Lấy đất nuôi bò, làm khó người dân
Hàng chục hộ dân trên địa bàn xã Quảng Phú (huyện Krông Nô, Đắk Nông) đang hoang mang lo lắng khi diện tích đất sản xuất của họ bị chính quyền huyện thu hồi giao cho Dự án nuôi bò sữa của Tập đoàn Đức Long-Gia Lai nhưng chỉ được hỗ trợ với giá bèo (5 triệu đồng/ha). Viễn cảnh thiếu đất sản xuất, tái nghèo của nhiều hộ đang quay trở lại. Mặc dù các hộ dân đã gửi đơn kêu cứu khắp nơi, nhưng chưa được giải quyết, trong khi chính quyền và phối hợp cùng doanh nghiệp kiên quyết cưỡng chế và đưa máy mó
Bà Amí Khôi đang cố thu hoạch những củ mì trên mảnh đất khai hoang
trước ngày bị cưỡng chế lấy đất.
Kỳ 1: Đền bù chưa thỏa đáng
Dự án nuôi bò sữa tại xã Quảng Phú, huyện Krông Nô được UBND tỉnh Đắk Nông phê duyệt cho Tập đoàn Đức Long-Gia Lai triển khai thực hiện với tổng vốn đầu tư dự kiến 850 tỷ đồng, quy mô trang trại nuôi 10.000 con bò sữa và trồng cây nông nghiệp ngắn ngày công nghệ cao, hứa hẹn sẽ làm thay đổi diện mạo đời sống kinh tế-văn hóa-xã hội của vùng đất khó Krông Nô.
Để thực hiện Dự án thì UBND tỉnh giao cho UBND huyện Krông Nô xem xét lại quỹ đất và lập phương án đền bù hỗ trợ người dân trong vùng dự án thỏa đáng. Chủ trương thì đúng nhưng khi triển khai nhiều cơ quan chức năng huyện Krông Nô lại cố ý làm sai, đẩy người dân trong vùng dự án đối mặt với nhiều khó khăn.
Gia đình bà Amí Khôi thuộc dạng khó nhất của thôn Phú Lợi, xã Quảng Phú. Cả gia đình có 11 nhân khẩu, nhưng cuộc sống chỉ trông chờ 1,5 ha đất được gia đình khai hoang từ năm 2002. Amí Khôi cho biết: “Do gia đình đông con, lại nghèo không có đất sản xuất nên gia đình khai hoang mảnh đất này từ những năm 2002. Khi vào làm rẫy cả mười mấy năm nay không hề có thấy cán bộ kiểm lâm, hay chính quyền vào ngăn cản gì. Mới đây, nghe xã bảo huyện sẽ thu lại đất này giao cho Dự án nuôi bò và vận động bà con trả lại đất rồi nhận đền bù. Mỗi héc ta ở đây người ta bán sang tay không có giấy tờ cũng được 50 đến 60 triệu đồng vậy mà giờ họ thu, chỉ hỗ trợ 5 triệu đồng thì gia đình tôi làm sao mà sống được. Hiện nhà tôi chỉ có từng này đất để làm thôi. Mong chính quyền và doanh nghiệp xem xét lại đền bù thỏa đáng và cấp lại đất cho người dân chúng tôi làm ăn sinh sống”.
Liền kề rẫy Amí Khôi là khu rẫy 5,7 ha được ông Phan Tâm mua lại của gia đình ông Ama Sinh, thôn Phú Lợi. Đây là diện tích rẫy do gia đình ông Ama Sinh khai hoang từ những năm 2000. Do cần tiền để chữa chạy bệnh ung thư, ông Ama Sinh đã sang nhượng lại cho gia đình ông Tâm với giá gần 300 triệu đồng. Từ đó đến nay, gia đình ông Tâm sản xuất mà không thấy ai tới gây khó dễ. Thế nhưng khi có chủ trương thu hồi đất thì gia đình ông Tâm chỉ được Tập đoàn Đức Long-Gia Lai hỗ trợ tiền khai hoang và đền bù cây trồng trên đất với tổng số tiền hơn 62 triệu đồng.
Ông Tâm nói: “Giờ họ thu hết đất, gia đình tôi không còn mảnh đất nào để sinh sống. Gia đình tôi mong muốn huyện và Tập đoàn Đức Long-Gia Lai đền bù thỏa đáng về giá trị đất cho chúng tôi, chứ họ lấy đất mà chỉ hỗ trợ giá rẻ như vậy thì thiệt cho chúng tôi quá”.
Còn gia đình ông Hoàng Thế Hoàn trú tại thôn Phú Hưng, xã Quảng Phú bị thu hơn 11 ha đất, nhưng tiền hỗ trợ không bằng một nửa mùa mì mà gia đình ông chăm sóc thu hoạch hàng năm.
Ông Hoàn bức xúc: “Sau cơn lũ lịch sử năm 2000, gia đình tôi ở gần bờ sông nên bị cuốn trôi hết tài sản nhà cửa và đất đai canh tác. Trong khi đang đi tìm đất để khai hoang thì tôi được già Làng Y Krua sống tại thôn Phú Lợi nhận làm con nuôi và cho 1 mảnh rẫy cũ gần 3 ha của gia đình ở khu Bàu Bảy do gia đình già làng khai phá từ lâu (nay là tiểu khu 1327, thuộc lâm phần Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Đức) phần lớn rừng ở đây đã bị khai thác hết gỗ chỉ còn lại cỏ dại và bụi le. Từ đó đến nay khu vực này được người dân sinh sống, sản xuất, không có cơ quan chức năng nào kiểm tra, quản lý”.
Việc ông Hoàn được già làng cho đất năm 2000 có rất nhiều người làm chứng trong đó có ông Y Trơi thôn Phú Lợi nay là Phó Ban Dân tộc huyện Krông Nô; ông Y Ba Niê, ông Y Siêng là em trai ông già làng Y Krua làm chứng và khẳng định đất đó được bà con đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây khai phá từ nhiều năm trước.
Hiện khu đất hơn 75 héc ta mà phía UBND huyện Krông Nô tiến hành thu hồi để giao cho Dự án nuôi bò nhưng không đền bù thuộc phần đất canh tác của 39 hộ dân, trong đó các hộ đã dựng nhà trồng cây cà phê, cao su, sinh sống nhiều năm nay. Ông Hoàn kiến nghị, chính quyền huyện cần xác minh chính xác nguồn gốc đất và thực hiện đền bù thỏa đáng cho người dân.
Trao đổi với chúng tôi, ông Hồ Tràng-Bí thư Đảng ủy xã Quảng Phú khẳng định: Diện tích đất 75 héc ta mà huyện thu hồi của 39 hộ dân giao cho Dự án nuôi bò thuộc lâm phần của Công ty TNHH MTV LN Quảng Đức, tuy nhiên trên thực tế thì diện tích này được người đồng bào dân tộc thiểu số khai phá từ trước năm 2004, trong đó nhiều diện tích đã được họ bán sang tay cho nhiều hộ khác.