Cảnh báo rủi ro đầu tư tiền ảo
Bộ Công thương vừa chính thức cảnh báo người dân về những lời chào mời đang nở rộ về đầu tư tiền ảo cho lãi khủng và khuyến cáo người dân không nên tham gia.
Theo đó, Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, (Bộ Công thương) cảnh báo: Gần đây, một số website, diễn đàn và mạng xã hội đã phổ biến nhanh các thông tin về các loại “tiền ảo” như Onecoin, Swisscoin, Bitcoin, Gem coin, IL coin… với nhiều lời chào mời các nhà đầu tư tham gia mạng lưới đồng thời hứa hẹn sẽ thu lãi “khủng”.
Hiểu nôm na, đầu tư Onecoin, mỗi thành viên sẽ phải đóng 3,8 triệu đồng tham gia khóa học đào tạo tài chính. Sau khóa học, thành viên sẽ được tặng đồng tiền Onetoken (đây là loại tiền dùng giao dịch giữa các thành viên của Onecoin). Đồng Onetoken sẽ được đổi sang đồng Onecoin theo tỉ lệ 10:1 (tức 10 đồng Onetoken đổi được 1 đồng Onecoin). Người tham gia đầu tư Onecoin sẽ được tham gia 4 gói, thấp nhất là 16 triệu cao nhất là 148 triệu đồng.
Nếu tham gia gói 16 triệu, thành viên sẽ được tặng 5.000 đồng Onetoken tương đương 500 đồng Onecoin, số Onecoin này sẽ được nhân đôi trong tháng 6, tức trở thành 1.000 Onecoin. Cộng với lãi, thành viên đã có 24 triệu đồng.
Bên cạnh đó, thành viên còn có thêm những khoản thu nhập khổng lồ có được từ tỷ lệ hoa hồng khi họ lôi kéo thêm được thành viên mới tham gia vào cộng đồng Onecoin. Ngoài ra, thành viên còn tặng vé du lịch, đồng tiền vàng, được nhân đôi số Onetoken… Số tiền “siêu lợi nhuận” đã khiến cho cơn lốc tiền ảo Onecoin càng thêm “nóng” tại Việt Nam, với “chân lý”, người nọ kiếm nhiều tiền, lôi kéo người kia tham gia kiếm nhiều tiền hơn..
Theo chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong, về bản chất đồng tiền Onecoin chỉ là một sản phẩm ảo mặc định từ thuật toán phức tạp, khó thấy, khó hiểu và khó kiểm chứng, do cá nhân tạo ra và bị lạm dụng biến thành đối tượng kinh doanh “hàng ảo” thuần túy trên mạng. Onecoin không được nhà nước Việt Nam phát hành và bảo hộ giá trị. Do vậy, Onecoin, dù coi là tiền nhưng giá trị “ảo” của nó chẳng khác gì bẫy “kinh doanh tiền ảo” đa cấp, bất hợp pháp và đầy rủi ro.
Trước những thiệt hại thật mà tiền ảo gây ra cho người dân thời gian qua, Cục Thương mại Điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công thương) đã chính thức lên tiếng cảnh báo về những tác động tiêu cực của loại tiền này.
Theo Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, trong hai năm 2014 và 2015, nhiều hệ thống “tiền ảo” như Bitcoin bị cấm giao dịch ở một số quốc gia như Trung Quốc, Nga, Thái Lan... Với các giao dịch kiểu này, các hệ thống kỹ thuật cũng bị hacker tấn công như ở Nhật Bản, Hong Kong... dẫn tới nhà đầu tư và người dân bị thiệt hại nặng nề.
Tại Việt Nam, cơ quan công an cũng nhận được nhiều đơn trình báo của nhà đầu tư tố cáo bị đối tác mua bán trên mạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản, sau khi chuyển tiền mặt vào tài khoản của đối tượng nhưng không nhận được tiền điện tử quy đổi. Do vậy, Cục này khuyến cáo người tiêu dùng và các nhà đầu tư thận trọng khi tham gia mua bán “tiền ảo” hay sử dụng để thanh toán cho các giao dịch thương mại điện tử, tránh các rủi ro bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có thông báo khẳng định Bitcoin và các loại “tiền ảo” tương tự khác không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Bộ Công thương khuyến cáo việc sở hữu, mua bán, sử dụng “tiền ảo” như là một loại tài sản không được pháp luật bảo vệ, vì vậy, sẽ chứa nhiều rủi ro.