Sách khoa học ở Việt Nam: Tất cả đều trên… khán đài

Thư Hoàng 13/03/2016 14:25

Thời gian qua, nhiều hội sách đã mở ra tại các thành phố lớn, nhất là Hà Nội và TP HCM. Mỗi kỳ mở hội, số lượng sách tiêu thụ đều khá ấn tượng. Tuy vậy, bên cạnh mảng sách văn học, giải trí phong phú thì sách khoa học có phần lép vế. Thử lý giải hiện tượng này qua góc nhìn của các chuyên gia.

Cần tạo thói quen cho trẻ em làm quen với sách khoa học. Ảnh: Hoàng Thu Phố.

Thiếu những “ông bầu”

TS Giáp Văn Dương cho rằng, sở dĩ người Việt chúng ta chưa có thói quen đọc sách khoa học bởi mảng sách này chưa được chú ý, chưa có đội ngũ các tác giả, dịch giả chuyên nghiệp, dấn thân cho lĩnh vực này. Tất cả độc giả, tác giả, dịch giả, NXB lẫn thầy cô giáo và học sinh đều ngồi trên khán đài, trong đó cuộc sống sôi động thì đang diễn ra dưới sân cỏ.

Ý kiến trên đã được TS Giáp Văn Dương nêu ra tại cuộc toạ đàm “Thói quen đọc sách khoa học” do Công ty Văn hóa Đông A tổ chức cách đây ít lâu. Đến nay, nhận định này vẫn còn nguyên tính thời sự. Bởi lâu nay, thực trạng xuất bản sách khoa học tại Việt Nam hiện nay khá thiếu và yếu.

“Tại Việt Nam không có nhiều đơn vị làm sách có ban/bộ phận biên tập sách khoa học. Điểm lại chỉ có NXB Trẻ, NXB Kim Đồng, Công ty Đông A và Long Minh. Với số lượng sơ bộ đầu sách khoa học: Kim Đồng có vài chục đầu sách. NXB Trẻ: 33 cuốn/11 năm, Long Minh: 26 cuốn/6 năm, Đông A: hơn 50 cuốn/10 năm. Riêng sách của Đông A hoàn toàn là sách dịch”, ông Đỗ Hoàng Sơn nêu ra số liệu.

Ông Sơn là người từng tham gia huấn luyện học sinh phổ thông đại diện cho Việt Nam dự thi cuộc thi khoa học và kỹ thuật quốc tế, đồng thời là giám đốc Công ty văn hóa Long Minh.

Theo ông Sơn, hiện tại, ngành xuất bản thiếu đội ngũ dịch giả, biên tập viên, “ông bầu” đỡ đầu cho việc làm sách khoa học. Việc thiếu tác giả Việt Nam viết sách khoa học xuất phát từ nhiều phía: thiếu trách nhiệm, thái độ cống hiến với xã hội, thiếu đam mê và thiếu cả tri thức.

Một chuyên gia khác là dịch giả Nguyễn Việt Long- người đã dịch, biên tập và hiệu đính nhiều cuốn sách khoa học trong thời gian qua thì cho rằng, mảng sách khoa học cho lứa tuổi từ 10 -15 tuổi ít. Sách khoa học cho người lớn cũng hiếm bởi hiện tại ít tài liệu tham khảo, không có người dịch có chuyên môn thực sự. Ông Long cho rằng, số dịch giả am hiểu về lĩnh vực sách khoa học không nhiều.

“Có nhiều cuốn sách chưa được cập nhật bởi các lĩnh vực khoa học luôn được cập nhật. Với những thuật ngữ, tên loài quốc tế khi được dịch tại Việt Nam thì việc đầu tiên là phải xem tại Việt Nam, loài đó, con đó được người dân gọi là gì. Tuy nhiên việc này chưa được chú trọng”, ông Long nhấn mạnh.

“Vào sân” cùng sách khoa học

Bên cạnh đó, để có thể cải thiện được tình hình, các chuyên gia cho rằng chúng ta cần phải bắt tay làm cũng lúc nhiều việc. Thậm chí bắt đầu từ những việc rất nhỏ. Theo ông Đỗ Hoàng Sơn: Ở các nhà sách Việt Nam, không có biển chỉ dẫn sách khoa học trong khu sách thiếu nhi. Tại khu sách của người lớn, nếu có biển sách Khoa học - Xã hội thì gộp chung rất nhiều dòng sách như thai sản, kĩ thuật… Điều này rất khác với thế giới khi sách được phân loại theo chuyên đề: Văn học, Nghệ thuật, Khoa học…

Đồng quan điểm này, TS Giáp Văn Dương cho rằng, thực trạng hiện tại là nhà trường không khuyến khích đọc sách khoa học, và học sinh cũng không có nhiều thời gian để làm việc này. Giáo dục hiện tại là thầy và trò cùng đá bóng trên “khán đài”. Trong khi đó, sách khoa học là công cụ để giúp học sinh trải nghiệm thật sự, được làm thí nghiệm, tự kiểm chứng các khái niệm.

TS Giáp Văn Dương cũng dẫn chứng một ví dụ, lâu nay chúng ta dạy cho học sinh với những định nghĩa quen miệng, kiểu như: Nước là chất lỏng, không mùi không vị, sôi ở…

“Đây là cách học trên khán đài. Trong khi đó, cách học “trên sân” thực thụ với những cuốn sách khoa học hay thì người hướng dẫn sẽ đưa một cốc nước cho học sinh và yêu cầu học sinh nhận xét về cốc nước, từ đó đưa ra khái niệm”, TS Dương nói. “Bản thân các nhà khoa học không thích dịch, làm sách khoa học… bởi họ cũng chỉ làm khoa học trên khán đài”.

Có một con số được ông Đỗ Hoàng Sơn đưa ra qua việc khảo sát của một nhóm học sinh cấp 2 cho thấy chỉ 2,6 % học sinh cấp 2 lựa chọn thích dòng sách khoa học. Ông Sơn cho rằng: Cần xây dựng các CLB Khoa học trong trường cấp 2, cấp 3 bởi đây chính là tương lai của đất nước. Ông cũng kêu gọi các Hiệu trưởng trường cấp 2, trong một tháng, cần giới thiệu 2 đầu sách tới các học sinh trong trường. Đây là trách nhiệm xã hội của tri thức.

Để tạo dựng được thói quen đọc sách khoa học, theo TS Giáp Văn Dương, chúng ta cần quan tâm, đầu tư xuất bản những cuốn sách khoa học. “Phải có sách thì mới gây dựng được thói quen đọc sách khoa học”, ông Dương nhấn mạnh. Chính bởi vậy, để nhen lên tình yêu sách vở nói chung, sách khoa học nói riêng, cha mẹ nên tạo thói quen đọc sách cho trẻ từ lúc còn nhỏ, đồng thời chính các bậc cha mẹ cũng phải duy trì thói quen đọc sách.

Bằng kinh nghiệm cá nhân, TS Giáp Văn Dương cũng bày tỏ cách làm của bản thân khiến con trẻ yêu thích sách: Bày sách trong tầm mắt của con trẻ. Điều này sẽ tạo niềm yêu thích sách một cách tự nhiên khi bối cảnh quyết định hoàn cảnh.

Thư Hoàng