Xu hướng làm phim phần 2: Cái KHÓ ló cái KHÔN?
Gần đây xuất hiện nhiều dự án làm tiếp phần 2 những bộ phim truyền hình từng nổi tiếng trong quá khứ. Liệu đây có phải cái khó ló cái khôn, hay cũng chỉ thể hiện sự quá khan hiếm những ý tưởng mới?
Cảnh trong phim “Làng Ma-10 năm sau”.
Săn lớp khán giả… có sẵn
Hiện, khán giả truyền hình đang được theo dõi phần 2 bộ phim “Những ngọn nến trong đêm” ở khung giờ vàng trên kênh VTV3. Đây là bộ phim từng được khán giả yêu mến năm 2002, do Vũ Hồng Sơn làm đạo diễn. Trong khi đó, đạo diễn Lưu Trọng Ninh gần đây cũng cho biết, chính anh sẽ đạo diễn phần 2 bộ phim “Hoa cỏ may”. Đây là bộ phim thu hút khán giả truyền hình cùng thời với “Những ngọn nến trong đêm”. Ngoài ra, ê-kip làm phim “Tuổi thanh xuân” cũng đang được sản xuất phần tiếp theo. Trước đó, “Những đứa con biệt động Sài Gòn”, từng là phần nối dài của “Biệt động Sài Gòn”, “Làng ma- 10 năm sau” thì tiếp nối “Ma làng”... Từ những dự án này, có thể nói, hiện ở Việt Nam đang hình thành một xu hướng nối dài những bộ phim truyền hình đã từng ghi dấu ấn trong lòng khán giả.
Không thể phủ nhận, sự nối dài những bộ phim nổi tiếng này sẽ đáp ứng được nhu cầu được gặp lại những nhân vật mà khán giả từng yêu thích một thời. Số phận của họ sẽ rẽ theo hướng nào, những cam go thử thách nào sẽ chờ họ phía trước để họ tiếp tục tỏa sáng hay sa ngã…, đó là điều mà khán giả rất tò mò muốn biết. Trên cơ sở đó, việc PR quảng cáo cho phim cũng sẽ dễ “lọt tai”, “vào mắt” khán giả hơn. Nhà sản xuất sẽ có một thuận lợi vô cùng lớn, đó là “tận dụng” những lớp khán giả có sẵn, háo hức đợi xem chứ không phải mất một vài tập đầu để thu hút sự quan tâm như những bộ phim mới hoàn toàn.
Thuận lợi lớn, khó khăn không nhỏ
Tuy vậy, câu hỏi thường được mọi người đặt ra là liệu phần 2 có còn sức hấp dẫn không, khi mà thế hệ khán giả đã thay đổi, khán giả hiện đã có quá nhiều lựa chọn những kênh truyền hình để xem, trong khi đó, nhiều người thời gian dành cho truyền hình lại bị ít đi?
Tất nhiên, để những dự án làm phim phần 2 tiếp tục ra mắt, các nhà sản xuất, đạo diễn đều đã tính toán kỹ, và cũng nhìn trước được yếu tố có lợi thì mới quyết định dấn thân. Bởi với họ, khán giả ngày nay đa dạng hơn xưa. Với phần 2, không chỉ họ “níu kéo” được một bộ phận không nhỏ những người từng dành tình cảm yêu mến cho những nhân vật, cho bộ phim mà còn tin tưởng ở thế hệ khán giả hoàn toàn mới. Sau 13-14 năm, một lớp khán giả tiềm năng xuất hiện. Đó là chưa kể, việc hợp tác với các mạng xã hội hoặc các nhà tài trợ, bán các spot quảng cáo cũng sẽ là nguồn thu rất “an toàn” cho một dự án.
Đó là chưa kể, nói là sản xuất phần 2 của phim nhưng không phải là “bê nguyên” một đội ngũ làm phim hùng hậu của mấy năm, thậm chí mười mấy năm về trước. “Những ngọn nến trong đêm 2” có sự “thay máu” lớn khi đảm nhiệm vai trò đạo diễn là Khải Anh chứ không phải Vũ Hồng Sơn như trước. Vì là sự nối tiếp nên các nhân vật chính như Thanh Trúc, Quốc, Văn vẫn “y nguyên” nhưng để mở ra một không gian mới, câu chuyện mới khi Thanh Trúc trở thành nhà thiết kế thời trang nổi tiếng, làm TGĐ công ty Văn Lang thì phải có những nhân vật mới. Một dàn diễn viên hùng hậu và ấn tượng như Mai Thu Huyền, Bình Minh, Chi Bảo, NSƯT Mỹ Uyên, Đinh Y Nhung, Dương Yến Ngọc… hứa hẹn sẽ đem đến sự “xôm tụ” cho phim.
Trong khi đó, ở “Hoa cỏ may” dù đạo diễn cũ nhưng có đến 90% diễn viên mới khiến khán giả phải mất thời gian để phán đoán xem “ai là ai”. Điều này sẽ gây áp lực cho diễn viên thay thế vì sẽ có sự so sánh rất lớn giữa những người đã quen mặt và “lính mới”.
Mai Thu Huyền trong “Những ngọn nến trong đêm” phần 2.
Loay hoay “ăn mày dĩ vãng”?
Mặc dù đã cố gắng “thay máu”, cũng như liên tục đưa “cái mới, cái đương đại” vào những bộ phim phần 2 nhưng một số dự án vẫn không tránh khỏi ì xèo từ khán giả, rằng đó chỉ là một kiểu “ăn mày dĩ vãng”.
Một số người làm trong nghề phim ảnh cũng cho rằng, nếu căn cứ trên những phim đã phát sóng rồi thì dường như đều có một “mẫu số chung” rằng phần 2 không hấp dẫn được khán giả như phần 1. Nhiều khán giả than thở khi theo dõi “Những đứa con biệt động Sài Gòn” phần 2. Ngay cả với “Những ngọn nến trong đêm” phần 2 đang chiếu trên truyền hình, sau mấy tập đầu phát sóng, nhiều khán giả đã nhận xét diễn xuất của diễn viên không được tinh tế, rời rạc, vô hồn, không làm bật lên được câu chuyện nên phim kém hấp dẫn và “mất khách” ngay sau những tập đầu tiên.
Bên cạnh đó, sự phát triển về tính cách của nhân vật không tương xứng với độ chín chắn về tuổi tác, độ mở rộng của câu chuyện nếu làm không khéo sẽ khiến phim trở nên kém hấp dẫn so với phần 1. Gộp chung lại, cả phần 2 của bộ phim sẽ phải chịu một cái bóng quá lớn mà chính “anh chị” của mình đã tạo ra. Điều đó khiến phần 2 gần như là ăn theo mà không tạo ra sự đột phá nào.
Tuy rằng giải trí thì cũng chỉ để “mua vui cũng được một vài trống canh” nhưng việc tạo thành một xu hướng ra mắt những phim phần 2 như thế phần nào cho thấy sự bí bách của kịch bản. Đã đành, điện ảnh, truyền hình có khi nào dư giả kịch bản xuất sắc đâu. Lúc nào kịch bản hay cũng thiếu, cũng quý hơn vàng. Ngay cả kịch bản được đánh giá tốt thôi cũng còn khan hiếm. Nhưng khi thời gian dài đã đi qua, thế hệ độc giả mới đã hình thành, mà nhiều nhà biên kịch, đạo diễn vẫn dậm chân, loay hoay tìm cách “ăn mày dĩ vãng” thì điều đó không phải là tín hiệu vui vẻ.
Tất nhiên, làm phim cho khán giả bằng cách nào đi chăng nữa cũng đáng được trân trọng. Nhưng đừng vì thiếu mà cứ bám níu, vì như thế cứ chỉ loay hoay như con mèo cắn đuôi chính mình.