Những bà mẹ Nhật tự đo phóng xạ để bảo vệ gia đình

Linh Chi 14/03/2016 08:05

Cách đây 5 năm, một trận động đất kéo theo sóng thần đã tấn công vào bờ biển Nhật Bản, gây nên tình trạng rò rỉ phóng xạ ở nhà máy điện Fukushima. Nhà của bà Kaori Suzuki ở gần đó, dù quyết định ở lại, nhưng do lo lắng về sức khỏe con cái mình, bà cùng một số các bà mẹ khác đã thành lập hẳn một phòng thí nghiệm để đo mức phóng xạ.

Một người phụ nữ trong bộ áo khoác trắng đặt một chất liệu hữu cơ lên tấm kính, trong khi một thứ chất lỏng màu xám khác đang để phía sau lưng bà. Những người phụ nữ khác, một trong số đó còn đang mang thai, đang thảo luận về các dữ liệu đang hiện trên màn hình máy tính.

Đó không phải một phòng thí nghiệm thông thường và những người phụ nữ này không hề qua trường lớp đào tạo khoa học nào cả. Trong nhóm này có người từng là nhân viên chăm sóc thẩm mỹ, thợ làm tóc, có người thì từng làm việc văn phòng… Nhưng cùng nhau, họ đã lập nên một tổ chức phi lợi nhuận có tên Tarachine, tập trung đo lường mức phóng xạ trong thành phố Iwwaki, cách nhà máy điện Fukushima chỉ khoảng 50 km.

Kaori Suzuki, giám đốc phòng thí nghiệm này, cho hay: “Đây là mức độ phóng xạ Strontium 90 ở Niboshi. Các loại nấm thường có mức nhiễm phóng xạ cao hơn. Chính phủ đã cấm người dân không nên ăn nấm rừng, nhưng nhiều người vẫn ăn chúng”.

Những bà mẹ Nhật tự đo phóng xạ để bảo vệ gia đình

Phòng thí nghiệm Tarachine được nhóm các bà mẹ
thành lập với mục đích giúp người dân đo mức độ phóng xạ. (Nguồn: BBC).

Phóng thí nghiệm này chủ yếu đo lường các loại đồng vị phóng xạ như Caesium 134 và 137, và thu thập dữ liệu về tia gamma. Strontium 90 và Tritium mới chỉ được thêm vào danh sách của họ từ tháng 4 năm ngoái. Tổ chức Tarachine công bố báo cáo của họ trên mạng mỗi tháng, và khuyên người dân tránh xa các loại thực phẩm có mức phóng xạ cao, cũng như cảnh báo về nơi mà chúng được thu hoạch.

Cách đây 5 năm, bà Suzuki không hề biết gì về phóng xạ, mà chỉ trông hai đứa con mình và dạy yoga. Nhưng vụ động đất xảy ra hôm 11/3/2011 đã thay đổi mọi thứ.

“Tôi chưa từng thấy chấn động nào kinh khủng như vậy nên rất sợ hãi. Ngay từ đầu tôi đã có cảm giác điều gì đó sẽ xảy ra với nhà máy điện hạt nhân” - bà Suzuki nói - “Việc đầu tiên tôi nghĩ đến là đổ đầy xăng vào xe hơi để chạy”.

Mặc dù ở ngoài khu vực đi sơ tán, nhưng bà Suzuki cùng gia đình vẫn bỏ chạy về phía Nam, và phải đến năm ngoái mới trở về vì chồng của bà có một doanh nghiệp nhỏ ở Iwaki. Dù mức phóng xạ ở Iwaki là khá thấp, nhưng “kẻ thù giấu mặt” này vẫn hiện hữu trong câu chuyện mà mọi người ở đây bàn tán.

“Đáng ngại ở chỗ, các bậc ông bà thường tự trồng các cây lương thực tại nhà, nhưng các bà mẹ trẻ lại không dám cho con cái họ ăn do lo nhiễm phóng xạ” - bà Suzuki nói.

Và đó cũng chính là động cơ thúc đẩy bà thành lập một nhóm có tên “Các bà mẹ hành động ở Iwaki”. Ban đầu, họ tổ chức các cuộc tuần hành phản đối năng lượng hạt nhân, nhưng sau đó quyết định cho mình một chiến lược mới: Họ sẽ tự học cách để đo mức độ phóng xạ.

Họ tự bỏ tiền túi để đóng góp khoản tiền 600 USD để mua chiếc máy đo Geiger đầu tiên trên mạng, nhưng sau khi đã nhận được hàng, hướng dẫn sử dụng lại viết bằng tiếng Anh mà trong số họ không ai hiểu được. Nhưng với sự giúp đỡ của một số chuyên gia và các vị giáo sư ở các trường đại học, họ đã giải quyết được vấn đề.

Họ cùng nhau tìm hiểu về Becquerel, đơn vị đo phóng xạ, và Sievert, một đơn vị khác đo liều lượng phóng xạ. Đến tháng 11/2011, nhóm phụ nữ này quyết định trở nên chuyên nghiệp hơn và đã thành lập một phòng thí nghiệm. Họ thu hút tiền quyên góp và cố gắng mua thiết bị đầu tiên được thiết kế chuyên biệt để đo mức độ nhiễm phóng xạ trong thực phẩm, nó có giá tới 3 triệu Yen (khoảng 26.400 USD).

Hiện nay, phòng thí nghiệm Tarachine có 12 nhân viên làm việc. Người dân hàng ngày vẫn mang mẫu thực phẩm, đất, cỏ và lá cây từ sân nhà họ đến đây để kiểm tra. Kết quả sau đó được công bố để mọi người có thể nắm được. Càng ngày càng có nhiều người đến với Tarachine bởi họ không tin tưởng vào các thông số đo phóng xạ mà chính phủ và công ty điện lực TEPCO công bố.

Hiện ở Nhật có khoảng 100 “phòng thí nghiệm dân sự” kiểu này, nhưng Tarahine lại khác biệt hẳn bởi nó đo được cả tia gamma và beta - đa số chỉ đo tia gamma - và bởi họ thử nghiệm bất cứ thứ gì mà người dân mong muốn, dù là một củ cà rốt tự trồng hay một mẫu bụi lấy ra từ máy hút bụi.

Linh Chi