Lâm sản không chỉ có gỗ
Ở Việt Nam có hơn 14 triệu ha rừng, lâm sản ngoài gỗ (LSNG) là nguồn tài nguyên quan trọng trong sản xuất lâm nghiệp, đặc biệt là phát triển kinh tế nông thôn miền núi. Đây là nguyên liệu cung cấp cho sản xuất hàng hoá nội địa cũng như xuất khẩu rất đa dạng, bao gồm thực phẩm, dược phẩm, tinh dầu, sợi, hàng thủ công mỹ nghệ...
Thảo quả - một loại lâm sản ngoài gỗ quý giá.
Hiện nay, LSNG của Việt Nam xuất khẩu sang gần 90 nước và vùng lãnh thổ. Thị trường Nhật Bản và Đài Loan chiếm thị phần cao và ổn định, thị trường Mỹ mới có từ năm 2001 nhưng có mức tăng trưởng rất nhanh, có triển vọng là thị trường tiềm năng. Thực tiễn ở một số địa phương cho thấy, phát triển LSNG đã góp phần khôi phục, nâng cao độ che phủ và bảo tồn đa dạng sinh học rừng.
Trồng LSNG trong những khu rừng không thích hợp cho sản xuất gỗ đã giúp nâng cao giá trị của những khu rừng này, là một phương thức bảo vệ về mặt kinh tế hạn chế việc chuyển đổi đất lâm nghiệp sang mục đích sử dụng khác.
Để tận dụng thế mạnh cho các loại LSNG, trong thời gian tới theo các chuyên gia nên có định hướng phát triển lâm sản ngoài gỗ ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Đánh giá lại đúng thực trạng và giải pháp phát triển cây LSNG ở một số tỉnh trọng điểm như Hòa Bình, Quảng Ninh, Bắc Kạn, Lào Cai… Ngoài các cây tự nhiên, truyền thống thì nên tiếp cận và đưa vào một số loài cây lâm nghiệp cho dầu, nhựa ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Phải chủ động đáp ứng nguồn giống cây LSNG làm dược liệu ổn định, đạt chất lượng cao cho công tác phát triển nguồn dược liệu bền vững…
Theo Tổng cục Lâm nghiệp, để thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát triển LSNG, trong thời gian tới, cần xây dựng Kế hoạch hành động cho giai đoạn từ nay đến năm 2020. Quan tâm thu hút đầu tư hoặc dành ưu tiên vốn tài trợ quốc tế để thực hiện thí điểm ít nhất 1 Dự án bảo tồn và phát triển LSNG để thúc đẩy phát triển LSNG. Ưu tiên vốn sự nghiệp kinh tế cho điều tra cơ bản và qui hoạch tài nguyên LSNG để làm cơ sở theo dõi, quản lý và gây trồng, phát triển LSNG.
Đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép xây dựng và ban hành chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển LSNG, quan tâm đầu tư các nguồn lực tương xứng với tiềm năng LSNG để góp phần phát triển và làm tăng giá trị hàng hóa, xuất khẩu LSNG trong giai đoạn tới.
Về định hướng trong thời gian tới, theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, cần hình thành các vùng nguyên liệu lâm sản ngoài gỗ với quy mô hợp lý gắn với cơ sở chế biến lâm sản, tạo những sản phẩm đặc trưng cho từng vùng và phù hợp với nhu cầu của thị trường. Trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, cần phát triển một số loài LSNG chủ yếu làm đồ thủ công mỹ nghệ và một số loài cây dược liệu truyền thống phục vụ xuất khẩu.
Cần xây dựng mô hình trồng thâm canh chế biến bảo quản và sử dụng hiệu quả một số loài LSNG như mây nếp, song mật, luồng, quế, hồi, thảo quả…từ khâu giống, kỹ thuật trồng thâm canh đến công nghệ sau thu hoạch…