Nhật Bản tưởng niệm các nạn nhân trong thảm họa kép
Hôm nay, Nhật Bản đã tổ chức lễ tưởng niệm lần thứ 5 thảm họa kép động đất -sóng thần từng xảy ra ở nước này, khiến hơn 18.000 người chết hoặc mất tích. Nhật hoàng Akihito cùng Thủ tướng Shinzo Abe đã tới tham dự và tuyên bố phút mặc niệm vào đúng thời điểm trận động đất xảy ra.
Người dân Tokyo tạm dừng bước trên phố để tưởng nhớ các nạn nhân
trong thảm họa kép hồi năm 2011. (Nguồn: Reuters).
Trận động đất có cường độ 9,0 độ Richter đã tấn công vào vùng biển Nhật Bản vào ngày 11/3/2011, tạo nên những đợt sóng thần hủy diệt ở bờ biển phía Đông Bắc nước này. Đợt sóng thần còn gây nên một thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất kể từ sau sự kiện Chernobyl tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi.
Nước tràn ngập các lò phản ứng, khiến cho hệ thống làm mát ngưng hoạt động và khiến các lõi của lò phản ứng tan chảy. Sự việc khiến phóng xạ rò rỉ trên một khu vực rộng lớn, buộc hơn 160.000 người dân xung quanh phải đi sơ tán. Trận động đất năm 2011 là một trong những trận động đất mạnh nhất mà thế giới từng ghi nhận. Nhưng sức hủy diệt kinh hoàng nhất vẫn là ở các đợt sóng thần mà nó gây nên.
Vào lúc 14h46 giờ Tokyo (12h56 giờ Hà Nội) ngày 11/3, thời khắc mà trận động đất được phát hiện, người dân toàn Nhật Bản đã cùng có phút mặc niệm tưởng nhớ các nạn nhân của thảm họa kép. Tiếng chuông chùa vang lên, và cả thủ đô Tokyo dường như chững lại trong đôi lúc.
Một ngày trước lễ kỷ niệm, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe vẫn tái khẳng định cam kết của họ đối với việc theo đuổi năng lượng hạt nhân, nói rằng nước này “không thể làm gì nếu thiếu nó (năng lượng hạt nhân)” trong dài hạn.
Gần như tất cả các nhà máy điện hạt nhân trên khắp nước hiện Nhật đã được chỉ thị ngừng hoạt động trong bối cảnh nhiều mối quan ngại về an toàn sau thảm họa ở Fukushima. Chỉ có một vài lò phản ứng được tái khởi động sau thảm họa, bất chấp sự phản đối từ người dân.
Đã có tới 470.000 người phải sơ tán khỏi các khu vực xung quanh Fukushima do lo sợ rò rỉ phóng xạ. Đối với những người may mắn sống sót sau thảm họa, thì những vết thương về tinh thần mới là mối lo chính của họ.
“Cơ sở hạ tầng đang phục hồi, nhưng trái tim chúng tôi thì không” - Eiki Kumagai, một lính cứu hỏa tình nguyện cho hay. Anh này nói thêm rằng anh đã chứng kiến sự ra đi của 51 đồng nghiệp do sóng thần.