Vĩnh biệt Giáo sư Lý Chánh Trung

Trần Thanh Phương 14/03/2016 08:24

Thế là một chiếc lá vàng nữa rụng xuống! Cuộc tử sinh nào ai có thể ước định hết được! Một trí thức lớn, một nhân sĩ tên tuổi, một nhà giáo, để lại nhiều dấu ấn bao thế hệ học trò thành đạt ở Sài Gòn - TP HCM đã ra đi: Giáo sư Lý Chánh Trung. 

Vĩnh biệt Giáo sư Lý Chánh Trung

GS Lý Chánh Trung (1928-2016).

Ông sinh ngày 23/12/1928 tại tỉnh Trà Vinh. Giáo sư (GS) Lý Chánh Trung nguyên là Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ VN, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP.HCM, đại biểu Quốc hội khóa VI, VII, VIII.

Trước hương khói, chúng tôi xin trân trọng nhắc lại một đoạn trong bài viết của GS về Chủ tịch Hồ Chí Minh cách nay gần 47 năm có thể nhiều người chưa biết, mà có biết cũng không còn nhớ: “… Cách mạng tháng Tám bùng nổ. Trong một đêm, tất cả đều thay đổi: Ngọn cờ đỏ thay ngọn cờ vàng; ông tỉnh trưởng nhường chỗ cho một Ủy ban Hành chánh do một sinh viên trường thuốc làm Chủ tịch. Chúng tôi biến thành thanh niên Cứu quốc và lần đầu tiên, tên tuổi và hình ảnh Hồ Chí Minh xuất hiện.

Không đứa nào trong chúng tôi biết Cụ là ai, nhưng mọi người đều nghĩ Cụ chỉ có thể là Nguyễn Ái Quốc. Cũng không đứa nào biết Nguyễn Ái Quốc là ai, nhưng mọi người đều nghĩ “Ái Quốc” chỉ có thể là yêu nước. Và chúng tôi đã chấp nhận Cụ tức khắc, không phải vì bộ máy tuyên truyền lúc ấy còn rất thô sơ mà bởi vì chúng tôi đang khao khát sự đổi mới, khao khát một cách lờ mờ nhưng dữ dội, mà Cụ là hiện thân của sự đổi mới; bởi vì chúng tôi đang tìm thần tượng, mà Cụ hiện ra như bức tượng đúng với những kích thước mà chúng tôi mơ ước. Bởi vì chúng tôi đang cần lãnh tụ mà ngay từ lúc ấy, ngay trong lúc bức chân dung đầu tiên, những lời nói và hành động đầu tiên Cụ đã vượt xa những người có thể làm lãnh tụ.

Và quả thật, Cụ đã đem lại sự đổi mới. Từ Cách mạng tháng Tám cho đến khi quân Pháp tái chiếm thị xã Trà Vinh chỉ vỏn vẹn có ba tháng, ba tháng thật đẹp và thật đầy…

…Mà những ngày ấy đã trải qua dưới bức chân dung của Cụ Hồ, trên đó viết: “Hồ Chí Minh, Anh hùng dân tộc!”.

Tôi trích một đoạn hơi dài trong bài viết của GS Lý Chánh Trung với tựa đề “Nói chuyện với người đã khuất” đăng trên tạp chí “Đất nước” số 14/10/1969, để thấy chiều sâu tính cách, sự dũng cảm nhường nào của GS. Năm 1969, giữa trung tâm Sài Gòn, những dòng chữ đăng công khai với nội dung trên đây, chứng tỏ tác giả của nó phải có tấm lòng rất sâu nặng với dân tộc, với Cụ Hồ.

GS Lý Chánh Trung theo đạo công giáo. Tôi còn nhớ trong một hội nghị khoa học tại TP HCM, linh mục Phan Khắc Từ nhắc tới GS Lý Chánh Trung nhiều lần và nói: “Chúng tôi muốn gợi lại một dòng truyền thống trong Giáo hội Công giáo Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh của dân tộc và hiện đang là hướng đi lên của người Việt Nam công giáo”. Có thể nói: “Tìm về dân tộc” và “Đi tìm hòa bình” là nội dung chủ yếu trong hoạt động Thiên chúa giáo ở Sài Gòn trước 1975. Năm 1967, có 2 cuốn sách “Hòa bình cho con người” do Trương Bá Cần, Trương Đình Hòe, Hồ Đỉnh soạn và “Tìm về dân tộc” của GS Lý Chánh Trung, là một sự kiện lớn.

Chúng ta nhớ lại, từ 1964-1965, khi quân đội Mỹ ào ạt đổ vào miền Nam để cứu chế độ Sài Gòn khỏi nguy cơ sụp đổ, thì những khẩu hiệu “Bảo vệ văn hóa dân tộc”, “Bảo vệ nhân phẩm và quyền lợi phụ nữ”, “Đòi quyền tự quyết dân tộc”… đã thu hút đông đảo giới trí thức Sài Gòn. Rồi năm 1968, sau cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân, hình thành Liên minh các lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình Việt Nam, sau đó nhiều tổ chức chính trị khác với thành phần rất rộng, gồm nhân sĩ, trí thức tiêu biểu. Đặc biệt sau Hiệp định Paris nở rộ hướng chọn con đường thứ ba, không có Mỹ, theo hướng lập chính phủ ba thành phần, chấm dứt chiến tranh phi nhân, phi nghĩa, phi pháp của Mỹ. Từ thực tế đó, việc hình thành “lực lượng thứ ba” trong chính giới Sài Gòn gồm thành phần trí thức tán thành đường lối của cách mạng làm nòng cốt và các thành phần nhân sĩ, trí thức khác. Hình ảnh GS Lý Chánh Trung là một trong những thành viên như ngọn cờ trong một số tổ chức ấy. Nói như ông Trần Bạch Đằng, dù muốn hay không, GS Lý Chánh Trung cũng là đồng minh của cách mạng trong bối cảnh đau thương của đất nước.

Năm ngoái, nhân kỷ niệm 90 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, tôi có viết bài giới thiệu cuốn sách “Đối diện với chiến tranh” của GS Lý Chánh Trung. Mở đầu cuốn sách, GS viết: “Tôi là một nhà giáo, nhưng giữa thập niên 1960 khi Mỹ đổ quân vào miền Nam, tình thế bức xúc buộc tôi phải nói lên công khai những suy nghĩ của mình về thời cuộc và trở thành một nhà báo “bán chuyên nghiệp” trong gần 10 năm.

Tháng 3/1970, việc bắt giam một số đông sinh viên, học sinh vì cái tội “có liên quan với cộng sản” đã gây một phong trào đấu tranh rộng lớn, tôi nhận lời mời của anh Ngô Công Đức, chủ nhiệm báo Tin Sáng, viết một loạt bài bênh vực sinh viên, học sinh, mỗi tuần một bài, trong suốt cuộc đấu tranh, sau đó ngon trớn viết luôn để bổ trợ các phong trào đấu tranh khác…”.

Bây giờ GS Lý Chánh Trung đã nằm xuống. Tôi nghĩ, những người cầm bút như GS có thể kéo dài cuộc sống của mình bằng chữ nghĩa, bằng tác phẩm. Mà hơn 200 năm trước, đại thi hào Nguyễn Du đã viết “Thác là thể phách, còn là tinh anh”.

Vốn là một GS Triết, Lý Chánh Trung luôn nhìn vấn đề chính trị Việt Nam dưới lăng kính của một triết gia. Điều này thể hiện rất rõ qua các tác phẩm và các bài báo của ông. Ông cũng hết sức tâm tư với thời cuộc. Ông luôn có chính kiến riêng và làm cho người đối diện phải động não. Sau ngày giải phóng, trong nhiều cuộc họp, ông thường nói: “Anh em trí thức ở thành phố bỏ đi ra nước ngoài nhiều quá! Mỗi người, mỗi cương vị, làm sao giữ anh em lại cùng xây dựng đất nước. Rồi vấn đề hòa hợp dân tộc, xóa bỏ hận thù… GS cũng có nhiều ý kiến với những người lãnh đạo cao nhất, để làm sao người Việt Nam chung một bóng cờ, để hồn dân tộc luôn cột chặt mỗi người Việt Nam với nhau dù quá khứ ra sao, hoàn cảnh hiện tại như thế nào, sinh sống ở đâu, tín ngưỡng có khác nhau… Những năm gần đây, khi tuổi đã cao, giáo sư vẫn rất trăn trở về nạn tham nhũng ở nước ta. Hình như ông có viết một chuyên đề khá sâu về đề tài này. Ông còn dằn vặt, suy tư nhiều điều trong đời sống xã hội ta chưa giải quyết được.

Kính thưa GS, không ai có thể làm hết việc của một đời người. GS đã sống trọn đời mình với nghề giáo, với những hoạt động xã hội sôi nổi trong bão táp cũng như trong yên bình. Trong các thế hệ học trò của GS có thể kể đến những tinh hoa của tài năng, trí tuệ, tâm hồn của GS truyền cho không thể mất đi mà đang và sẽ được nảy nở, phát huy.

Là người có may mắn được gần gũi, cùng làm việc và là đồng nghiệp với vợ chồng con trai ông trong nhiều năm, tôi viết những dòng này khi trái tim của GS đã ngừng nhịp đập với lòng kính trọng và ngưỡng mộ về một người thầy, một trí thức lớn của đất phương Nam.

Trần Thanh Phương