông còn đi khắp xóm thăm khám, tư vấn cũng như giúp đỡ mọi người tự chăm sóc sức khỏe bản thân rất hiệu quả, nhiệt tình, mức thù lao cũng rất phải chăng và linh hoạt
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến.
Chuyện khác, tại Trạm Y tế xã Tam Hồng, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc, có lần, trả lời câu hỏi của tôi: “Có bao giờ các y, bác sĩ ở đây xuống tận nhà người dân khám chữa bệnh hay tư vấn dự phòng không?”, người Trạm trưởng nói: “Chúng tôi không có chức năng này”. Điều này đồng nghĩa với việc: Người bệnh muốn gì phải đến đây. Cũng chẳng trách gì họ được vì họ đang làm theo quy định của Nhà nước.
Thế rồi, mấy năm nay bỗng loang ra từ trên Bộ Y tế khái niệm bác sĩ gia đình, rồi cả một cuộc được gọi là thí điểm mô hình bác sĩ gia đình được Bộ Y tế triển khai tại 8 tỉnh trên cả nước. Tại Hà Nội cũng có hai “anh em” nhà này, một cái “công”, một cái “tư”. Từ đó đến nay đã mấy năm trôi qua, khái niệm cũng như mô hình bác sĩ gia đình dường như vẫn chưa ăn nhập vào tâm trí người dân là mấy. Bằng chứng chả mấy người hay biết hay bàn đến nếu họ được hỏi về nó. Ốm đau, bệnh tật, bất kể mức độ nào, người ta thường trực một cách giải quyết: Đi viện! Một số khác tìm đến bác sĩ tại các phòng khám tư, phòng mạch tư. Chấm hết!
Có dịp gặp lại hai “anh em” bác sĩ gia đình nói trên, tôi lại nhận được những số liệu về số lượt người đến đây cậy nhờ, có tăng lên chút đỉnh nhưng chẳng thấm vào đâu so với kỳ vọng của họ. Nay có tin, đầu tháng 3 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến vừa chủ trì cuộc họp tại TP.Hồ Chí Minh triển khai kế hoạch từ nay đến năm 2020, cả nước phải phấn đấu đạt được 80% số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có mô hình bác sĩ gia đình. Người viết bài này mừng lắm!
Theo bà Bộ trưởng: Bác sĩ gia đình là bác sĩ đa khoa thực hành, chăm sóc toàn diện và liên tục cho người bệnh, có mối quan hệ lâu dài và bền vững với người bệnh, là những thầy thuốc gắn với dân và gần dân nhất. Bác sĩ gia đình là bác sĩ hướng về gia đình, biết rõ từng người bệnh trong hoàn cảnh và gia đình của họ, xem xét vấn đề sức khỏe của người bệnh trong hoàn cảnh của cộng đồng và lối sống của người đó trong cộng đồng. Mô hình bác sĩ gia đình đã phát triển ở nhiều nước trên thế giới từ giữa Thế kỷ XX. Năm 1960, Y học gia đình ra đời ở Mỹ, Anh và một số nước, đã đáp ứng kịp thời nhu cầu chăm sóc sức khỏe của cộng đồng với sự chuyển đổi mô hình bệnh tật trên toàn cầu. Năm 1995, có 56 nước đã phát triển và áp dụng chương trình đào tạo Y học gia đình. Hiệp hội Bác sĩ gia đình toàn cầu (WONCA) đã được thành lập năm 1972 và đến nay đã có khoảng 100 quốc gia thành viên.
Tại Việt Nam, tháng 3-2000, Bộ Y tế chính thức công nhận chuyên ngành Y học gia đình và cho phép đào tạo bác sĩ chuyên khoa cấp I Y học gia đình. Năm 2013, Bộ Y tế phê duyệt Đề án: “Xây dựng và phát triển mô hình phòng khám bác sĩ gia đình tại Việt Nam giai đoạn 2013-2020”. Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện, đến nay đã có 6 Sở Y tế tổ chức thực hiện mô hình bác sĩ gia đình và phòng khám bác sĩ gia đình tại địa phương và bước đầu đã thu được kết quả khả quan. Tuy vậy thí điểm cho thấy còn nhiều hạn chế, bất cập cần khắc phục để hiệu quả được nâng cao hơn.
Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) Trần Quý Tường, vướng mắc lớn nhất là chưa có cơ chế định giá cũng như thanh toán BHYT cho các dịch vụ trong mô hình hoạt động của bác sĩ gia đình. Bác sĩ gia đình có khi phải đến tận nhà thăm khám bệnh nhân, phải tư vấn hàng giờ cho họ, tính phí thế nào cho thỏa đáng đây? Ông dẫn ra mô hình bác sĩ gia đình của ngành y tế Thổ Nhĩ Kỳ, được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công nhận là điểm sáng, để làm ví dụ như một trong những giải pháp mà ngành y tế nước ta cần học tập. Ở đây, các hoạt động của bác sĩ gia đình được chi trả bởi ngân sách nhà nước hoặc do BHYT chi trả. Trong hệ thống y tế ở Thổ Nhĩ Kỳ, không có “nhà thuốc” kinh doanh mua bán tại các BV như ở ta. Người bệnh được cấp phát thuốc theo chế độ BHYT. Tiền mua thuốc theo đơn cho bệnh nhân do các bác sĩ kê, được cơ quan bảo hiểm thanh toán. Điều này làm nên sự thanh sạch của nền y tế nước họ.
Tại một số nước khác như Thái Lan, cơ quan BHYT chi trả khoán định suất chăm sóc sức khỏe mỗi người dân cho ngành y tế bao nhiêu tiền/năm. Vì thế, vào các BV của họ, không thấy có nhiều bệnh nhân như ở ta. Hỏi ra mới hay, họ được chăm sóc tốt về mặt dự phòng, mấy người ốm mà đi viện nữa. Đây đương nhiên là mảnh đất màu mỡ cho mô hình bác sĩ gia đình phát triển.
Tính ưu việt của mô hình bác sĩ gia đình đã được khẳng định trên thế giới và được Bộ Y tế nước ta lấy đó là một trong những giải pháp hữu hiệu để phát triển sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân. Cái thuận nhất trong việc triển khai này là ở ta có cả một hệ thống rất “hoành tráng”, “hùng hậu” y tế cơ sở mà theo như ông Trần Quý Tường nhận định, có đến 80% các hoạt động của nó “giống” như mô hình bác sĩ gia đình các nước khác. Số còn lại chỉ là sự khác biệt về cơ chế hoạt động, phối hợp chuyển tuyến và trao đổi thông tin phù hợp giữa các phòng khám bác sĩ gia đình với hệ thống khám bệnh, chữa bệnh, cơ chế phát triển nguồn nhân lực…mà không phải khó đến mức chúng ta không giải quyết được.
“Thậm chí chúng ta cũng nên bắt chước các nước trích từ quỹ BHYT mà chi khoán định suất nguồn thu cho các bác sĩ gia đình như ở các nước, để khuyến khích ai làm tốt thì càng thu hút được nhiều bệnh nhân. Nếu triển khai thành công được mô hình bác sĩ gia đình, chắc chắn người dân sẽ đỡ bệnh tật, đỡ tốn kém để có sức khỏe mà cống hiến cho xã hội nhiều hơn, ngành y tế sẽ khắc phục được hàng loạt những vấn nạn về quá tải hoặc vi phạm về thái độ, phong cách, đạo đức nghề nghiệp…” - Ông Tường nhấn mạnh.